29/12/2024

Chúa Nhật IX TN A 2023: Thiên Chúa Ba Ngôi là giá trị nền tảng

Chúa Nhật IX TN A 2023

Thiên Chúa Ba Ngôi là giá trị nền tảng

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Sau tuần lễ mừng Chúa Thánh Thần, Giáo Hội mừng lễ Chúa Ba Ngôi vì Thiên Chúa Ba Ngôi là giá trị nền tảng và cao cả nhất của Kitô giáo.

1. Hiện trạng xa rời tôn giáo

Nhiều người Việt hiện nay lãnh đạm với tôn giáo, nhất là các bạn trẻ. Có người còn thù ghét tôn giáo vì đã gặp phải những chuyện tàn ác, xấu xa do những người theo một tôn giáo nào đó gây nên. Người khác lại cho tôn giáo là một thứ ma tuý mê hoặc và làm con người đánh mất chính mình. Trong lịch sử loài người, tín đồ của các tôn giáo xung đột với nhau, gây nên những cuộc chiến tranh khốc liệt vì các niềm tin khác nhau hoặc vì bị thúc đẩy bởi những quyền lực chính trị khiến cho người ta nghi ngờ tôn giáo. Nhiều người lại tin rằng khoa học kỹ thuật sẽ có thể giải đáp tất cả những thắc mắc và vấn đề của con người, nên không cần đến tôn giáo.

Hậu quả là sự suy thoái về đạo đức và văn hoá. Sự suy thoái này đang làm cho các cấp chính quyền và nhiều người lo ngại. Thật vậy, khi con người chỉ biết có vật chất, đề cao vật chất như một thứ “Thần Tài” có thể giải quyết mọi khó khăn, thì sự suy đồi về luân lý và đạo đức chắc chắn sẽ xảy ra. Một khi loại bỏ tôn giáo như giá trị của cái đúng, cái thiện, cái đẹp, con người sẽ tìm đến những cái giả dối, tàn ác, xấu xa như ta thấy xuất hiện trong cộng đồng xã hội hiện nay.

2. Thiên Chúa Ba Ngôi

Đây là mầu nhiệm cao cả nhất của Kitô giáo được chính Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa mạc khải cho con người (x. Mt 28,19; Ga 7,38-39; 14,15-16.26; 15,26; 16,13-15; 20,22-13; Cv 2,1-11; Rm 15,6; 2Cr 11,31; Ep 1,3…). Mầu nhiệm này tuy không thể giải thích bằng lý trí tự nhiên của con người nhưng lại có thể cảm nghiệm được, nếu chúng ta đã từng yêu và hành động theo tình yêu.

Điểm khác biệt nữa của Kitô giáo đó là nói rõ bản chất của Thiên Chúa là tình yêu (x 1Ga 4,8.16). Tình yêu không phải chỉ là một đặc tính của Thiên Chúa hay một ân huệ được Thiên Chúa ban tặng cho thụ tạo. Nhưng tình yêu là tất cả Thiên Chúa, là toàn thể những quan hệ bên trong của Thiên Chúa, quyết định tính cách và mọi hoạt động bên ngoài của Thiên Chúa.

Do tình yêu thúc đẩy, Thiên Chúa chia sẻ những gì mình có cho muôn loài muôn vật, nên ta thấy chúng phản ánh cái đúng, cái tốt, cái đẹp của Ngài, nhất là chúng phản ánh tình yêu của Ngài và yêu thương nhau như Ngài. Tình yêu của Thiên Chúa là một điều hiển nhiên trong đời sống vạn vật. Chúng yêu ta nên tôm cá rau cỏ hy sinh sự sống cho ta, những bông hoa toả hương khoe sắc cho ta dù ta yêu hay ghét chúng.

3. Ba đặc tính của tình yêu Thiên Chúa

Chúng ta sẽ thấy ba đặc tính kỳ diệu trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi mà không một tôn giáo nào khác có thể dạy chúng ta như Kitô giáo.

Tình yêu sáng tạo của Chúa Cha

Tình yêu chân thật không bao giờ ích kỷ, đóng kín nơi mình, tự thoả mãn với mình, nhưng luôn luôn hướng về đối tượng mình yêu để chia sẻ tất cả những gì mình có. Đó là tình yêu sáng tạo của Chúa Cha. Từ tình yêu đó, Chúa Con đã sinh ra. Cũng nhờ tình yêu đó mà muôn loài muôn vật được tạo thành. Chúng ta thấy muôn loài đều phản ánh tình yêu trong sáng và tốt lành của Cha Trên Trời qua màu sắc của từng bông hoa, cánh bướm, đặc biệt là vẻ đẹp nơi mỗi con người. Chúng biểu lộ đặc tính chân thiện mỹ, hạnh phúc, bình an, niềm vui của tình yêu sáng tạo này.

Vì thế, chúng ta đang được mời gọi nhìn lại tình yêu của mình để xem tình yêu đó có thúc đẩy ta chia sẻ những gì mình có cho người khác không, nhất là cho những người nghèo khổ quanh ta? Tình yêu của ta có mang lại niềm vui, hạnh phúc và bình an cho họ không, hay lại khai thác, bóc lột, làm cho họ khốn khổ hơn cả khi ta chưa yêu họ? Tình yêu của ta có mang đặc tính chân thiện mỹ hay nó giả dối, ác độc, xấu xa?

Tình yêu cứu độ của Chúa Con

Đặc tính cứu độ đã được diễn tả bằng những hành động cụ thể như Đức Giêsu đã làm trong cuộc đời trần thế của Người. Những hành động đó nhắc nhở rằng ta không được yêu chỉ bằng lời lẽ ngoài môi miệng, nhưng bằng những hành động tích cực thông thường trong đời sống (x. 1Ga 3,18; Gaudium et Spes, số 38). Tình yêu cứu độ của Ngôi Con luôn mời gọi chúng ta dám hy sinh cho đến cùng như Chúa Giêsu đã chết trên thập giá.

Chúng ta cảm nghiệm được sự hy sinh ấy của vạn vật trong từng bữa ăn mỗi ngày, cảm nghiệm được sự hy sinh ấy nơi cha mẹ dành mọi sự cho con cái, như người tình dám chết cho người mình yêu, như người chiến sĩ dâng hiến mạng sống cho đất nước. Nếu tình yêu của ta không mang đặc tính cụ thể và hy sinh thì nó cũng không có tính cách cứu độ muôn loài của Chúa Con.

Tình yêu thần thánh hoá của Chúa Thánh Thần

Tình yêu đó là chính Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu ban cho ta khi thổi Thần Khí của Người trên chúng ta. Đó cũng là “tình yêu của Cha Trên Trời đổ vào lòng chúng ta nhờ Thần Khí Ngài ban cho ta” (x. Rm 5,5) để hướng dẫn chúng ta như những người con tự do của Thiên Chúa, chứ không phải là những nô lệ sợ hãi, mà dân Do Thái và nhiều tín đồ của các tôn giáo khác đối với thần linh của họ (x. Rm 8,14-17).

 Tình yêu thần thánh hoá là của Chúa Thánh Thần. Tình yêu này biến đổi con người và vạn vật thành thánh, thành thần linh như Thiên Chúa. Vì thế, tình yêu thật sự luôn mời gọi ta tôn trọng, nâng cao đối tượng mình yêu để giúp họ trở thành thần thánh, thành con cái Chúa như ta, chứ không phải làm nhục, hạ thấp họ thành vật sở hữu của mình. Rất nhiều lần, chúng ta đã hạ thấp, làm nhục, thậm chí biến người yêu thành phương tiện để thoả mãn tham vọng và dục vọng hoặc bắt người yêu hành động như những con rối. Chúa Thánh Thần mời gọi ta thay đổi để tình yêu trong sáng, quảng đại hơn.

Niềm tin vào tình yêu Ba Ngôi này luôn được thể hiện trong đời sống giúp cho người Công giáo an vui và hạnh phúc, cả những lúc bị đau khổ, thiệt thòi, thất bại, thử thách, hiểm nguy và bách hại. Nó được diễn tả qua dấu Thánh Giá chúng ta làm trên mình mỗi ngày nhiều lần. Nhờ tin rằng Thiên Chúa tình yêu biết rõ mọi sự nên ta vẫn yêu thương mọi người, mọi vật cho đến cùng như Đức Giêsu, yêu cả những người giết hại mình. Nhờ tin vào Thiên Chúa toàn năng, nên ta vẫn giữ tâm hồn bình an giữa mọi biến động của đời sống và thế giới. Chúng ta chỉ ước mong được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa tình yêu để xây dựng được nền văn minh tình yêu cho cộng đồng nhân loại.

Lời kết

Tìm hiểu những giá trị của Kitô giáo đóng góp cho nền văn hoá nhân loại, chúng ta mới thấy tôn giáo không phải là chuyện dị đoan, mê tín, làm cho con người đánh mất chính mình, như một số người đang tuyên truyền. Tôn giáo chân thật sẽ đưa ta tìm về được nguồn hiện hữu của mình để đưa tinh thần của ta vươn cao và bay xa đến những vùng đất lạ lùng trong cõi nhân sinh. Rồi khi hiểu được bản chất tình yêu và Ba Ngôi Thiên Chúa là giá trị văn hoá cao cả nhất của Kitô giáo, chúng ta sẽ hiểu mình nên đi theo con đường tâm linh nào trong cuộc lữ hành trần thế hôm nay.