26/11/2024

Mỹ xoay trục về châu Á như thế nào?

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt đầu thăm một số nước châu Á từ tuần sau. Chuyến đi được xem là nhằm “dọn đường” cho chuyến công du khu vực sắp tới của Tổng thống Barack Obama.

Mỹ xoay trục về châu Á như thế nào?

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt đầu thăm một số nước châu Á từ tuần sau. Chuyến đi được xem là nhằm “dọn đường” cho chuyến công du khu vực sắp tới của Tổng thống Barack Obama. Giáo sư Terry F. Buss, ĐH Carnegie Mellon (Úc), có bài viết riêng cho Tuổi Trẻ.

Ngoại trưởng John Kerry (phải) và người đồng cấp Fumio Kishida của Nhật tại cuộc họp báo chung ngày 7-2 – Ảnh: AFP 

Với những căng thẳng đang gia tăng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhiều quốc gia đang tự hỏi liệu những tuyên bố của nước Mỹ về chính sách đối ngoại, thương mại và an ninh có thực không hay chỉ là hô hào. Nhìn lại những gì đã diễn ra trong năm năm cầm quyền của Tổng thống Obama thì không có gì phải nghi ngờ về điều này, tuy nhiên những chính sách này đã rất nhiều lần bị gián đoạn do những biến cố chính trị trong nước, tập trung ưu tiên cho các khu vực khác, cắt giảm nguồn lực quân sự và những thách thức trong mối quan hệ Mỹ – Trung Quốc.

“Tái phát hiện” châu Á – Thái Bình Dương

Nhận thức về tầm quan trọng của khu vực này và cho rằng nước Mỹ đã không dành đủ sự quan tâm vào đây trong nhiều năm qua, trong chuyến thăm Nhật tháng 11-2009, ông Obama đã hùng hồn tuyên bố mình là tổng thống “Thái Bình Dương” đầu tiên của nước Mỹ do gốc gác của ông: sinh ra ở Hawaii và lớn lên ở Indonesia.

Tháng 11-2011, chính quyền Obama đã đưa ra quan điểm về việc xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương trong bản khuyến nghị chính sách của Ngoại trưởng Hillary Clinton. Từ đầu đến cuối, các quan chức Mỹ luôn cẩn trọng tuyên bố rằng chính sách mới không nhằm kiềm chế Trung Quốc và cũng không chỉ thuần túy là vấn đề an ninh. Thay vào đó, chính sách này tập trung vào thương mại, hợp tác, đa phương và lãnh đạo.

Chính sách này đã gặp phải rất nhiều chỉ trích cho rằng không có đủ cơ sở vững chắc mà bằng chứng là sự thay đổi trong cách mô tả chính sách: tái cân bằng, dịch chuyển, thay đổi thái độ và “Giấc mơ Thái Bình Dương”. Điều này là không hợp lý bởi hầu hết các chính sách kiểu như thế này cần phải được bổ sung phát triển theo thời gian khi có sự tham gia của các quốc gia. Chính sự thiếu cụ thể đó đã gây khó khăn cho việc xúc tiến chính sách này trong khu vực.

Nhưng cũng có thể thấy những tiến triển nhất định trong thời gian qua, như với Việt Nam. Hai nước đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng và tổ chức đối thoại về các vấn đề quốc phòng. Các đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thực hiện các chuyến thăm thường xuyên đến Mỹ mà gần đây nhất là chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 7-2013. Tuy nhiên các nỗ lực cho một thỏa thuận thương mại song phương thì lại phát triển chưa tương xứng.

Triết lý của ông Obama

Người dân Mỹ đã chán ngấy với các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Tổng thống Obama cũng cảm thấy đã đến lúc phải thay đổi – đó là chính sách ngoại giao mềm, đa phương hóa và đứng sau để lãnh đạo. “Ngoại giao mềm” đặt ưu tiên hàng đầu là thỏa thuận và thỏa hiệp, can thiệp quân sự sẽ là sự lựa chọn cuối cùng. Nhưng một số nước trong khu vực cho rằng cách làm này không hiệu quả và sẽ không hiệu quả ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi sức mạnh quan trọng hơn ngoại giao mềm nhiều lần.

Gần đây nước Mỹ có vẻ cam kết sâu hơn vào khu vực, tham gia nhiều hơn vào các tranh chấp đang diễn ra như nhanh chóng lên tiếng ủng hộ và bảo vệ các đồng minh trong khu vực. Tương tự, chính quyền Mỹ đã tăng cường nỗ lực nhằm ký kết Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) với nhiều trong số 21 thành viên APEC. Nếu thành công, nước Mỹ sẽ là tâm điểm của hoạt động này – gọi là “Cấu trúc kinh tế mới” ở châu Á – Thái Bình Dương.

Trong vài tuần tới, chúng ta sẽ thấy được các minh chứng cụ thể hơn về việc xoay trục sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương có phải là thực hay không.

Tuy nhiên thách thức lớn nhất đặt ra cho chính sách xoay trục của ông Obama bây giờ chính là Đảng Dân chủ của ông hiện đang nắm Thượng viện. Tuần rồi, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid vừa tuyên bố là ông phản đối TPP. Và nếu ông này cứ kiên quyết như vậy thì chính sách xoay trục có nguy cơ “chết yểu”.

THÚY ĐÀO