Chúa Nhật 09.06.2024
Tình Yêu Kiên Định Của Thiên Chúa
Chúa Nhật Tuần X – Mùa Thường Niên
St 3,9-15 • Tv 129,1-2.3-4.5-6a.6b-8 (Đ. x. c.7bc) • 2 Cr 4,13 – 5,1 • Mc 3,20-35
Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Mác-cô
20 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. 21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
22 Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. 23 Đức Giê-su liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? 24 Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; 25 nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. 26 Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. 27 Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.
28 “Tôi bảo thật các ông: mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. 29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” 30 Đó là vì họ đã nói: “Ông ấy bị thần ô uế ám.”
31 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. 32 Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” 33 Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 34 Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 35 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Suy niệm
Tình Yêu Kiên Định Của Thiên Chúa
Trong bài Phúc Âm hôm nay, ta thấy Giêsu đối diện ba nhóm người: 1. Đám đông. Họ là những người không lo lắng nhiều, không nói nhiều; nhưng họ thực sự muốn Giêsu thực hiện nhiều hơn nữa những điều mà họ mong đợi. 2. Gia đình. Những người hiểu Giêsu nhất nhưng cũng là những người lo lắng nhiều nhất cho Giêsu. Họ lo vì dễ tổn thương và có thể mất Giêsu là người thân của họ. Họ không có cách nào giải thích những gì Giêsu làm, giảng dạy ngoại trừ nghĩ là Ngài mất trí. 3. Các kinh sư. Họ háo hức đưa ra lời giải thích của mình về Giêsu và nhấn mạnh những hàm ý nguy hiểm trong lời rao giảng và việc làm của Giêsu. Đây là nhóm tự cho mình có thầm quyền về sự khôn ngoan và thuộc vào hàng công chính. Họ đưa ra những lời tuyên bố để giữ lại quyền lực cho mình. Chính vì vậy, họ đưa ra quyết định và đánh giá tai hại nhất có thể cho Giêsu.
Ba nhóm đại diện cho tâm trạng của mọi người và khi cơ hội làm cho cả ba nhóm thành một, Giêsu lên tiếng và có tuyên bố cho riêng mình. Giêsu không dành giờ để bác bỏ những lập luận của các kinh sư. Ngài tuyên bố là Ngài có quyền lực hơn Satan. Mọi người đều được gọi Thiên Chúa là Cha trong Vương Quốc của Ngài, và Vương Quốc này sẽ thay thế mọi trật tự của trần thế. Ngài không nói gì với gia đình, nhưng vẽ lại ranh giới của một gia đình trong nền văn hóa của nhân loại và trong những trách nhiệm cụ thể của từng thành viên. Ngài khẳng định mọi người đều có thể thuộc về gia đình của Ngài khi nói ai làm theo ý của Cha đều là mẹ và là anh chị em của Ngài. Đây là niềm hy vọng lớn cho tất cả mọi người. Lúc này, đám đông vây quanh Giêsu, hy vọng được nhìn và đụng chạm đến Ngài vì đang ở quá xa. Ngài tuyên bố là họ đang ở rất gần. Họ được dẫn nói “vòng trong” mầu nhiệm và tình yêu của Thiên Chúa.
Cả ba nhóm người đều được mời gọi nhìn nhận quyền bính của Thiên Chúa qua Đức Giêsu, người đã hoàn tất lời hứa cứu độ của Thiên Chúa ngay từ khi con người phạm tội sau tạo dựng (Bài đọc 1). Việc nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng tối thượng quyền năng tương đương với việc sám hối những lỗi lầm. Thánh vịnh đáp ca hôm nay, là một lời nhắc nhở về lòng thương xót và tha thứ vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho ta là tội nhân. Qua lòng thương xót này, ta thấy được tình yêu kiên định của Thiên Chúa và đó là quyền lực lớn nhất của Ngài.
Lm. Võ Trần Gia Định
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam