26/11/2024

Tham nhũng: kẻ thù số 1 của các nước nghèo

Ngân hàng Thế giới (WB) tiếp tục ra thông điệp cứng rắn với tham nhũng khi Chủ tịch Jim Yong Kim trong một hội nghị ở Washington (Mỹ) hôm 19-12 tuyên bố tham nhũng ở cả cấp độ nhà nước và tư nhân đều là vấn đề hàng đầu của các nước đang phát triển.

Tham nhũng: kẻ thù số 1 của các nước nghèo

Ngân hàng Thế giới (WB) tiếp tục ra thông điệp cứng rắn với tham nhũng khi Chủ tịch Jim Yong Kim trong một hội nghị ở Washington (Mỹ) hôm 19-12 tuyên bố tham nhũng ở cả cấp độ nhà nước và tư nhân đều là vấn đề hàng đầu của các nước đang phát triển.

Ông Anna Hazare, người đã bốn lần tuyệt thực dài ngày để gây áp lực buộc Quốc hội thông qua luật Lokpal, rất được dân chúng ủng hộ – Ảnh: Reuters  

“Ở các nước đang phát triển, tham nhũng là kẻ thù số 1 – ông Kim nói – Mỗi đồng đôla mà một quan chức hay doanh nhân tham nhũng đút túi là một đồng đôla ăn cắp từ người phụ nữ có thai đang cần chăm sóc y tế hay cậu bé, cô bé đáng được học hành”.

 

Ông Kim còn nhận định khối tư nhân nên là một phần của giải pháp. “Các công ty dầu mỏ, khí đốt và khai thác mỏ đang công bố dần các hợp đồng với chính quyền” mà theo ông, sẽ tạo “cơ hội” để theo dõi các tập đoàn cũng như quan chức.

Trong thời gian dài, WB không nhắm tới tham nhũng vì muốn tránh các vấn đề chính trị. Từ năm 1996, cơ quan này bắt đầu tập trung sự chú ý vào chống tham nhũng và gọi vấn nạn này là “ung thư” đối với các nước nghèo.

Tại hội nghị, ông Kim cũng công bố công cụ mới của WB để đối phó với tham nhũng: thuê một nhóm chuyên gia về luật pháp, chính sách công, về quản lý tài chính và nhà nước cũng như mua sắm công. “Ung thư có thể chữa được” – ông Kim nhấn mạnh và cho biết WB đang cố gắng diệt tận gốc căn bệnh này.

Ông dẫn chứng: “Khi tham nhũng đe dọa một dự án điện quan trọng ở các nước nam châu Phi, WB đã can thiệp, giúp ngăn việc tham nhũng hơn 6 triệu USD”. Một số ví dụ khác là việc WB hủy khoản vay nhiều triệu đôla cho việc xây một cây cầu ở Bangladesh hồi tháng 6-2012 sau khi phát hiện vụ tham nhũng của quan chức Bangladesh và quan chức Tập đoàn SNC Lavalin của Canada. Tập đoàn SNC Lavalin nay bị cấm không được tham gia các dự án của WB trong 10 năm.

Trong một vụ khác, hồi tháng 2-2012, hai đơn vị của Tập đoàn Alstom của Pháp đã phải hoàn trả 9,5 triệu USD và bị cấm tham gia các dự án của WB trong ba năm sau khi bị phát hiện hối lộ quan chức Zambia liên quan tới một dự án thủy điện do WB tài trợ.

Reuters trích lời Bộ trưởng tài chính Philippines Cesar Purisima thừa nhận các nước cần có biện pháp hiệu quả hơn để theo dõi các nguồn vốn như là biện pháp chống tham nhũng. “Chống tham nhũng là khẩu hiệu rất phổ biến – ông nói tại một buổi thảo luận – Vấn đề luôn là ở góc độ triển khai”.

THANH TUẤN

 

 

Ấn Độ thông qua luật chống tham nhũng lịch sử

“Sau khi chờ đợi suốt 44 năm, luật Lokpal đã được thông qua trong 40 phút” – tờ Dainik Bhaskar, nhật báo tiếng Hindu lớn nhất Ấn Độ, đã hân hoan giật dòng tít như thế sau khi Quốc hội thông qua dự luật Lokpal, nhằm thành lập cơ quan chống tham nhũng với quyền lực mạnh.

AFP cho biết Quốc hội của đảng đương quyền và đảng đối lập Bharatiya Janata đã đi đến sự đồng thuận hiếm có khi phê chuẩn dự luật Lokpal. Thủ tướng Manmohan Singh gọi việc dự luật Lokpal được thông qua là một cột mốc quan trọng và mang tính lịch sử.

Trước đó, luật Lokpal đã nhận được sự ủng hộ của Thượng viện hôm 17-12 và hiện được chuyển sang tổng thống phê chuẩn. Đạo luật sẽ là cơ sở để thành lập một cơ quan thanh tra, có quyền sử dụng bất kỳ cơ quan điều tra nào để điều tra các cáo buộc tham nhũng. Tất cả các bộ trưởng và công chức cấp cao, kể cả văn phòng thủ tướng, đều là đối tượng điều chỉnh của đạo luật trên. Văn bản này cũng sẽ được dùng làm luật mẫu để các bang ở Ấn Độ thành lập cơ quan chống tham nhũng của riêng mình.

Chính phủ do Đảng Quốc đại dẫn đầu đang bị lung lay bởi các cáo buộc tham nhũng lên tới hàng tỉ USD liên quan đến viễn thông và khai thác mỏ, làm xói mòn uy tín của Thủ tướng Manmohan Singh.

N.QUÂN