23/12/2024

Marseille, nơi trú ẩn Địa Trung Hải cho các Kitô hữu phương Đông

Marseille, nơi trú ẩn Địa Trung Hải cho các Kitô hữu phương Đông

Trong hai ngày viếng thăm Marseille, Đức Thánh Cha sẽ tập trung vào thảm kịch di cư, một trong những mối quan tâm lớn nhất trong triều giáo hoàng của ngài, chúng ta có thể nhìn thấy chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tới Marseille từ một góc độ khác: sự hiện diện của các Giáo hội ở thành phố Marseille.

FILES-FRANCE-VATICAN-TOURISM-POPE-RELIGION-CHRISTIANITY-MIGRATIO

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ trải qua hai ngày bận rộn với các cuộc gặp gỡ chính thức, đan xen với thời gian cầu nguyện và suy tư, như việc tưởng niệm những người di cư chết trên biển trong buổi bế mạc các cuộc họp ở Địa Trung Hải. Marseille sẽ trở thành một trong những giai đoạn của điều có thể gọi là “Thượng Hội đồng Địa Trung Hải”, sau các thành phố Bari của Ý vào năm 2020 và Florence vào năm 2022, một sự kiện quan trọng nơi các giám mục từ khắp Lưu vực sẽ trả lời các câu hỏi của giới trẻ, người bản xứ ở cả hai bờ Địa Trung Hải.

Trong hai ngày, Đức Thánh Cha sẽ tập trung vào thảm kịch di cư, một trong những mối quan tâm lớn nhất trong triều giáo hoàng của ngài, chúng ta có thể nhìn thấy chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tới Marseille từ một góc độ khác: sự hiện diện của các Giáo hội ở thành phố Marseille.

Marseille, mối liên kết giữa các Kitô hữu phương Đông và phương Tây

Vào tháng 6/2013, Hồng y tương lai Jean-Marc Aveline, giám đốc Viện Công giáo Địa Trung Hải vào thời điểm đó, đã mô tả cho tạp chí Pèlerin biết về ơn gọi của thành phố Marseille. Theo đó, Giáo hội Marseille ý thức sứ vụ của mình là trở thành mối liên kết giữa các Kitô hữu phương Đông và các Kitô hữu phương Tây. Một ơn gọi đại kết mà cho tới nay thành phố tiếp tục theo đuổi.

Ơn gọi đại kết này có từ thế kỷ thứ 5, từ đan sĩ John Cassian một người con của Địa Trung Hải, được đào tạo ở Palestine và Ai Cập, vị sáng lập đan viện Saint Victor hơn 1600 năm trước, gần Cảng Cũ của thành phố .

Năm 1801, sau chiến dịch thảm khốc ở Ai Cập của quân đội Napoléon, hoàng đế trở về Pháp cùng với vài trăm người Công giáo Hy Lạp. Họ là các Kitô hữu Ả Rập đã cộng tác với quân đội Pháp, thường là phiên dịch, trong ba năm chiếm đóng, từ 1798 đến 1801, và những người sợ trở thành nạn nhân của sự trả thù; họ đã định cư ở Marseille.

Nhà thờ phương Đông đầu tiên ở Pháp

Năm 1819, những người Melkite này mua đất để xây một nhà thờ, nằm trên đường Edmond Rostand ở quận 6, cách tu viện Đa Minh 200 mét. Được cung hiến vào năm 1822, nhà thờ Saint-Nicolas-de-Myre trở thành nhà thờ phương Đông đầu tiên ở Pháp. Mặt tiền khá kín đáo nhưng gác đàn được trang hoàng lộng lẫy với bầu khí rất phương Đông. Ngày nay, chỉ có hơn 300 gia đình Melkite vẫn sống ở Marseille hoặc trong vùng. Và nếu không phải tất cả mọi người đều đến giáo xứ, thì một số lớn các Kitô hữu Palestine, Jordan, Syria và Ai Cập cũng đến để nghe các bài giảng bằng tiếng Ả Rập.

Cùng với cuộc di cư Kitô giáo đầu tiên này đã có thêm những làn sóng khác nối tiếp nhau, hầu hết thường là chạy trốn nghèo đói và bách hại. Vào năm 1840, sau đó là năm 1860, đến lượt người Maronite, nạn nhân của các vụ thảm sát do người Hồi giáo Druze gây ra, rời Libăng hàng loạt và lên đường tới Marseille.

Cuối cùng vào năm 1915, 1,5 triệu người Armenia từ Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như người Syriac, Chính thống Hy Lạp và người Assyro-Chaldeans bị người Ottoman đe dọa, đã chọn Marseille là điểm dừng chân cuối cùng để thoát khỏi cuộc thảm sát.

Nhà thờ, điểm tụ họp của cộng đồng

Gần đây hơn, cuộc xung đột ở Iraq năm 2003 và các cuộc cách mạng Ả Rập năm 2011 ở Ai Cập và Syria đã gây ra những cuộc di cư mới. Các Kitô hữu tị nạn tụ tập ở những nơi này để cầu nguyện theo nghi thức của họ. Khi các cộng đoàn Kitô yêu cầu, giáo phận tìm cách phân bổ cho họ một nhà thờ, theo thỏa thuận với chính quyền thành phố sở hữu các tòa nhà. Nhờ đó các cộng đoàn này có thể đến với nhau, trao đổi tin tức từ quê hương và do đó củng cố bản sắc của họ.

Đối với những người đến đầu tiên, cho dù là người Melkite ở Saint-Nicolas-de-Myre, người Maronite ở lối vào công viên Borély, hay người Armenia trong nhà thờ Prado của họ, họ đều tìm thấy ở Marseille một môi trường tương tự như ở quê hương: biển, núi, khí hậu, thảm thực vật. Tuy nhiên, đối với những người mới đến, ngoài những điểm tương đồng này, việc lưu vong còn khó khăn hơn, thường kéo theo đau khổ, đặc biệt đối với những người lớn tuổi.

Những khó khăn

Những người đến đây gặp nhiều khó khăn, như ngôn ngữ, sống nhờ vào các tổ chức bác ái. Để mưu sinh, họ làm những công việc nhỏ, trong khi ở quê hương những kỹ năng và tính chuyên nghiệp của họ đã được công nhận, đây cũng là điều khó chấp nhận.

Nhưng khó khăn nhất có lẽ là mối quan hệ giữa người trẻ và những người lớn tuổi. Người trẻ nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống, ngôn ngữ và lối sống, làm cho cha mẹ có cảm tưởng họ rời xa gia đình. Thường phải mất hai hoặc ba thế hệ để đạt được sự hội nhập thành công. Những người Iraq chạy trốn cuộc chiến năm 2003, những người Ucraina vì lý do tương tự từ năm 2022, và các Kitô hữu cận Sahara tị nạn ở Marseille, đang ra đi để tìm một cuộc sống mới, một cuộc sống đòi hỏi nhiều hy sinh lâu dài.

Đối với Đức Thánh Cha, Marseille không chỉ là thành phố đối thoại liên tôn giữa ba tôn giáo có cùng tổ phụ Abraham, nhưng còn là thành phố hợp nhất, nhắc nhở các giáo hội phương Tây rằng phương Đông là nơi khởi đầu lịch sử, các Kitô hữu tiên khởi không nói tiếng Latinh, và Chúa Kitô đã được sinh ra trên vùng đất Địa Trung Hải, rất lâu trước khi Vatican ra đời. Kitô giáo cần hai lá phổi phía đông và phía tây để thể hiện mình một cách trọn vẹn.

Nếu đức tin hiệp nhất các Kitô hữu trên khắp thế giới, thì đức tin đó được thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Trong phụng vụ, thánh ca, thái độ và theo những lịch sử rất khác nhau. Tuy nhiên, cuối cùng, chính niềm hy vọng đã hình thành nên Giáo hội hoàn vũ.

Đối với một số Kitô hữu ở các nước, nếu đôi khi việc đắm mình trong một thế giới khác là điều khó hiểu, thì sự hiện diện của các Giáo hội Đông phương ở Marseille là một sự phong phú. Một sự giàu có mà Kitô giáo phương Tây phải tự nuôi dưỡng để tìm lại sức mạnh và sự năng động. Từ quan điểm này, Marseille ở Địa Trung Hải hoàn toàn phù hợp với các hướng dẫn ở giai đoạn lục địa vào tháng 3 vừa qua của Thượng Hội đồng về tính hiệp hành.

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2023-09/marseille-tru-an-dia-trung-hai-kito-huu-phuong-dong.html