Chúa Nhật 11.02.2024
Hiếu Thảo Giới Răn Chúa Dạy
Hiếu thảo là giới răn quan trọng mà con người phải luôn cố gắng thực hiện, không bao giờ được miễn trừ; ngay cả khi chết đi, hoặc khi dâng mình cho Chúa một kiểu chết đi thực sự cũng không được miễn, khi ấy con người ta chỉ không thể thực hiện giới răn quan trọng này.
TẾT NGUYÊN ĐÁN – NĂM GIÁP THÌN
Mồng Hai: Kính nhớ Tổ Tiên và Ông Bà Cha Mẹ
Hc 44,1.10-15 • Tv 127,1-2.3.4-5a.5b-6 (Đ. c.1) • Ep 6,1-4.18-23 • Mt 15,1-6
Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Mát-thêu
1 Khi ấy, có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng: 2 “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” 3 Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? 4 Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. 5 Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, 6 thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Suy niệm
Hiếu Thảo Giới Răn Chúa Dạy
Hiếu thảo là việc không thể được miễn trừ, Chúa Giêsu có nhiều điều cần dạy dỗ người ta và thường Người tìm dịp thích hợp. Dịp thích hợp thường là khi người ta đề cập đến một vấn đề nào đó rồi theo đó Chúa dạy người ta điều liên quan. Khi dạy hợp bối cảnh như thế, người ta dễ tiếp thu và nhớ lâu.
Hôm nay, nhân việc các người Pharisêu và mấy kinh sư đến chất vấn Chúa chuyện các môn đệ Chúa không rửa tay khi dùng bữa và vì thế là vi phạm truyền thống tiền nhân, Chúa nói với họ chuyện họ dám dựa vào truyền thống mà vi phạm điều răn thờ cha kính mẹ. Người Pharisêu và mấy kinh sư suy nghĩ cũng có lý chứ không phải không; họ nghĩ rằng vì Chúa là trên hết nên khi phục vụ Chúa thì được miễn trừ khỏi các bổn phận quan trọng khác. Chúa chẳng nói với người muốn theo Chúa mà xin về chôn cất cha mẹ rằng hãy để kẻ chết chôn kẻ chết đó sao, và nói với người muốn về từ biệt cha mẹ rằng “cầm cày mà còn ngoái lại” thì không xưng đáng với nước Thiên Chúa. Nơi khác Chúa chẳng nói là ai dám bỏ “nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất” (Mc 10,29) thì sẽ được gấp trăm đó sao? Tại sao Chúa lại khuyến khích việc “bỏ cha mẹ để đi phục vụ Chúa” nhưng lại lên án việc “lấy những gì giúp cha mẹ để dâng cho Chúa và không phải giúp cha mẹ nữa?” Hai điều này có gì khác biệt nhau? Có lẽ điểm khác biệt ở chỗ “tiền nhờ thờ”. “Tiền nhà thờ” luôn là một cám dỗ tinh vi, cũng vì tiền nhà thờ mà Giáo hội đã có nhiều tai tiếng. Có lẽ để an ủi những người bỏ tiền dâng cho Chúa (mà luôn là giúp nhà thờ, vì Chúa đâu xài tiền) khỏi sự áy náy không còn tiền lo cho bố mẹ, các “thầy” mới dạy như thế để người ta an tâm. Nhưng có người lại nói, Chúa chẳng ca ngợi việc bỏ tiền vào nhà thờ qua gương bà góa dám dâng mọi sự mình có để sinh sống đó sao? Nhưng đây lại là chuyện khác, vì bà góa dâng xong không còn gì cả, người bỏ mọi sự mà theo Chúa cũng không còn gì, họ hiến dâng ngay cả cuộc sống của mình, đến độ họ không còn là họ nữa. Còn những người dâng cúng cho đền thờ xong, họ vẫn có cuộc sống của họ, vẫn có của cải, nhưng họ được miễn trách nhiệm thờ cha kính mẹ, đây mới là điều sai. Hiếu thảo là giới răn quan trọng mà con người phải luôn cố gắng thực hiện, không bao giờ được miễn trừ; ngay cả khi chết đi, hoặc khi dâng mình cho Chúa một kiểu chết đi thực sự cũng không được miễn, khi ấy con người ta chỉ không thể thực hiện giới răn quan trọng này. Lạy Chúa xin cho con hiếu thảo với mẹ cha mỗi ngày một hơn.
Lm. Giuse Vũ Uyên Thi
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam