9X nghĩ gì về cuộc sống?
Hai đại diện 9X đã chia sẻ nhiều góc nhìn về cuộc sống của lứa tuổi mình với NST.
9X nghĩ gì về cuộc sống?
Thời gian gần đây có khá nhiều chuyện lùm xùm dính đến 9X: 100% học sinh một trường trung học nổi tiếng từ chối thi tốt nghiệp môn sử, học sinh đánh thầy (gần đây nhất, ngày 24-2, một thầy giáo tại tỉnh Gia Lai bị “bạn” của học trò đánh, phải nhập viện cấp cứu), ghét nhau thì lôi ra “xử hội đồng”, muốn câu “view” nên vô tư tung clip nóng lên mạng hoặc thậm chí “chém gió” chuyện giết người…
Dạy một đàng, làm một nẻo
* Đi nhiều và được hưởng thụ nền giáo dục đa dạng, bạn thấy điểm khác biệt giữa giáo dục nước ngoài và VN là gì? Người trẻ cần gì ở nhà trường?
– Ngô Di Lân: Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan từng trăn trở “hệ thống giáo dục của ta đổi mới quá chậm, ngày càng chệch xa với yêu cầu của đất nước, xu thế của thiên hạ” và điều đó đã nói lên rất nhiều điều.
Giáo dục ở nước ngoài thực tế hơn hẳn trong nước. Nhà trường luôn tạo điều kiện cho người học tham gia các hoạt động ngoại khóa để rèn giũa kỹ năng sống bên cạnh cọ xát kiến thức được học.
Họ đặc biệt chú ý việc đào tạo một lớp trẻ biết tự suy nghĩ và hành động một cách độc lập. Thế nên người trẻ nước họ thường có tư duy phản biện, phê phán trước mọi vấn đề.
Nhưng để đạt được điều này, cần thiết có sự cởi mở trong trao đổi giữa thầy và trò. Tiếc rằng đó là điều VN đang thiếu.
- Nguyễn Ngọc Quang Bảo: Quả thật giới trẻ chúng tôi dễ thấy nản khi phải chịu nền giáo dục thiếu linh hoạt (điển hình như tốc độ cập nhật kiến thức ở sách giáo khoa). Tôi trải qua thời phổ thông ở cả VN và Úc nên thấy rất rõ điều này.
Bảng dày thành tích * Nguyễn Ngọc Quang Bảo(sinh 1990, từng thi đậu ba ĐH tại TP.HCM) hiện là vận động viên thuộc đội tuyển lặn quốc gia và là MC của các kênh truyền hình YANTV, HTV4… Quang Bảo từng đoạt rất nhiều huy chương vàng quốc gia, quốc tế môn bơi lội và được chọn đi tập huấn hai năm tại Úc theo chương trình “thế hệ vàng” đầu tiên của TP. * Ngô Di Lân (sinh 1994, học bổng toàn phần ngành ngoại giao ĐH Maastricht) là gương mặt du học sinh tiêu biểu tại Hà Lan với thành tích đoạt nhiều giải thưởng hùng biện, thể thao trong nước lẫn quốc tế. Dẫu du học từ năm lớp 8 nhưng bạn vẫn luôn dõi theo tình hình trong nước và từng có nhiều bài báo về giới trẻ thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. |
Cách dạy “chỉ có thầy là đúng” khiến người học mụ mẫm, dễ chán nản và thiếu tự tin vì bị “vẹt hóa”, học vì đối phó hơn là nắm cốt lõi vấn đề.
Chính vì thế, tôi hoàn toàn không bất ngờ khi biết 100% học sinh lớp 12 ở một trường trung học “quay lưng” với môn sử trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.
Người Việt học giỏi là điều không thể phủ nhận, nhưng chúng ta khó vươn lên vì chỉ học giỏi mà không vững thực hành, yếu kỹ năng sống.
* Phải chăng việc thiếu kỹ năng sống dẫn đến rất nhiều câu chuyện không hay về 9X thời gian gần đây?
– Di Lân: Chưa hẳn. Không thể phủ nhận xã hội đang dần trở nên “vật chất hóa” và các chuẩn mực đạo đức, thang giá trị bị đảo lộn… điều này dẫn đến hậu quả là giới trẻ mất niềm tin vào nhiều thứ, từ đó hành xử thiếu suy nghĩ, nhất là khi lứa tuổi này chưa đủ “chín” về mặt tâm sinh lý.
Nếu người lớn không chịu nhìn lại và thay đổi chính họ, tôi tin thế hệ của mình sẽ rất dễ lầm đường lạc lối.
- Quang Bảo: Tôi nghĩ giới trẻ là tấm gương phản chiếu trọn vẹn thực trạng, các vấn đề xã hội.
Khi người lớn giáo dục người trẻ theo kiểu này nhưng lại hành động kiểu khác thì người trẻ sẽ hoang mang, không còn tin vào điều đúng và từ đó chọn sống theo kiểu họ thấy phù hợp nhất.
Ở nước ngoài, cách giáo dục “dạy một đàng, làm một nẻo” như vậy hiếm khi nào xảy ra.
Truyền thông có lỗi…
* Nhưng không thể chỉ trách nhà trường, gia đình và xã hội…
- Di Lân: Tôi không phủ nhận còn nhiều vấn đề tồn tại ở chính người trẻ Việt hiện nay. Chẳng hạn như thói quen đọc.
Rõ ràng hiện nay người trẻ trong nước đọc truyện giải trí nhiều hơn là dành thời gian suy ngẫm cùng sách chính trị – xã hội – lịch sử và đây là điều đáng lo ngại.
Nắm vững kiến thức chính trị – xã hội hay lịch sử quốc gia là một trong những yếu tố tiên quyết tác động đến lối sống, bản lĩnh sống của họ. Ngược lại, cuộc sống của họ sẽ dễ bị chi phối, thua kém so với bạn bè quốc tế.
Đầu năm 2014, tôi có tham dự một hội thảo dành cho sinh viên quốc tế tại ĐH Harvard (Mỹ) và thấy điều đáng suy ngẫm là giới trẻ các nước phát triển đều tinh tường lịch sử, các vấn đề xã hội trong nước.
Thiếu vốn sống, người trẻ còn dễ bị truyền thông, các trang báo lá cải “lèo lái”…
* Truyền thông?
- Quang Bảo: Truyền thông ngày nay phát triển quá mạnh mẽ nên hầu hết thông tin dễ dàng đến với số đông. Tiếc là thay vì giới thiệu những tấm gương hay, câu chuyện đẹp thì một bộ phận truyền thông lại chỉ quan tâm đến việc đua nhau đưa tin xấu để dễ thu hút người đọc hơn.
- Di Lân: Tôi thậm chí cho rằng truyền thông là “thủ phạm” lớn nhất khiến mọi người có cái nhìn thiếu thiện cảm về giới trẻ.
Cần nhìn nhận một thực tế là ngày nay, các kênh thông tin giới trẻ, mạng xã hội mới là thứ có sức ảnh hưởng, định hướng lớn nhất tới người trẻ chứ không phải gia đình, nhà trường.
Nếu các phương tiện truyền thông liên tục cho giới trẻ thấy rằng chỉ cần phát ngôn, hành động gây sốc và ăn mặc hở hang… là sẽ nổi tiếng thì giới trẻ chắc chắn sẽ “vô tư” bắt chước làm theo.
* Giải pháp theo các bạn là gì?
- Di Lân: Về lâu dài, quan trọng nhất vẫn là phải có sự thay đổi về tư duy giáo dục ở nhà trường lẫn xã hội. Hãy để người trẻ được cọ xát với những kiến thức thực tế nhiều hơn, đừng ép họ học ngày đêm vì điểm số.
Nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền tầm quan trọng về việc hiểu biết chính trị – xã hội – lịch sử. Hãy để 9X có tiếng nói nhiều hơn vì điều này sẽ giúp họ tự tin, sống có trách nhiệm hơn với bản thân, xã hội.
Tất nhiên người trẻ cũng phải nỗ lực “tự thân vận động”. Cá nhân tôi, với mong muốn góp phần giúp giới trẻ trong nước cải thiện hình ảnh, trước mắt tôi đang cùng bạn bè nỗ lực xây dựng dự án VYMUN 2014 (mô phỏng các phiên họp tại LHQ, nhằm giúp người trẻ phát triển kỹ năng mềm, khả năng tranh biện và kiến thức xã hội…) nhằm kịp thực hiện tại VN vào mùa hè năm nay.
- Quang Bảo: Hãy giúp người trẻ nhận ra rằng không bao giờ là quá trễ để đứng lên lại từ thất bại, sai lầm. Người lớn cũng cần hạn chế việc chạy theo các giá trị vật chất. Chỉ khi xã hội bớt “vật chất hóa”, người trẻ mới thoải mái sống với đam mê, không ngừng cải thiện bản thân cho những giá trị tốt đẹp hơn…
CÔNG NHẬT