26/11/2024

Miền Trung đỏ mắt tìm nhân công

Sau tết, tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn nhỏ ở miền Trung đang đối diện tình trạng thiếu hụt công nhân nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp ra thông báo tuyển dụng thường xuyên, thậm chí ngay trong những ngày nghỉ tết nhưng công nhân vẫn biệt tăm…

 

Miền Trung đỏ mắt tìm nhân công

 

 

Sau tết, tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn nhỏ ở miền Trung đang đối diện tình trạng thiếu hụt công nhân nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp ra thông báo tuyển dụng thường xuyên, thậm chí ngay trong những ngày nghỉ tết nhưng công nhân vẫn biệt tăm…
 
Anh Lê Thành Nguyện (26 tuổi, quê Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, tốt nghiệp ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí của Trường cao đẳng Công nghiệp Huế) cho biết làm tại TP.HCM thu nhập cao hơn ở quê. Trong ảnh: anh Nguyện hàn dựng sân khấu tại công viên 23-9, Q.1, TP.HCM – Ảnh: Quang Định
Một công ty ở KCN Đà Nẵng (Q.Sơn Trà) tuyển số lượng lớn, phúc lợi ưu đãi nhưng lao động tìm đến chỉ lèo tèo – Ảnh: Trường Trung
Sau tết đến nay, hầu hết công ty thuộc KCN Điện Nam – Điện Ngọc (Quảng Nam) đều treo băngrôn thông báo tuyển lao động, chủ yếu là những công ty may mặc như: Việt Vương, Minh Hoàng, Nguồn Lực, Phan Vỹ…
Số lượng lao động cần tuyển 300-500 người, thậm chí có nơi rao tuyển cả ngàn. Vậy mà lao động vẫn bóng chim tăm cá.
Thiếu trầm trọng
“Thóc đâu bồ câu đó”
Nhận định về việc khan hiếm lao động, ông Võ Ngọc Hiên, phó chánh văn phòng Ban quản lý các KCN và chế xuất Đà Nẵng, cho rằng nguyên nhân chính là do nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng cường quy mô hoạt động.
Theo ông Hiên, mức lương bình quân cho lao động tại các KCN là 3 triệu đồng (doanh nghiệp cao nhất là 6 triệu, thấp nhất là 2,5 triệu đồng) khó giữ được chân nhiều lao động trước sức hút của nhiều doanh nghiệp mới mở, cần lượng nhân công ở các địa phương tại miền Trung, chưa kể số đông khác vào Nam làm việc.
Ông Nguyễn Phụ, phó trưởng Ban quản lý KCN Điện Nam – Điện Ngọc, cho biết: “Cứ sau kỳ nghỉ tết, một số công ty thiếu hụt lao động trầm trọng, có công ty mất cả trăm lao động do công nhân nghỉ để tìm công ty khác có mức lương cao và điều kiện làm việc tốt hơn hoặc vào Nam lập nghiệp. Bởi vậy các công ty thường tuyển lao động vào những ngày đầu năm”.
Tại cụm công nghiệp Tây An (xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) nhiều doanh nghiệp cũng đang đau đầu vì đăng thông báo tuyển công nhân ngành may mặc nhưng đến thời điểm này vẫn không đủ. Công ty TNHH may mặc Kết Đoàn đăng thông báo tuyển 300 công nhân với mức lương trên 3 triệu đồng/tháng nhưng số lượng đến đăng ký vẫn lèo tèo.
Tương tự, Công ty TNHH hi-tech Việt Nam Apparel đăng thông báo tuyển 1.000 công nhân may và 20 công nhân cắt, ủi… với lời hứa “nhận vào làm ngay và trả lương ngày đó” nhưng số lượng người đến xin việc vẫn rất lèo tèo. Bà Hoàng Thị Thúy, phụ trách nhân sự của công ty, cho biết trước tết công ty đã cho đăng thông báo tuyển đến các xã trong huyện, đăng thông tin trên báo nhưng hơn một tuần nay mới có chưa đầy 100 công nhân đến nộp hồ sơ.
Theo bà Thúy, để thu hút công nhân, công ty có nhiều chế độ đãi ngộ như hỗ trợ tiền cơm trưa, tiền đi lại, thưởng sản phẩm, thưởng cuối năm nhưng số lượng công nhân có tay nghề đến đăng ký vẫn rất hạn chế. Cần công nhân có tay nghề nhưng không tuyển được, Công ty TNHH hi-tech Việt Nam Apparel chấp nhận đào tạo công nhân chưa có tay nghề.
Trong khi đó tại Quảng Ngãi, tình hình thiếu hụt lao động cũng trầm trọng không kém. Công ty TNHH MTV Vinatex Quảng Ngãi sau tết tuyển thêm 500 công nhân bù vào số lao động đã xin nghỉ việc, đồng thời công ty mở thêm phân xưởng nên cần thêm người. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ tuyển được 200 công nhân, trong đó có tay nghề chưa đến 100 người.
Anh Nguyễn Nhất Linh – trưởng phòng tổ chức hành chính Công ty Vinatex – cho biết: “Vì đây là công ty may mặc nên mức lương ăn theo sản phẩm. Lương dao động từ 3,5 – 4,7 triệu đồng/tháng. Tăng ca sẽ có thêm thu nhập theo sản phẩm làm ra. Công nhân công ty được hưởng mọi đãi ngộ theo Luật lao động như tiền chuyên cần, tháng lương thứ 13, BHXH, BHYT… nhưng hiện tại sau tết vẫn đỏ mắt tìm người”.
Đà Nẵng – cần hàng ngàn lao động
Cũng như Quảng Nam, Quảng Ngãi, các doanh nghiệp tại sáu khu công nghiệp lớn nhỏ tại TP Đà Nẵng như Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Thọ Quang, Liên Chiểu… đang lâm vào tình trạng thiếu hụt lao động. Tại cổng KCN Hòa Khánh, hàng loạt công ty giăng biển báo tuyển công nhân như: Công ty cổ phần dệt may 29-3, Công ty Tree Star, Công ty Con Đường Xanh…
Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm KCN TP Đà Nẵng Huỳnh Viết Tư cho hay năm nay toàn bộ KCN trên địa bàn thiếu hụt hơn 4.000 công nhân lao động. Nhu cầu lao động trong ngành dệt may, giày da, lắp ráp điện tử là chủ yếu. Hiện có 4-5 doanh nghiệp đang cần tuyển 500-2.000 công nhân. Các ngành này chủ yếu tuyển nữ nên tạo ra sự thiếu hụt lao động lớn.
Lý giải nguyên nhân này, ông Tư cho rằng thị trường lao động khan hiếm công nhân và Đà Nẵng gần như cạn nguồn cung. Nếu những năm trước các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi… là địa bàn cung cấp công nhân chính cho các KCN tại TP Đà Nẵng, thì nay chính các địa phương này cũng có các KCN giải quyết được lao động tại chỗ. Ngoài ra, các KCN phía Nam vẫn có sức hút khiến nhiều người không mặn mà với địa phương.
T.VŨ – T.TRUNG – T.BA
 
Tại sao lao động chọn con đường vào Nam?
Bà Nguyễn Thị Hải Vân, cục trưởng Cục Việc làm (thuộc Bộ LĐ-TB&XH), cho biết vấn đề các KCN ở miền Trung thiếu hụt lao động có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tuyển dụng lao động của khu vực phía Nam nhiều hơn nên thu hút lượng lao động rất lớn. Ngoài ra, ở khu vực phía Nam (các tỉnh thành: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương…) có nhiều KCX-KCN với hàng chục ngàn công ty, doanh nghiệp. Khi lao động vào khu vực này làm, họ có cơ hội chuyển chỗ làm nhiều hơn. Mất việc ở công ty này lập tức có công ty khác tuyển dụng ngay. Trong khi ở các tỉnh miền Trung, cơ hội chuyển chỗ làm là rất ít. Ngoài ra, năm 2013 kinh tế khó khăn, hàng ngàn người lao động ở lại phía Nam ăn tết không về quê. “Tóm lại, theo tôi, khu vực phía Nam cầu nhiều hơn cung, ngược lại với cung nhiều hơn cầu ở khu vực miền Trung và miền Bắc. Điều này khiến dòng chảy lao động từ hai khu vực miền Trung và miền Bắc vào Nam là tất yếu cho dù các khu vực này có mức thu nhập cũng dần tăng cao” – bà Vân cho biết.
Còn theo ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, lao động chọn con đường vào Nam là do thị trường lao động ở đây sôi động hơn. Phần lớn thanh niên nghĩ rằng vào Nam thì cơ hội việc làm nhiều hơn, thu nhập cao hơn… Và trên hết, họ nghĩ bản thân sẽ có nhiều chọn lựa trong công việc, học hành, tiến thân… trong khi những cơ hội như vậy ở khu vực miền Trung hẹp hơn.
HỒ VĂN