26/11/2024

Một sào lúa mua được hai bát phở, nông dân trả ruộng

Nhiều nông dân ở phía Bắc tính toán: làm một sào lúa sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng họ chỉ nhận được khoản lợi nhuận từ 50.000-80.000 đồng, tương đương với hai bát phở ở thành phố, họ đã viết đơn xin trả lại ruộng hoặc bỏ hoang.

Một sào lúa  mua được hai bát phở, nông dân trả ruộng

Nhiều nông dân ở phía Bắc tính toán: làm một sào lúa sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng họ chỉ nhận được khoản lợi nhuận từ 50.000-80.000 đồng, tương đương với hai bát phở ở thành phố, họ đã viết đơn xin trả lại ruộng hoặc bỏ hoang.

 

Tình trạng này đang có xu hướng diễn ra phổ biến, theo báo cáo sơ kết năm năm thực hiện nghị quyết trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, năm 2012-2013 đã có 42.785 hộ bỏ không đất canh tác 6.882,1ha và 3.407 hộ trả 433,05ha đất…

Kỳ 1: Một sào lúa mua được… hai bát phở

Nhiều nông dân ở phía Bắc tính toán: làm một sào lúa sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng họ chỉ nhận được khoản lợi nhuận từ 50.000-80.000 đồng, tương đương với hai bát phở ở thành phố.

 

Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, bà Lê Thị Thới (thôn 6, xã Hà Hải, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) vừa quyết định viết đơn gửi UBND xã để trả lại bảy sào ruộng khoán (đất nông nghiệp Nhà nước giao lâu dài cho nông dân) của gia đình cho chính quyền địa phương. Việc tiếp nhận số ruộng của bà Thới trả đang được UBND xã Hà Hải giải quyết.

Không thiết tha với ruộng…

 

Hơn 42.000 hộ bỏ ruộng, trả ruộng

Ban chỉ đạo trung ương sơ kết năm năm thực hiện nghị quyết trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vừa có báo cáo tổng hợp về kết quả thực hiện nghị quyết nêu trên. Theo đó, nghị quyết này đã được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, nghiêm túc và sâu rộng, tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại như tốc độ tăng trưởng của nông lâm ngư nghiệp tiếp tục có xu hướng chậm lại, khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp… Đáng chú ý trong các năm 2012-2013 đã có 42.785 hộ bỏ không đất canh tác 6.882,1ha, 3.407 hộ trả 433,05ha đất.

V.V.Thành

 

Nhìn những thửa ruộng từng là “bờ xôi ruộng mật” gắn bó với gia đình hơn 30 năm qua, bà Thới bùi ngùi cho hay khi Nhà nước có chính sách giao đất lâu dài cho hộ nông dân sử dụng cách đây gần 30 năm, gia đình bà đông con nên được nhận một mẫu ruộng khoán (tức 10 sào, mỗi sào Trung bộ 500m2).

“Thập niên đầu của thời kỳ đổi mới, một mẫu ruộng đã góp phần giải quyết lương thực cho sáu miệng ăn trong gia đình tôi. Vợ chồng cày sâu cuốc bẫm, thâm canh mẫu ruộng mới có đủ gạo nuôi con ăn học cho đến khi hai đứa con gái đi lấy chồng, vợ chồng tôi chia cho ba sào ruộng coi như của hồi môn của bố mẹ. Còn bảy sào ruộng, hai vợ chồng làm đến nay đành phải trả, vì bây giờ thu nhập từ ruộng lúa thấp lắm” – bà Thới rầu rĩ nói.

Trước khi làm đơn trả ruộng cho UBND xã, bà Thới cho biết đã hỏi mấy người con trong gia đình nhưng không ai muốn nhận.

Theo tính toán của 26 hộ nông dân ở xã Hà Hải vừa có đơn gửi chính quyền xin trả hơn 5,7ha ruộng thì chi phí cho làm mỗi sào lúa ở địa phương ngày một cao.

Cụ thể, bà Thới nhẩm tính chi phí đầu vào cho mỗi sào lúa bao gồm: giống, phân bón các loại, thuốc trừ sâu, tiền cày bừa đất, tiền máy thu hoạch… khoảng 1,3-1,5 triệu đồng/vụ.

Trong khi đó, mỗi sào lúa năng suất đạt 3 tạ/sào, bán được 1,8 triệu đồng, trừ chi phí còn được từ 300.000-500.000 đồng. “Mỗi năm cấy hai vụ, trừ mọi chi phí, mỗi sào lúa còn được 600.000-1 triệu đồng, chia cho 12 tháng thì thu nhập từ một sào lúa/tháng chỉ còn 50.000- 80.000 đồng, chỉ đủ mua hai bát phở trên thành phố” – bà Thới chua xót.

Do thu nhập từ trồng lúa quá thấp như nêu trên, nên nhiều gia đình ở xã Hà Hải không còn thiết tha với ruộng đồng. Ngoài 26 hộ nông dân viết đơn trả ruộng cho chính quyền xã, hiện nay có hàng chục hộ nhận khoán hơn 11ha đất công ích của xã cũng đã bỏ hoang ruộng đồng nhiều năm nay cho cỏ mọc, làm sân bóng đá, bãi chăn thả gia súc, vì thu nhập từ mảnh ruộng quá thấp.

Nhiều hộ dân trong xã sau khi trả ruộng như bà Thới đã chuyển sang làm thợ xây dựng, làm bánh đa, dịch vụ các loại… với thu nhập từ 1-3 triệu đồng/tháng.

“Bờ xôi ruộng mật” cũng trả…

Tình trạng viết đơn xin trả ruộng, hoặc bỏ ruộng loại đất “bờ xôi ruộng mật” không chỉ xảy ra ở Thanh Hóa mà còn lan rộng ở nhiều địa phương khác khu vực phía Bắc.

Mới đây nhất, khoảng 20 gia đình ở xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương đã đồng loạt gửi đơn đến UBND xã để xin trả lại ruộng. Có người nhiều ruộng với diện tích cả ngàn mét vuông, có người ít ruộng chỉ vài trăm mét vuông, ai cũng có nguyện vọng được bám trụ với ruộng đồng nhưng đành cắn răng nhìn ruộng bị bỏ hoang.

Những lá đơn viết tay với nét chữ nguệch ngoạc của người nông dân gửi UBND xã Lam Sơn xin trả lại ruộng cùng với lý do: “không thể tiếp tục canh tác”, “làm ruộng không đủ ăn”… và những người nông dân này cũng sẵn sàng chấp nhận: “Sau này Nhà nước có thay đổi gì về chính sách, tôi không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi nào với số ruộng đã trả”.

Ông Nguyễn Viết Bàn, phó chủ tịch UBND huyện Thanh Miện, thừa nhận việc người nông dân xin trả lại ruộng là “thực tế đau xót đang diễn ra tại một số xã trên địa bàn huyện”.

Theo ông Bàn, ngoài xã Lam Sơn có gần 20 gia đình viết đơn xin trả lại ruộng thì xã Đoàn Tùng cũng có 4-5 hộ xin trả ruộng và nhiều xã người dân để ruộng bỏ hoang cho cỏ mọc.

Hiện cả huyện Thanh Miện diện tích ruộng bị bỏ hoang khoảng 7,1ha. Ông Bàn cho biết có nhiều lý do người dân làm đơn trả lại ruộng nhưng lý do chính vẫn là “làm ruộng không có lãi”.

“Trong số những gia đình xin trả lại ruộng chủ yếu là những ruộng có vị trí xấu, trũng và xa nhà. Và căng nhất là làm ruộng không có lãi, cả vụ mùa vất vả, trừ hết chi phí chỉ còn vài trăm ngàn một sào nên nhiều người muốn bỏ ruộng” – ông Bàn ngao ngán.

Tại khu vực cánh đồng Trại Lợn (thôn Quan Lộc, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) những ngày này, trên những cánh đồng xanh mướt hôm nào, nhiều thửa ruộng giờ chỉ một màu xám của đất hoang. Giữa buổi chiều, chỉ lèo tèo vài bóng người nông dân ngoài đồng.

Ông trưởng thôn Nguyễn Ninh Hoạt buồn bã: “Cả ngàn người dân làm nông ở cái xã này không kiếm nổi một người giàu lên từ trồng lúa. Cấy lúa tính ra chỉ được 10.000 đồng/ngày thì sống làm sao. Có lên thành phố, 10.000 đồng cũng chỉ uống được ba cốc trà đá. Nếu muốn ăn bát phở bò (25.000 đồng) thì… mất đứt gần ba ngày công”.

Bà Phạm Thị Nguyệt đang bì bõm bơi thuyền giữa ao bèo tây để mò củ ấu, thấy chúng tôi nói chuyện cấy lúa, dân bỏ ruộng nên cũng tấp thuyền vào bờ góp chuyện.

 Bà Nguyệt bộc bạch: “Tôi 50 tuổi đầu rồi, cấy lúa làm màu ở mảnh đất này từ bé đến giờ nhưng chưa bao giờ tôi thấy bí bách, chán nản về trồng lúa đến thế. Nhà có gần mẫu ruộng (10 sào, mỗi sào Bắc bộ 360m2), nhưng hiện tôi chỉ cấy 6-7 sào/vụ để lấy thóc ăn. Bỏ ruộng cũng phí lắm, xót lắm, nhưng cấy lúa cả năm không bằng tôi đi hái củ ấu một tháng”.

Đưa chúng tôi về nhà, ông Hoạt bảo giờ trong làng hầu hết người gắn bó với ruộng chỉ có ông bà già, còn thanh niên trai tráng, trung niên đi làm thuê, vào công ty hết.

Rồi ông lấy giấy bút ra tính toán để cấy một sào lúa trừ mọi chi phí thì một năm chỉ thu khoảng 2,5 triệu đồng. Một lao động được chia gần 1,7 sào, một năm thu hơn 4 triệu đồng. Nếu chia cho 365 ngày thì mỗi ngày công người dân cấy lúa chỉ được 10.000-11.000 đồng.

Chính vì thu nhập kém như vậy nên từ nhiều năm nay, hai con trai cùng hai cô con dâu nhà ông Hoạt đều vào hết các nhà máy, công ty ở TP Hải Dương hay Tứ Kỳ để làm.

“Đi làm nghề may nhẹ nhàng nhất cũng được 3,5-4 triệu đồng/tháng”. Rồi ông Hoạt nhỏ nhẹ: “Tôi làm trưởng thôn nên hai vợ chồng già vẫn cố giữ 6 sào cấy, còn lại 5 sào tôi cho mấy người làng cấy hộ. Mai mốt không làm trưởng thôn nữa, chắc tôi cũng trả hết, bỏ hết ruộng”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Khuông, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tứ Kỳ, cho biết nếu vụ mùa năm trước cả huyện 27 xã, thị trấn chỉ có trên 35ha đất trồng lúa bỏ hoang, đến vụ mùa 2013 diện tích đất lúa bỏ hoang đã lên tới 50ha.

 

 

Thu nhập nghề khác cao hơn

 

Sau khi trả ruộng, bà Lê Thị Thới (thôn 6, xã Hà Hải, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) chuyển sang làm bánh đa bán, thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng – Ảnh: Hà Đồng

 

Tại Thanh Hóa có hai xã vùng nông thôn nhưng thu nhập chính lại không phải từ mảnh ruộng, cây lúa, đó là xã Tiến Lộc (huyện Hậu Lộc) và xã Thiệu Giao (huyện Thiệu Hóa). Tại xã Tiến Lộc, tình trạng nông dân bỏ ruộng đã diễn ra nhiều năm nay.

Theo thống kê của UBND xã, toàn xã có 409,11ha đất nông nghiệp trồng cây hằng năm thì có hơn 41ha đang bỏ hoang. Số hộ bỏ ruộng, diện tích đất bỏ hoang sau mỗi năm lại tăng lên. Năm 2010, xã có 150 hộ bỏ hoang diện tích 5,7ha, đến năm 2013, xã này có tới 747 hộ nông dân bỏ ruộng hoang lên tới hơn 41ha. Diện tích ruộng bị bỏ hoang tập trung ở Đồng Đun và Đồng Chài.

Dù bà con nông dân xã Tiến Lộc không còn mặn mà với đồng ruộng nhiều năm, nhưng đến xã này hôm nay là những ngôi nhà cao tầng, mái bằng mọc lên san sát. Đường làng, ngõ xóm được bêtông hóa bằng sức đóng góp của nhân dân. Anh Lê Văn Điền – chủ xưởng làm nghề lò rèn truyền thống ở xã Tiến Lộc – tâm sự: “Nghề lò rèn truyền thống chế tác công cụ sản xuất nông nghiệp, gia dụng, gia công đồ sắt ở địa phương đã và đang ăn nên làm ra, nên hàng trăm lao động của xã gắn bó với nghề này có thu nhập trung bình từ 3-4 triệu đồng/lao động/tháng. Ngoài ra, tại thị trấn huyện Hậu Lộc (cách xã Tiến Lộc khoảng 3km) có nhiều doanh nghiệp may mặc, sản xuất giày da, thu hút gần 1.000 lao động trẻ của xã Tiến Lộc, với mức thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/lao động/tháng. Vì vậy, nhiều nông dân Tiến Lộc không thiết tha gì với đồng ruộng nữa là điều dễ hiểu”.

 

 

H.ĐỒNG – Đ.BÌNH – T.HOÀNG