Làm mới theo cách của tuổi mới lớn
Tuổi mới lớn thường thích sự độc lập, sáng tạo theo cách riêng của mình. Điều đó chưa chắc khiến phụ huynh hài lòng, thậm chí còn bị xem là không nghe lời.
Tuổi mới lớn thường thích sự độc lập, sáng tạo theo cách riêng của mình. Điều đó chưa chắc khiến phụ huynh hài lòng, thậm chí còn bị xem là không nghe lời.
|
Con nói sáng tạo, mẹ nói phá phách
“Cái quần con mặc rách ống rồi kìa, may lại đi con”. “Thời buổi này mà còn may vá làm chi cho cực hả mẹ? Con sẽ thiết kế thành cái quần mới cho mẹ xem!”. “Bằng cách nào?”. “Nó đã rách sẵn một đường rồi, con sẽ… xé thêm vài đường nữa là thành một kiểu quần mới bụi bụi, đầy cá tính”. “Trời! Phá phách thì có, chứ sáng tạo cái nỗi gì!”…
Có khá nhiều trường hợp tranh luận không hồi kết tương tự đã xảy ra giữa một số phụ huynh và con em đang tuổi mới lớn. Rốt cuộc, hai bên thường giận dỗi nhau, người này trách người kia không thấu hiểu thiện chí của mình và ngược lại.
Bà Nguyễn Lê Hoàng Quỳnh, chuyên viên tư vấn thuộc Trung tâm tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình (T.Ư Hội LHTN Việt Nam), cho hay: “Một số người lớn nghĩ rằng con em mình phải biết làm được những việc đơn giản nhưng thiết thân cho cuộc sống mỗi cá nhân, như: xào rau, đơm nút áo, quét nhà… Tuy nhiên, nhiều em lại lập luận: Thời buổi dịch vụ cơ bản đã đầy đủ thì không cần phải biết những thứ như trên. Thay vào đó, các em biết cài điện thoại, biết sử dụng máy vi tính, tự đi lên máy bay và biết nhiều thứ hiện đại khác mà ngày trước ba mẹ không thể biết”.
Cũng theo bà Quỳnh, phần lớn các em tuổi mới lớn thích tự mình quyết định việc gì đó trong giới hạn cho phép, chứ không muốn mọi thứ đều răm rắp làm theo sự sắp đặt của phụ huynh. Bà Quỳnh nêu thực tế: Một khi có sự yêu thích và hứng thú, nhiều em sẵn sàng bỏ thời gian để tự học hỏi qua bạn bè hoặc qua YouTube chẳng hạn. Vì vậy, có những em tuy không biết nấu cơm nhưng khá rành việc gói quà, làm bánh hay chế biến món ăn nào đấy theo tiêu chuẩn của tuổi mới lớn.
Trần Gia Bảo, học sinh lớp 7 Trường Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM, tỏ bày: “Em rất thích tự sắp xếp thời gian học tập, vui chơi của mình. Em đã học THCS rồi, nên em tin là ba mẹ sẽ cho em quyền tự lập hơn. Bây giờ cha mẹ đã giảm bớt giờ học thêm cho em, để em tự học nhiều hơn và cân bằng cuộc sống của mình”.
Tôn trọng sự khác biệt
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chia sẻ: “Mình có con gái tuổi mới lớn nên rất hiểu các cháu bây giờ không chỉ có nhu cầu mặc đủ mặc ấm mà còn thích làm đẹp nữa. Và đẹp như thế nào là theo cách của cháu, miễn sao trong nhà trường chấp nhận là được”. Theo tiến sĩ Hương, nếu muốn con mình không chạy theo những trào lưu không có lợi thì phụ huynh nên định hướng bằng cách nâng cao tầm văn hóa của trẻ. Từ đó, trẻ sẽ tự nhận biết, tự chọn lọc những gì phù hợp với mình.
Đồng tình với ý kiến trên, một người mẹ có con học lớp 5 tại Trường tiểu học Kỳ Đồng, Q.3, TP.HCM nhìn nhận: “Thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp mâu thuẫn về những gì trẻ gọi là tự sáng tạo của mình. Trước những gì cháu thích nhưng tôi không thích, tôi cũng cố gắng không chê bai. Bởi lúc ấy, mình càng cấm thì trẻ càng muốn làm, nhiều khi không phải vì nó quá thích mà là muốn chứng tỏ với mẹ”.
Tôn trọng những sở thích, sáng tạo của trẻ là cách nhiều thành viên Hội quán Các bà mẹ hướng đến qua những hoạt động thường ngày. Cụ thể, khi tổ chức sinh nhật cho nhóm trẻ có ngày sinh gần nhau, nhiều bà mẹ khuyến khích các con cùng trang trí bàn tiệc cũng như xuống bếp tham gia chế biến những món ăn trẻ ưa thích. Nhờ vậy, các em rất hào hứng và nhận thấy mình thực sự là chủ nhân của buổi tiệc.
Từng chứng kiến cảnh những đứa trẻ thay nhau đóng vai cha mẹ – con cái để bộc lộ những ức chế trong lòng, bà Nguyễn Lê Hoàng Quỳnh nhắn gửi: “Phụ huynh trước khi la mắng con vì những sự khác biệt của trẻ, hãy nghĩ rằng chính bản thân mình trước hết cần có cách ứng xử mới. Chúng ta không thể đòi hỏi giới trẻ ở thế kỷ 21 phải có cách hành xử giống với thời trẻ của chúng ta trong thế kỷ 20”.
Nguyễn Như