Nghị lực “cô giáo” Hằng
Năm nay Đinh Thị Ngọc Hằng vừa chớm tuổi 18, là học sinh lớp 12 D2 Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh, Nghệ An. Ấy thế mà Hằng đã có “thâm niên” năm năm làm cô giáo.
Nghị lực “cô giáo” Hằng
Đêm nào lớp học của “cô giáo” Hằng cũng đủ sĩ số 14 em Ảnh: Thành An
Bà Thủy ở phường Vinh Tân (TP Vinh), hàng xóm nhà Hằng, nói: “Cháu nó chưa có được một ngày trọn vẹn niềm vui. Cha mất sớm, mẹ không được lanh lợi như người ta, 9 tuổi đầu đã phải bươn chải kiếm tiền, vừa đi học nhưng đồng thời là trụ cột của cả gia đình…”.
Mồ côi tội lắm…
“Các bạn chọn trường để thi đại học theo sở thích của mình, còn cháu thì phải lựa chọn theo hoàn cảnh. Ước mơ của cháu là muốn trở thành một giáo viên dạy môn giáo dục công dân, vì cháu muốn học sinh sẽ thích học môn học này – môn học để làm người”
ĐINH THỊ NGỌC HẰNG |
Hằng là con út trong gia đình. Khi sinh ra, do cuộc sống quá khó khăn nên cháu đã được bố mẹ gửi cho ông bà ngoại nuôi. Bố Hằng làm nghề đạp xích lô, mẹ đi thuê đất của người ta để trồng rau muống. Năm Hằng học lớp 2, bà ngoại đưa Hằng ra Vinh nói là để nhìn mặt bố lần cuối. Khó nhọc lắm mới nắm được tay Hằng, bố ú ớ được mấy câu: “Con cố gắng học hành, giúp nhà ta thoát nghèo”.
Chị gái rồi anh trai lần lượt bỏ học đi làm thuê. Hằng xin bà cho về với mẹ. Đó là năm Hằng học lớp 4. Về Vinh, cô bé loắt choắt ấy một buổi đi học, một buổi “đi buôn”, hết chợ Cửa Đông đến chợ Ngã Sáu. Mùa chanh buôn chanh, mùa rau muống buôn rau muống. Mùa nào không đi “buôn” được, Hằng lại đi trông em bé cho người ta, ai thuê gì cũng làm.
Cuộc sống của mẹ con Hằng lại thêm cơ cực khi những thửa ruộng rau muống mẹ thuê đất của người ta để trồng được san lấp làm khu đô thị. Các bác cán bộ thương tình đã cho mẹ Hằng đi gom rác. Hằng tháng, các hộ gia đình góp người mấy nghìn đồng trả công cho mẹ. Tối nào cũng vậy, mẹ đẩy xe, Hằng gõ vào thành xe báo hiệu giờ đổ rác cho mọi người. “Nhiều năm rồi, tết nào hai mẹ con cháu cũng đón giao thừa ngoài đường. Khi những xe rác cuối cùng được tập kết thì trời cũng vừa hửng sáng, hình như sáng mồng 1 tết là buổi lạnh nhất trong năm. Nhưng mà đi đổ rác ngày tết lại có cái may, rất nhiều lon bia và các thứ khác có thể lượm được để bán lấy tiền. Những món đồ của họ vứt đi có khi đã nuôi sống nhà cháu được cả tháng đấy, chú ạ” – Hằng nói.
Mẹ Hằng đổ bệnh phải thôi gom rác. Thế là mỗi kỳ nghỉ ngày hè, Hằng phải xin giúp việc cho mấy quán bia hơi.
Lớp học “cô giáo” nhí
Hằng kể năm học lớp 8, vừa tròn 13 tuổi, cháu xin trông em bé cho mấy nhà hàng xóm, thấy mấy đứa nhỏ học hành chểnh mảng nên cháu đã bày cho các em học. Không ngờ các em thích học với cháu và tiến bộ rất nhanh. Thấy vậy, dì Thúy bảo cháu về kèm cho hai đứa con của dì. Các em từ chỗ ham chơi đã biết tự xếp sách vở, làm những bài toán khó… Con dì Thúy học ngày một khá, thế là nhiều người nghe tiếng đưa con đến gửi cháu kèm. Từ chỗ ba em, năm em, rồi bảy em… buộc cháu phải vay tiền để đóng bàn ghế, coi như mở lớp học tại nhà. “Cháu chỉ giảng lại những bài mà các em đã học trên lớp, rồi hướng dẫn các em phương pháp làm bài tập, nhất là bày cho các em cách đọc hiểu đề, hiểu câu hỏi” – Hằng nói.
Ban đầu Hằng chỉ dám kèm các em học sinh lớp 1, nhưng nhiều cháu lên lớp 2 vẫn cứ đòi bố mẹ đưa đến học chị Hằng nên buộc cô bé phải ráng. Rồi các em đã lên lớp 3, lớp 4 mà vẫn không rời chị Hằng. Cháu Ngô Quang Giáp năm nay đã lên lớp 4 nhưng đêm nào cũng phải đến học với chị Hằng mới chịu. Giáp nói: “Học với chị Hằng vui, không bị nạt, lại hiểu bài”.
Hôm tôi đến nhà Hằng, đang có 14 cháu theo học. Mở đầu buổi học “cô giáo” Hằng kiểm tra bài tập, bài học của từng học sinh. Từng em sẽ được hỏi và kiểm tra rất kỹ về mức độ hiểu bài trên lớp. Tiếp đến Hằng hướng dẫn cách làm bài cho từng khối lớp. Thỉnh thoảng tiếng Hằng lại cất lên, nhỏ nhẹ mà ấm áp: “Hải Đăng, ngẩng mặt lên một chút nha. Lê Sơn, nhớ ngồi ngay ngắn kẻo vẹo sườn, nghe chưa em…”.
Chị Nguyễn Thị Phượng – ở khối Phúc Lộc, mẹ cháu Đặng Bảo Ngọc – đã rất xúc động khi nói về sự tiến bộ của con mình: “Vợ chồng tôi buôn bán lặt vặt, tối mịt mới về đến nhà, không có thời gian bày vẽ cho con. Thú thật chúng tôi đã nhờ một cô giáo dạy kèm cho cháu nhưng vẫn không khá hơn là mấy. Có người giới thiệu, tôi gửi nhờ cháu Hằng. Bây giờ cháu không những thông thạo đọc, viết mà còn làm được một số bài toán khó. Mừng lắm”.
Chị Trần Thị Kim Hoa – nhân viên công viên Trung Tâm, mẹ cháu Hải Đăng – cũng không kém phần: “Điều vợ chồng tôi mừng nhất khi nhờ Hằng kèm cho con là cháu muốn đi học, ham học. Mong tới đây cháu Hằng học đại học ở Vinh để con chúng tôi còn được nhờ”.
Hằng thành thật cho biết mỗi buổi kèm các em học bài như thế, mỗi dì trả cho em 20.000 đồng. Đó là tiền ăn, tiền học của em. Ngoài ra Hằng cũng dành dụm được tí chút để mua sắm một số vật dụng trong gia đình. Vì vậy mà cuối năm 2013, Hằng đã bàn với mẹ viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Hằng nói: “Dù còn muôn vàn khó khăn nhưng cháu thấy rất nhiều gia đình nghèo hơn, cần được giúp đỡ hơn nhà cháu. Vả lại bọn cháu đã lớn, phải tự lao động để nuôi sống mình, không thể cứ trông chờ vào sự bao bọc mãi”.
THÀNH AN
Tôi chưa từng gặp học sinh nào có nghị lực như vậy “Tôi có 35 năm đi dạy và cũng chừng ấy năm làm giáo viên chủ nhiệm nhưng chưa hề gặp một học sinh nào có hoàn cảnh cơ cực mà lại đầy nghị lực như Hằng. Trong hoàn cảnh nào em cũng vươn lên để khẳng định mình, thể hiện mình. Bằng chứng là vừa phải bươn chải kiếm sống vừa phải lo toan cho gia đình nhưng em vẫn đoạt một lúc hai giải nhì học sinh giỏi tỉnh, và qua hai lần thi thử đại học vừa rồi em đều là thủ khoa của trường”. Thầy LƯU ĐÌNH THI |