Chúa Nhật Lễ Giáng Sinh 2022, Đổi mới các mối tương quan của con người

Chúa Nhật Lễ Giáng Sinh 2022. Lễ Đêm

Đổi mới các mối tương quan của con người

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

Lời mở

Mùa Giáng Sinh năm nay chúng ta theo chân các người chăn chiên tìm về hang đá Bêlem để học lại bài học về phẩm giá cao quý của con người. Thật vậy, con người vô cùng cao quý vì được chính Con Thiên Chúa trở thành người. Từ đó, chúng ta sẽ đổi mới các mối tương quan của chính mình để có thể xây dựng được một cộng đồng xã hội an lành và hạnh phúc hơn.

1. Những mối tương quan hỗn độn và sai lầm

Bước vào thiên niên kỷ thứ ba với rất nhiều tiến bộ khoa học vượt bực trong 20 năm vừa qua, nhưng con người vẫn chưa biết mình thật sự là ai, nên các mối tương quan đều hỗn độn và sai lầm.

Trước hết, con người có 4 mối tương quan chính:

– Đầu tiên với Thiên Chúa là nguồn mọi hiện hữu.

– Tiếp theo, với mọi người mình sống với.

– Thứ đến, với vạn vật mình hưởng dùng.

– Cuối cùng, với chính mình vì con người có những khát vọng sâu xa, những phương tiện vật chất, tài năng tinh thần và cả những ân huệ của Thiên Chúa.

Dù xuất hiện cách đây khoảng 195.000 năm, nhưng chỉ vài ngàn năm gần đây, con người tinh khôn mới rời bỏ hang động, bỏ đời sống tập thể theo bộ lạc, bỏ thái độ bái thờ các sức mạnh thiên nhiên như hổ báo, núi sông, sấm sét làm thần linh. Đó là thời kỳ bái vật. Nhờ trí thông minh, con người thắng được thiên nhiên để lấp sông, phá núi, ngăn biển. Con người tìm ra lúa mì, lúa gạo, thuần hoá các động vật hoang dã thành gia súc để bỏ đi đời sống lượm hái, săn bắn, du mục, chuyển sang đời sống định cư lâu dài và hình thành nên các quốc gia.

Con người phát triển hệ thống ngôn ngữ, chữ viết để chia sẻ thông tin, trao đổi tư tưởng, tình cảm cho nhau, tạo thành các nền văn minh ở Hy Lạp, La Mã, sông Hằng, sông Nil… Mỗi dân tộc cố gắng giải thích thế giới, con người bằng những huyền thoại với các thần linh khác nhau, tạo nên thời kỳ bái thần và các tôn giáo.

Từ thế kỷ 15 trở đi, con người phát triển các khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn, nên khám phá ra rằng hầu hết các thần linh mình tôn thờ chỉ là ngẫu tượng vô tri, vô cảm do mình tạo ra, nên con người dần dần loại bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống, để quay sang tôn thờ con người, tôn thờ khoa học, vì nghĩ rằng khoa học có thể giải quyết được tất cả các vấn nạn của đời sống. Ta gọi đó là thời kỳ “bái nhân”, nghĩa là tôn thờ con người. Người ta tôn sùng các người có quyền lực, tài năng, sắc đẹp thành những vị thần cụ thể, những diva, idol trong lĩnh vực văn nghệ, những ông vua, nữ hoàng trong lĩnh cực thể thao và xây dựng đền thờ, tượng đài cho họ.

Những giả thuyết khoa học như thuyết tiến hoá của Darwin cho rằng vạn vật ngẫu nhiên tiến hoá từ vật chất vô hồn thành sinh vật, rồi từ sinh vật thành con người càng dẫn con người đi sâu vào các hệ tư tưởng duy vật, vô thần. Người ta cho vật chất là căn bản, cho cuộc hiện sinh con người là phi lý và con người là “hoả ngục của nhau” vì không chứng minh được sự hiện hữu của Thiên Chúa Tạo Hoá và của những giá trị tinh thần như tình yêu, tư tưởng, tự do, hạnh phúc dù bằng những máy móc khoa học hiện đại nhất.

Cuộc xung đột ở Ucraina và ở nhiều nơi trên thế giới cũng như đời sống xã hội ở Việt Nam đầy những vụ việc tham nhũng, gian dối, trộm cắp, giết hại người thân trong các bản tin hằng ngày đang nói lên rằng con người chúng ta cần phải điều chỉnh các mối tương quan cho đúng đắn và tốt đẹp hơn. Cuộc giáng sinh của Đức Giêsu ở Bêlem mà chúng ta mừng lễ hôm nay dẫn ta về hang đá nơi Người sinh ra để thay đổi các mối tương quan đó.

2. Xây dựng nền nhân bản toàn diện và liên đới

Trong dòng lịch sử nhân loại, nhiều tôn giáo, trong đó có cả Kitô giáo, đã nhiều lần quá chú trọng đến các luật lệ và các lễ nghi phụng tự bên ngoài, đến mức bỏ quên những con người cụ thể, nhất là những ai nghèo khổ, bệnh tật, yếu kém và gạt họ ra ngoài lề xã hội. Điều này khiến cho con người bất mãn, tạo nên các chủ nghĩa vô thần muốn loại bỏ tôn giáo để đòi lại cho con người những gì người ta dành cho các thần linh hay cho Thiên Chúa. Đó là thái độ “nhân bản” lấy con người làm gốc, làm trung tâm, làm cùng đích cho mọi hoạt động của mình.

Tìm về hang đá Bêlem để thấy Thiên Chúa không phải là một vị thần đáng sợ, khủng khiếp, lúc nào cũng sẵn sàng đánh phạt con người và vạn vật bằng quyền năng vô tận của mình. Nhưng Ngài là một người cha đầy yêu thương vì đã ban tặng Con Một mình để cứu độ con người và vũ trụ: “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người là thần linh dũng mãnh, người cha muôn thuở, thủ lãnh hoà bình. Người sẽ mở rộng quyền bính và lập nền hoà bình vô tận” (Is 9, 5-6.). Các thiên thần cũng ca tụng rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Vì thế, trong mối tương quan với Thiên Chúa, con người chúng ta cần giữ tinh thần thảo hiếu của những người con đối với cha mình.

Tìm về hang đá Bêlem để thấy con người không phải tạo ra hoả ngục cho nhau, không phải là kẻ thù của nhau đến nỗi giết hại nhau bằng đủ thứ vũ khí và thủ đoạn chính trị tàn độc như hiện nay. Nhưng mọi người đều là anh em của nhau trong cùng một gia đình nhân loại, do cùng một người Cha trên trời. Những người chăn chiên nghèo khổ, dốt nát, bị gạt ra khỏi xã hội và tôn giáo Do Thái bây giờ cùng hiện diện bên những đạo sĩ phương Đông giàu có, thông thái, được xã hội kính trọng quanh Chúa Hài Đồng. Tất cả đều bình đẳng và nhận ra được phẩm giá cao quý của mình vì được Con Một Thiên Chúa chuyển thông cho mình thần tính cao cả, vĩnh hằng, vô biên để trở thành con cái Thiên Chúa như Người. Vì thế, trong mối tương quan giữa con người với nhau, ta phải giữ tinh thần huynh đệ.

Tìm về hang đá Bêlem, ta còn thấy vạn vật không còn là những thứ vô tri , vô giác để khai thác chúng cạn kiệt như một ông chủ bạo tàn hay luỵ phục chúng như một thần linh quyền thế: “Có tiền là có tất cả”. Trong cuộc Giáng Sinh, ngôi sao đã trở thành đứa em dẫn đường cho các đạo sĩ tìm được Chúa Hài Đồng. Hang đá, máng cỏ, tã vải, hơi ấm chiên lừa thở ra đều mang ý nghĩa cao quý, đều có thể phục vụ con người chứ không cần phải có đền vàng, điện ngọc, lụa là, máy móc tối tân. Khi con người biết sử dụng và chia sẽ chúng với tình yêu cứu độ như Chúa Giêsu, chúng đều trở thành vật chất vô cùng giá trị để mang lại cho tất cả niềm vui, hạnh phúc và bình an. Vì thế, trong mối tương quan với vạn vật, ta cần giữ tinh thần huynh trưởng vì con người là những anh lớn, chị lớn được Cha trên trời giao phó trông coi vũ trụ vạn vật này.

Tìm về hang đá Bêlem là ta tìm lại được con người chân thực của mình để giữ tinh thần tự chủ trong mối tương quan với chính mình. Mỗi người chúng ta chú ý lắng nghe những khát vọng sâu xa của tâm hồn mình, những thôi thúc của bản năng, của dục vọng và cả những hậu quả của tội lỗi như bệnh tật, già nua, xấu xí, gian ác và chết chóc. Tự chủ để biết sử dụng những phương tiện vật chất như của cải, tiền bạc, phát huy những tài năng tinh thần như lý trí, ý chí, tình cảm, thời giờ và ân huệ Chúa ban thay vì lạm dụng chúng. Nhìn vào Chúa Hài Đồng Giêsu đang nằm toả sáng trong máng cỏ, chúng ta tràn ngập niềm vui vì biết mình từ nay mình được Người cứu độ và giải thoát ta khỏi các tai hoạ ấy vì “hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em. Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa” (Lc 2,11).

Lời kết

Chúng ta cùng cầu chúc cho nhau một mùa Giáng Sinh an lành và tràn đầy ân phúc của Chúa Hài Đồng để thăng hoa các mối tương quan trong đời sống. Amen.

HKK