25/11/2024

ASEAN mạnh nhất khi đoàn kết

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 44 tại Davos, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh sức mạnh của ASEAN lớn nhất khi đoàn kết cùng nhau.

 

ASEAN mạnh nhất khi đoàn kết

26/01/2014 09:16 (GMT + 7)
 
 

TT – Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 44 tại Davos, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh sức mạnh của ASEAN lớn nhất khi đoàn kết cùng nhau.

Sức mạnh của ASEAN lớn nhất khi các thành viên đoàn kết cùng nhau trong giải quyết các vấn đề, các nước ASEAN nhấn mạnh trong phiên thảo luận tại Davos (Thụy Sĩ) về tương lai của khối trong bối cảnh tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc vẫn căng thẳng.

Theo TTXVN, phát biểu tại phiên họp có nội dung “Tái định hình ASEAN và các tác động đối với tăng trưởng tại Đông Á” hôm 24-1, Phó thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN đối với phát triển kinh tế và hòa bình, ổn định của cả khu vực châu Á.

Mạnh nhất khi đoàn kết

 

“Chúng ta mạnh hơn nếu đàm phán theo nhóm. Sự đoàn kết của ASEAN là yếu tố vô cùng quan trọng”

Phó thủ tướng 
Phạm Bình Minh

 

“Chúng ta mạnh hơn nếu đàm phán theo nhóm. Sự đoàn kết của ASEAN là yếu tố vô cùng quan trọng” – Phó thủ tướng VN khẳng định khi đề cập các vấn đề của ASEAN và cho biết tương lai của khối là phải hội nhập sâu hơn nữa. Theo AFP, ông đề cập việc cần hệ thống hóa, nhân rộng các chuẩn mực ứng xử, bao gồm việc mở rộng Tuyên bố Bali về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi, để tiến tới xây dựng một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc ở khu vực Đông Á. Dù vậy, các nước thống nhất rằng căng thẳng ở biển Đông không nên ảnh hưởng đến hợp tác khu vực.

Tranh chấp lãnh thổ trở thành vấn đề được quan tâm ở Davos khi trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng sử dụng WEF để cảnh báo Trung Quốc về sự gia tăng quân sự tại Hoa Đông liên quan đến tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. “Chúng ta phải kiềm chế sự mở rộng quân sự ở châu Á, nếu không có thể nằm ngoài tầm khống chế” – ông Abe nói. Ông cho biết Nhật sẽ không cho phép Trung Quốc tiếp tục kế hoạch quân sự của mình bởi sự mất cân bằng ở khu vực có thể ảnh hưởng đến cả thế giới.

Bộ trưởng thương mại Philippines Gregory Domingo cho rằng tinh thần đoàn kết cũng có thể phát huy trong các đàm phán thương mại. “Hợp thành một nhóm, chúng ta có thể đàm phán những thỏa thuận tốt với các đối tác lớn. Nếu đơn độc thì chúng ta sẽ bị chèn ép mà thôi” – ông Domingo nhận định.

Vai trò hạt nhân

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh ASEAN cần phải tiếp tục thích ứng để giữ vai trò hạt nhân trong việc kết nối kinh tế khu vực châu Á. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế, ASEAN là nhân tố giúp khu vực Đông Á tăng trưởng khả quan và tích cực hợp tác với các đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc. ASEAN sẽ khởi động đàm phán thỏa thuận thương mại tự do với sáu đối tác lớn trong năm 2014.

ASEAN hiện có hơn 600 triệu dân với GDP tổng cộng hơn 2.300 tỉ USD. Kế hoạch hội nhập cộng đồng năm 2015 dự kiến tạo ra một thị trường đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc và Ấn Độ. “Châu Á đâu chỉ có Trung Quốc và Ấn Độ – ông Anthony Fernandes, giám đốc điều hành hãng hàng không giá rẻ AirAsia, nhận định – Sức tiêu thụ của thị trường là rất lớn và phần lớn khách hàng mới đến từ các nước ASEAN”. Tuy nhiên việc tái định hình kinh tế thế giới đang đặt ra những cơ hội và thách thức cho khối. Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, ASEAN cần tiếp tục vạch ra lộ trình phát triển lên một mô hình cao hơn, như liên minh thuế quan.

TRẦN PHƯƠNG