Giật mình với quan niệm rượu bia của người trẻ
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn đang thực hiện đề tài nghiên cứu “Thực trạng hành vi nghiện rượu bia của sinh viên và người trưởng thành trẻ tuổi tại Việt Nam”: Khảo sát 470 người trẻ tuổi từ 18 đến dưới 28. Kết quả cho thấy việc thỉnh thoảng uống bia rượu, thỉnh thoảng uống say… đều là những biểu hiện khá nổi bật.
Giật mình với quan niệm rượu bia của người trẻ
Một nhóm sinh viên sau khi đá banh xong họp nhau tại quán nhậu ở Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Q.Định
Khảo sát của chúng tôi với 470 người trẻ tuổi từ 18 đến dưới 28. Kết quả cho thấy việc thỉnh thoảng uống bia rượu, thỉnh thoảng uống say… đều là những biểu hiện khá nổi bật.
Quan niệm lệch lạc
Trong đó, quan niệm “uống rượu là cách xã giao, là phương tiện không thể thiếu khi đi làm” và “uống rượu giúp tôi giao tiếp bản lĩnh hơn với bạn bè” có điểm trung bình cao nhất – đạt mức khá thường xảy ra.
Điều này một mặt cho thấy trong quan niệm của sinh viên và người trưởng thành trẻ tuổi mục đích của việc uống rượu bia là hướng về mặt giao tiếp, xã giao trong công việc hoặc cuộc sống; mặt khác phản ánh thực tế về “văn hóa nhậu trong gặp mặt và kinh doanh” vẫn đang ăn sâu vào suy nghĩ, nếp sống của người Việt trẻ.
Bên cạnh đó, không ít bạn cho rằng đôi khi có quan niệm “uống rượu là cách thể hiện mình đã trưởng thành”, “rượu giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, sự căng thẳng hay những nỗi buồn bất tận”, “uống rượu thể hiện bản chất đàn ông”, “trong tương lai, xã hội không thể sống thiếu rượu”.
Ở đây, sự tồn tại của các quan niệm như: xem rượu như một cách thức thể hiện bản thân, giới tính, giải sầu và thậm chí là khẳng định sự hiện diện tất yếu của rượu bia trong cuộc sống tương lai thật sự đáng phải quan tâm.
Chính những yếu tố lệch lạc trong quan niệm như thế sẽ đóng vai trò chi phối, ảnh hưởng quan trọng đến hành vi uống rượu và nghiện rượu của cá nhân.
Sử dụng bia rượu quá sớm
Thời điểm bắt đầu sử dụng rượu bia của nam sinh viên và người trưởng thành trẻ tuổi tại TP.HCM tương đối dài – trên 48 tháng với 60,6% người được khảo sát.
Tiếp đó là 20,2% đã sử dụng rượu bia “trên 36 tháng đến 48 tháng”, 12,2% uống rượu bia “từ 12 tháng đến 36 tháng” và với số lượng lựa chọn ít nhất 7% uống rượu bia “dưới 12 tháng”.
Phải thừa nhận thực tế rằng thời gian bắt đầu uống rượu bia sớm hay muộn không đồng nghĩa với việc có nguy cơ nghiện rượu bia hay không, nghiện nặng hay nhẹ.
Tuy nhiên, nếu hành vi uống rượu bia được lặp lại đều đặn trong thời gian dài sẽ tạo thành thói quen và từ đó khả năng dẫn đến việc nghiện rượu bia cũng có chiều hướng tăng cao.
Như vậy, con số 60,6% người trong nhóm khảo sát đã uống rượu bia trên 48 tháng thật sự là con số cung cấp dữ liệu khá quan trọng trong việc nhìn nhận tính ảnh hưởng đối với các biểu hiện nghiện rượu bia ở phần sau.
Chỉ là sinh viên năm thứ nhất, bạn T.L.T. – Trường đại học Sư phạm TP.HCM – chia sẻ: “Mình biết đến rượu bia khi còn học lớp 11 ở quê. Ấn tượng đầu tiên khi thử rượu là cảm giác giải sầu, nó lâng lâng sao ấy. Sau này lên Sài Gòn, thấy dân Sài Gòn nhậu cũng dữ, dần rồi mình quen với việc phải đi nhậu mỗi khi có tâm sự”.
Chặng đường 3-4 năm không phải là quá dài nhưng cũng đủ để rượu bia ngấm vào thói quen và chi phối đời sống nếu chủ thể sử dụng liên tục, đều đặn.
Như vậy, rõ ràng việc tiếp cận rượu bia từ rất sớm là một thực trạng đáng lo ngại, dự báo sự xuất hiện các tỉ lệ nghiện rượu bia trong người trẻ hiện nay.
Uống quá nhiều
Có 49,6% sinh viên và người trưởng thành trẻ tuổi uống rượu bia “một lần nhưng không đều đặn mỗi tuần”, 25,5% “trên ba lần/tuần”, 13% uống “ba lần/tuần” và 11,9% “hai lần/tuần”.
Trong khi đó, khảo sát về số lượng rượu bia sử dụng cho thấy có sự phân tán, có 55,7% đối tượng khảo sát uống từ 3 lít trở lên, 21,3% uống từ 0,5 lít trở xuống mỗi ngày, 11,1% uống từ 1-2 lít và 11,9% uống từ 2-3 lít.
Thực tế ở nước ta, việc uống rượu bia với số lượng lớn mỗi lần là điều thường thấy. Nhiều người được phỏng vấn thừa nhận mỗi lần đi uống rượu bia là họ phải uống đến say rồi mới về, mức tối thiểu là 3 lít nhưng mức tối đa là con số nào, nhiều người vẫn còn trả lời với sự ấp úng, ngại ngùng.
Điều hiển nhiên, số người không tự kiểm soát và nhận thức một cách rõ ràng về hành động của mình sau khi uống bia là rất lớn.
Chẳng hạn như theo một nghiên cứu về vấn đề này của tác giả Hồ Văn Nghĩa cho hay có đến 60-90% số người được hỏi cho rằng chưa bao giờ sử dụng các cách tránh lái xe sau khi uống rượu bia như gọi taxi, xe ôm hay gọi người thân chở về. Chỉ có 1- 3% số người được điều tra thường xuyên sử dụng cách này
Sinh viên và người trưởng thành trẻ tuổi là độ tuổi được xã hội đặc biệt quan tâm về vấn đề sử dụng các sản phẩm có chất kích thích nói chung và rượu bia nói riêng.
Bởi lẽ đây là giai đoạn mà sự trưởng thành của cá nhân được kỳ vọng một cách đầy tin yêu nhất, là sự định hướng và khởi đầu cho những bước lập thân lập nghiệp đầy thử thách mà cũng vô cùng ý nghĩa của cuộc đời.
Hậu quả sẽ xót xa hơn biết bao nếu đối tượng này sử dụng rượu bia theo hướng tiêu cực và bị những “cơn say” chi phối đời sống của mình cũng như ảnh hưởng đến chất lượng phát triển về an sinh – tri thức của toàn xã hội, ảnh hưởng đến văn hóa chung của người Việt trong cái nhìn đánh giá về hành vi văn hóa.
PGS.TS HUỲNH VĂN SƠN