Biển Hoa Đông nóng hừng hực
Trong một thông điệp cứng rắn, hai máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã bay thẳng vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc vừa mới thiết lập.
Biển Hoa Đông nóng hừng hực
Chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc trong lần giới thiệu với giới truyền thông tại căn cứ không quân Yangcun, ngoại ô Thiên Tân – Ảnh: Reuters
Lầu Năm Góc giải thích chuyến bay diễn ra hôm 26-11 và không mang vũ khí là hoạt động thường xuyên, nhưng rõ ràng động thái này có thông điệp: không chấp nhận ADIZ mà Bắc Kinh tuyên bố. Các máy bay B-52 của Mỹ không thông báo lộ trình và ở trong vùng ADIZ trong gần một giờ.
Đại tá Steve Warren của Lầu Năm Góc tuyên bố mạnh mẽ: “Chúng tôi đã tiến hành các chiến dịch ở quanh khu vực Senkaku/Điếu Ngư và sẽ tiếp tục theo quy trình thông thường của mình”. Giới quan sát thừa nhận động thái mới của Tokyo và Washington đẩy thêm căng thẳng hiện tại và mọi người đều chờ đợi bước hành xử tiếp theo từ Bắc Kinh.
Phản ứng trước thông tin trên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cho biết Bắc Kinh giám sát toàn bộ hành trình của hai máy bay B-52 tại ADIZ, đồng thời khẳng định nước này có khả năng quản lý và giám sát hiệu quả ADIZ.
Các chuyên gia cũng nhanh chóng phân tích tình hình. Reuters trích lời giáo sư Sun Zhe tại ĐH Thanh Hoa thừa nhận: “Nếu Trung Quốc chỉ phản ứng bằng tuyên bố thì sẽ rất xấu hổ. Khái niệm hổ giấy là rất quan trọng, các bên đều đối mặt chuyện này. Nhật và Mỹ không muốn trở thành hổ giấy và Trung Quốc càng không muốn”.
Dean Cheng, nhà phân tích của Quỹ Heritage, cho rằng phản ứng mạnh mẽ của Washington cho thấy Mỹ “rất nghiêm túc khi nói mình là đồng minh của Nhật và đừng có đùa với điều đó”. Còn ông Brad Glosserman, thuộc Diễn đàn CSIS tại Honolulu, đánh giá tuyên bố của Trung Quốc, từng được coi là cao tay hơn trong việc khẳng định chủ quyền, giờ trở thành tác dụng ngược khi “người Trung Quốc lần nữa chứng minh chính họ là kẻ thù lớn nhất của bản thân mình…, khiến Mỹ và Hàn Quốc đứng gần hơn nữa với Nhật”.
Trả lời Tuổi Trẻ, bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, cho rằng Mỹ không ngần ngại lên tiếng rõ khi “Trung Quốc có hành động làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố hoặc có thể lôi kéo Mỹ vào xung đột. Như trong trường hợp Trung Quốc hướng rađa vào tàu chiến của Nhật, Mỹ đã lên án hành động ngay”.
Bà giải thích thêm: “Bằng việc đưa máy bay B-52 bay qua ADIZ, Mỹ đơn giản khẳng định quyền được bay qua không phận quốc tế cũng như khi Mỹ thực hiện quyền đi lại trên biển Đông hay ở eo biển với Đài Loan”. Bà Glaser thừa nhận có nhiều sự tương đồng giữa các căng thẳng ở biển Hoa Đông và biển Đông. “Người Trung Quốc hôm nay gây sức ép với người Nhật và họ cũng từng dùng chiến thuật dọa nạt với các nước Đông Nam Á. Cần nhớ là người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói sẽ công bố các khu vực ADIZ khác trong tương lai. Chắc chắn họ đã nghĩ đến biển Đông cũng như vùng biển với Đài Loan”.
Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc nhận định với Tuổi Trẻ: “Trung Quốc giờ đây nhận ra hành động của họ không chỉ thách thức Nhật mà còn thách thức cả Mỹ… Mỹ cũng chỉ ra rõ rằng các ADIZ Mỹ từng công bố chỉ kiểm soát các máy bay hướng trực tiếp về phía Mỹ. Các máy bay đi qua vùng ADIZ này hoàn toàn được bay tự do”. Theo ông Thayer, chính sách này là nhất quán với chính sách trên biển khi hải quân Mỹ sẽ cương quyết chống các nước hạn chế tàu chiến đi lại trong các vùng đặc quyền kinh tế. Ông Thayer đánh giá hành động của Mỹ được hoan nghênh ở khu vực khi mà Trung Quốc nói sẽ áp đặt ADIZ trên các vùng biển khác nữa.
Động thái mới của Mỹ diễn ra một tuần trước khi Phó tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện chuyến đi tới Đông Á với các điểm dừng ở Bắc Kinh, Seoul và Tokyo để tái khẳng định chiến lược “tái cân bằng” về châu Á. Washington nói Nhà Trắng sẽ nêu các vấn đề về lãnh thổ trong cuộc gặp với lãnh đạo Trung Nam Hải.
Theo AFP, mới đây Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki Moon đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản đàm phán để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Theo người phát ngôn LHQ Martin Nesirky, ông Ban Ki Moon cho rằng căng thẳng cần được hóa giải “một cách thân tình thông qua đối thoại và đàm phán”. “Hiện có nhiều tranh chấp lãnh thổ ở Đông Bắc Á và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tổng thư ký hi vọng các tranh chấp này được giải quyết qua đối thoại, phù hợp với luật pháp quốc tế. Các bên có liên quan cần xử lý vấn đề với thiện ý và tinh thần xây dựng” – ông Nesirky nhấn mạnh.
THANH TUẤN
Các vùng ADIZ trên biển Hoa Đông – Nguồn: Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản – Đồ họa: AFP, Tuổi Trẻ |
ADIZ là gì? Theo một chuyên gia hàng không Việt Nam, vùng nhận diện phòng không (Air Defense Identification Zone – ADIZ) là vùng nằm ngoài không phận đương nhiên của một quốc gia và do quốc gia đó tự đặt ra. Vùng ADIZ hiện nay mà Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang tranh cãi nằm trùng với các đường bay dân sự mà nhiều hãng hàng không quốc tế có đường bay từ Việt Nam (từ TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…) sang Nhật Bản, Hàn Quốc và nối chuyến sang Mỹ. Tuy nhiên theo chuyên gia này, các chuyến bay quốc tế từ/đến Việt Nam đều không bị ảnh hưởng vì theo quy định trước đây, các chuyến bay này đều phải bay qua không phận của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc nên các hãng hàng không phải gửi trước kế hoạch bay và những thông tin bắt buộc cho nhà chức trách các quốc gia này. LÊ NAM |