Toà Thánh: Phát triển bền vững là nhận ra tiếng kêu của người nghèo và trái đất

Toà Thánh: Phát triển bền vững là nhận ra tiếng kêu của người nghèo và trái đất

Phát biểu tại buổi hội thảo “Các mô hình mới về phát triển bền vững: khử cacbon, khả năng phục hồi và tái sinh”, tại Đại sứ quán của Pháp tại Ý, ngày 09/02/2023, Đức cha Nunzio Galantino, Chủ tịch Cơ quan Quản trị Tài sản của Toà Thánh (APSA) tập trung vào cụm từ “phát triển bền vững”, nhấn mạnh “Phát triển bền vững là nhận ra tiếng kêu của người nghèo và trái đất”.

Đức cha Nunzio Galantino

Đức cha Nunzio Galantino

Đức cha nhận định rằng, hiện nay tất cả đều biết “Phát triển bền vững” đã trở thành một khái niệm cơ bản cho doanh nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp, phát triển đô thị và cho các mô hình phát triển kinh tế khác nhau, như nền kinh tế xanh hoặc nền kinh tế tuần hoàn. Nhưng cần phải trả lời cho những câu hỏi: Phát triển bền vững theo hướng nào? Vì lợi ích của ai? Những phương tiện nào đảm bảo cho phát triển và tăng trưởng bền vững? Tính bền vững phải được thực hiện thông qua các lựa chọn chính xác và nhất quán.

Theo Chủ tịch Cơ quan Quản trị Tài sản của Toà Thánh, có hàng trăm định nghĩa khác nhau về tính bền vững, nhưng đối với Toà Thánh, cụ thể theo Đức Thánh Cha đã nói tại sự kiện “Nền Kinh tế Phanxicô” ngày 24/9/2022 thì “Bền vững là một từ đa nghĩa. Ngoài chiều kích môi trường còn có các chiều kích xã hội, tương quan và thiêng liêng”. Và Đức Thánh Cha nói thêm: “Bền vững xã hội đang bắt đầu được công nhận. Chúng ta đang nhận ra tiếng kêu của người nghèo và của trái đất là cùng một tiếng kêu.”

Tiếp tục theo giáo huấn của Đức Thánh Cha, Đức cha Galantino giải thích bền vững theo chiều kích xã hội có nghĩa là khi làm việc để chuyển đổi sinh thái chúng ta phải ghi nhớ những tác động mà số lựa chọn môi trường tạo ra đối với nghèo đói. Không phải tất cả các giải pháp môi trường đều có tác động như nhau đối với người nghèo, và do đó, những giải pháp giảm đói nghèo và bất bình đẳng phải được ưu tiên hơn.

Về bền vững của các tương quan, Đức cha cảnh báo rằng ngày nay ở nhiều nơi mối tương quan của con người ngày càng trở nên nghèo nàn, vì thế cần phải khôi phục các tương quan trước hết từ trong gia đình.

Cuối cùng, phát triển bền vững thiêng liêng. Đức Thánh Cha khẳng định: “Con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, trước khi tìm kiếm của cải, con người phải đi tìm kiếm ý nghĩa.” Điều này tạo nên niềm vui sống, điều cần thiết cho nền kinh tế.

Ngọc Yến

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2023-02/toa-thanh-phat-trien-ben-vung-tieng-keu-ngheo-dat.html