22/01/2025

ĐTC Phanxicô: Với người đau khổ, hãy kiệm lời nhưng rộng lượng trong hành động

ĐTC Phanxicô: Với người đau khổ, hãy kiệm lời nhưng rộng lượng trong hành động
Trưa Chúa Nhật, 11/2, sau Thánh lễ Phong thánh cho Chân phước María Antonia de San José de Paz y Figueroa tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã đến cửa sổ Dinh Tông Toà để cùng đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu.
Bài huấn dụ ngắn của Đức Thánh Cha dựa trên đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật VI thường niên trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta việc Chúa Giêsu chữa lành người cùi (xem Mc 1,40-45). Với người bệnh đến xin, Chúa Giêsu trả lời: “Tôi muốn, anh hãy được sạch!” (câu 41). Người đã nói một câu rất đơn giản và ngay lập tức xảy ra. Thật vậy, “lập tức bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch” (c. 42). Đây là cách của Chúa Giêsu đối với những người đau khổ: ít lời và việc làm cụ thể.

Nhiều lần, trong Tin Mừng, chúng ta thấy Người hành động như thế đối với những người đau khổ: người câm điếc (xem Mc 7,31-37), người bại liệt (xem Mc 2,1-12) và nhiều người khác đang cần giúp đỡ (xem Mc 5). Người luôn làm điều này: Người nói ít và nhanh chóng thực hiện lời nói của mình bằng hành động: Người cúi xuống, nắm lấy tay anh ấy, chữa lành. Người không nán lại trong các bài phát biểu hay thẩm vấn, càng không nói đến chủ nghĩa sùng đạo và đa cảm. Đúng hơn, điều này thể hiện sự quan tâm tinh tế của một người biết lắng nghe cẩn thận và hành động kịp thời, cũng không muốn thu hút sự chú ý.

Đó là một cách yêu thương tuyệt vời, và thật tốt biết bao khi chúng ta nghĩ đến và học lấy! Chúng ta cũng hãy nghĩ đến những người cư xử như thế: kiệm lời nhưng rộng lượng trong hành động; không muốn phô trương những sẵn sàng giúp ích; trợ giúp hiệu quả vì họ sẵn sàng lắng nghe. Họ là những người mà bạn có thể hỏi: “Bạn có thể nghe tôi không?” “Bạn có thể giúp tôi được không?” và tin về câu trả lời nhận được, gần như với những lời của Chúa Giêsu: “Vâng, tôi muốn, tôi sẵn đây vì bạn, để giúp đỡ bạn!”. Tính cụ thể này càng quan trọng hơn trong một thế giới, như của chúng ta, trong đó thế giới ảo mờ nhạt của các mối quan hệ dường như ngày càng thắng thế.

Ngược lại, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa chất vấn chúng ta: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ : ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,15-16). Tông đồ Giacôbê đã nói điều này. Tình yêu cần sự cụ thể, sự hiện diện, sự gặp gỡ, cho đi thời gian và không gian: nó không thể bị thu gọn thành những lời nói hoa mỹ, những hình ảnh trên màn hình, những bức ảnh selfie khoảnh khắc nào đó hay những tin nhắn vội vàng. Chúng là những công cụ hữu ích, nhưng chúng không đủ cho tình yêu, chúng không thể thay thế sự hiện diện cụ thể.

Hôm nay, chúng ta tự hỏi: tôi có biết lắng nghe người khác không, tôi có sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu chính đáng của họ không? Hay tôi viện cớ, trì hoãn, trốn tránh sau những lời nói trừu tượng và vô ích không? Cụ thể, mỗi người trả lời với lòng mình: lần cuối cùng tôi đến thăm một người cô đơn, bệnh tật, hay tôi đã thay đổi kế hoạch để đáp ứng nhu cầu của những người nhờ tôi giúp đỡ là khi nào?

Xin Mẹ Maria, người mau mắn quan tâm, giúp chúng con sẵn sàng và cụ thể trong tình yêu.

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc rằng: Hôm nay, lễ nhớ Đức Mẹ Lộ Đức, Ngày Thế giới Bệnh nhân, năm nay tập trung đến tầm quan trọng của các mối tương quan trong lúc bệnh tật. Điều đầu tiên chúng ta cần khi có bệnh tật là sự gần gũi của những người thân yêu, của các nhân viên y tế và sự gần gũi của Thiên Chúa trong con tim. Chúng ta được mời gọi gần gũi với những ai đau khổ, thăm viếng các bệnh nhân, như Chúa Giêsu dạy chúng ta trong Tin Mừng. Vì thế, hôm nay tôi muốn bày tỏ sự gần gũi đặc biệt của tôi và của toàn thể Giáo hội với tất cả những người bệnh hoặc mong manh hơn. Chúng ta đừng quên phong cách của Thiên Chúa: gần gũi, cảm thương và dịu dàng.

Nhưng vào ngày này, chúng ta không thể bỏ qua sự thật là ngày nay có rất nhiều người bị từ chối quyền được chăm sóc, và do đó, quyền được sống! Tôi nghĩ đến những người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực; nhưng tôi cũng nghĩ đến những vùng lãnh thổ có chiến tranh: những quyền cơ bản của con người ở đó bị vi phạm hằng ngày! Thật không thể chịu nổi. Chúng ta cầu nguyện cho Ucraina đang bị đau khổ, cho Palestine và Israel, chúng ta cầu nguyện cho Myanmar và cho tất cả các dân tộc bị dày vò bởi chiến tranh.

Vatican News