26/11/2024

Nga phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Crimea

Tại Liên Hiệp Quốc, Nga đã phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an lên án cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea.

Nga phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Crimea

Hôm nay, 16-3, người dân ở Crimea đi bỏ phiếu để quyết định sáp nhập với Nga hay vẫn thuộc Ukraine nhưng có thêm quyền tự trị.

Nhân viên ủy ban bầu cử chuẩn bị phiếu trước ngày trưng cầu ý dân ở Simferopol thuộc Crimea – Ảnh: Reuters 

Tại Liên Hiệp Quốc, Nga đã phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an lên án cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea. Theo AFP, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng tại phiên họp khẩn ở Liên Hiệp Quốc hôm qua. Như vậy, nghị quyết trên nhận được 13 phiếu thuận từ 15 thành viên Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, nó đã bị bác vì Nga với tư cách là thành viên thường trực đã thực hiện quyền phủ quyết.

Trước đó, Reuters trích bản dự thảo nghị quyết trên tuyên bố tư cách của cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea “không thể có sự hợp lệ” và kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế không công nhận cuộc bỏ phiếu này. Dự thảo cũng ghi rằng cuộc trưng cầu không được sự hậu thuẫn của chính quyền Ukraine. Hôm 14-3, Thứ trưởng ngoại giao Nga Gennady Gatilov đã gọi dự thảo nghị quyết này là “không thể chấp nhận được”.

Không tìm được tiếng nói chung

Trước đó, đêm 14-3 (rạng sáng 15-3, giờ Việt Nam), cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov vào phút chót trước cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea đã thất bại khi cả hai bên không tìm được tiếng nói chung về khủng hoảng ở Ukraine.

Sau sáu giờ hội đàm với ông Lavrov ở London (Anh), ông Kerry đã cảnh báo “một sự đáp trả mạnh mẽ hơn” nếu Nga leo thang căng thẳng bằng việc triển khai quân vào phía đông Ukraine.

“Ngài ngoại trưởng (Lavrov) đã nói rõ rằng Tổng thống Vladimir Putin chưa sẵn sàng đưa ra quyết định gì liên quan đến Ukraine cho đến sau cuộc trưng cầu ý dân vào chủ nhật 16-3” – ông Kerry phát biểu với báo giới. Ông cũng gọi cuộc bỏ phiếu ở Crimea là một sự vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ không được cộng đồng quốc tế công nhận.

Tiếp lời sau đó, ông Lavrov nói vẫn không tìm thấy tầm nhìn chung với phương Tây về vấn đề Ukraine và Nga không cần một cơ chế quốc tế để giúp hòa giải với Kiev. Reuters cho biết ông Lavrov đã tuyên bố người Nga sẽ tôn trọng cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea. “Liên bang Nga không có và không thể có bất cứ kế hoạch nào xâm lược các khu vực đông nam Ukraine” – ông Lavrov nói.

Tuy nhiên, theo AFP, ông Lavrov cũng phát biểu: “Mọi người đều hiểu – và tôi nói điều này với tất cả trách nhiệm – rằng Crimea có ý nghĩa như thế nào đối với Nga. Crimea có ý nghĩa hơn cả quần đảo Comoros đối với Pháp và Falklands đối với Anh”.

Cấm vận 120-130 nhân vật của Nga

Ông Kerry cho biết: “Tôi nói với ông Lavrov rằng Tổng thống Barack Obama đã nói rõ sẽ có hậu quả nếu Nga không tìm cách thay đổi diễn biến và chúng tôi không nói điều đó như một lời đe dọa. Chúng tôi nói đó như một hậu quả trực tiếp đối với lựa chọn mà Nga có thể chọn hoặc không chọn ở đây”. Trong cuộc hội đàm, ông Kerry cũng nêu quan ngại sâu sắc về một số lượng lớn binh sĩ Nga ở biên giới phía đông Ukraine và ở Crimea. Vào ngày mai (17-3), Liên minh châu Âu (EU) sẽ thảo luận lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với một số quan chức Nga chịu trách nhiệm về việc đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Theo AFP, Washington cũng đã phê chuẩn các giới hạn về thị thực và trừng phạt tài chính đối với một số quan chức Nga. Nhật báo Bild của Đức dẫn lời các nhà ngoại giao ở Bỉ và Mỹ nói danh sách những quan chức Nga nằm trong lệnh cấm vận đi lại của Mỹ và EU sẽ được công bố vào tuần tới. Danh sách này bao gồm cả Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu và một số cố vấn cấp cao của ông Putin. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nhấn mạnh ông Putin không nằm trong danh sách này. Reuters cho biết danh sách cấm vận đi lại của EU có thể bao gồm 120-130 nhân vật của Nga.

VIỆT PHƯƠNG