25/11/2024

Người trồng ‘vàng’ vẫn nghèo

Hơn 10 năm trước, cây ca cao được dự báo là loại nông sản “vàng” có tiềm năng làm giàu cho nông dân VN vì thế giới đang thiếu hụt nguyên liệu này. Nhưng tới nay, người trồng vẫn chưa thể làm giàu.

 

Người trồng ‘vàng’ vẫn nghèo

Hơn 10 năm trước, cây ca cao được dự báo là loại nông sản “vàng” có tiềm năng làm giàu cho nông dân VN vì thế giới đang thiếu hụt nguyên liệu này. Nhưng tới nay, người trồng vẫn chưa thể làm giàu.

 

Người trồng ‘vàng’ vẫn nghèo
Do có tâm lý ca cao là cây phụ thu nên hầu hết nông dân không quan tâm đến đầu tư – Ảnh: Q.T

 

Cơ hội lớn

Chưa bao giờ lại có nhiều dự án nước ngoài đổ dồn vào VN để khuyến khích nông dân trồng ca cao nhiều như lúc này. Các tập đoàn tên tuổi như Cargill, Mars, Puratos Grand Place… đã có mặt tại VN ngay từ thời gian đầu trồng ca cao và ngấm ngầm một cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường mặc dù hiện tại tổng sản lượng ca cao khô mỗi năm trong nước chỉ đạt khoảng 4.000 tấn và hầu như chưa xuất hiện tên tuổi trên bản đồ ca cao thế giới.

Những doanh nghiệp này không chỉ thu mua ca cao mà còn hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, cung ứng giống, phân bón thông qua việc hợp tác hình thành các trung tâm phát triển ca cao. Lý do, theo ông Đinh Hải Lâm, Giám đốc Chương trình phát triển ca cao VN (Tập đoàn Mars Incoporated): “Chúng tôi cần những hạt ca cao thật sự chất lượng, được lên men, kích cỡ lớn và gần như 100% lượng ca cao của VN đáp ứng được yêu cầu này”.

 Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ  sô cô la, sản phẩm chế biến từ ca cao đang có xu hướng tăng lên ở châu Á. Chỉ riêng Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia đã chiếm 2,8 tỉ người và sức tiêu thụ sô cô la của riêng 3 nước này bình quân 0,06 kg/người/năm. Đó là chưa kể Nhật Bản, nước tiêu thụ sô cô la lớn nhất châu Á với mức 1,8 kg/người/năm. Châu Á sẽ dần trở thành thị trường lớn nhất tiêu thụ sô cô la trong tương lai, và VN có vị trí chiến lược hết sức thuận lợi để đáp ứng nguồn nguyên liệu tại chỗ.

Hiện các tập đoàn lớn đều đã đặt nhà máy ngay tại khu vực Đông Nam Á để đón đầu xu hướng này, Công ty Puratos Grand – Place (Bỉ) cũng vừa đầu tư một nhà máy chế biến sô cô la tại tỉnh Bình Dương và một trung tâm thu mua và lên men hạt ca cao tại Bến Tre. Ông Gricha Safarian, Tổng giám đốc điều hành Puratos Grand – Place VN, nhận định: “Chỉ riêng nhu cầu tiêu dùng sô cô la của Việt Nam đã vào khoảng 5.250 tấn/năm, và hầu hết đều nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này cho thấy, thị trường ca cao của VN rất tiềm năng, đồng thời sẽ tạo cơ hội cho người nông dân trong nước mở rộng diện tích trồng cây ca cao trong tương lai”.

Nông dân vẫn lúc trồng, lúc chặt

Cơ hội tốt là thế nhưng cây ca cao đến lúc này vẫn bị coi là cây cho thêm thu nhập và chỉ thích hợp cho vùng nghèo.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tính đến tháng 11.2013, diện tích ca cao cả nước  đạt 22.110  ha nhưng phần lớn cây ca cao phải trồng xen với các loại cây khác (chiếm 91%). Diện tích ca cao trồng thuần chủ yếu ở vùng Tây nguyên, một số ở vùng Đông Nam bộ, trồng trên đất cà phê già cỗi, năng suất thấp.

So với năm 2012, diện tích ca cao cả nước giảm 3.589,7 ha, nguyên nhân trước hết do ca cao trồng tại một số vùng không thích hợp (nhiễm mặn, khô hạn thiếu nước tưới và không có điều kiện đầu tư chăm sóc) dẫn đến bị chết. Việc đốn bỏ ca cao chủ yếu xảy ra trên những diện tích trồng phân tán, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp do nông dân thiếu kiến thức kỹ thuật, thiếu đầu tư chăm sóc.

Năm 2013, việc đốn bỏ ca cao tập trung nhiều từ  tháng 5 đến tháng 8 tại các tỉnh Bến Tre, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Nông khi giá thu mua ca cao xuống thấp (35.000 – 39.000đồng/kg hạt khô lên men). Từ tháng 9 đến nay, tình trạng đốn bỏ ca cao không còn xảy ra  do  giá ca cao đang lên cao 50.000 – 55.000 đồng/kg hạt khô lên men (khoảng 4.300 – 4.500 đồng/kg trái tươi).

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, tâm lý ca cao là cây phụ thu nên hầu hết nông dân không quan tâm đến đầu tư, hiệu quả thấp. Nhà nước cũng chưa có chính sách cụ thể cho cây ca cao như một số cây trồng khác, đặc biệt vấn đề vốn, cơ chế bình ổn giá, hỗ trợ rủi ro…

Trước nhu cầu của thị trường đối với ca cao nguyên liệu, Bộ NN-PTNT cũng đã có kế hoạch phát triển ca cao với mục tiêu đến năm 2015 trồng 33.500 ha ca cao, sản lượng hạt khô lên men 25.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 60 – 70 triệu USD/năm. Tuy nhiên, nếu không có chiến lược cụ thể thì người trồng “vàng” sẽ tiếp tục cảnh nghèo như hiện nay.

 

Theo dự báo của Tập đoàn thực phẩm Mars Icoporated (Mỹ), năm 2013, toàn thế giới thiếu hụt khoảng 160.000 tấn ca cao. Con số này sẽ lên đến 1 triệu tấn vào năm 2020, nhu cầu ca cao sẽ bức thiết hơn do nhu cầu tăng cộng với sự sụt giảm về sản lượng của các nước có thế mạnh như Ghana và Bờ Biển Ngà. Thêm vào đó, các nước trồng ca cao ở châu Á, đặc biệt là Indonesia, quốc gia sản xuất ca cao lớn nhất châu Á và thứ ba thế giới cũng giảm sản lượng và chất lượng.

 

 

Quang Thuần