22/12/2024

Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hàn Quốc

Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hàn Quốc

Ngày 28-12, Hàn Quốc công bố chi tiết chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của nước này qua một tài liệu dài 43 trang mang tên ‘Chiến lược cho một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, hòa bình và thịnh vượng’.

 

 

 

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol – Ảnh: REUTERS

Hàn Quốc muốn đạt các mục tiêu trên bằng cách xây dựng một trật tự dựa trên luật lệ và hợp tác về quyền con người, trong đó đẩy mạnh chín nỗ lực then chốt đối với nhiều lĩnh vực khác nhau, từ luật pháp, an ninh, kinh tế, năng lượng, khoa học – kỹ thuật cho tới môi trường.

 

Thay đổi căn bản

Là nền kinh tế lớn với công nghệ tiên tiến trong tay, Hàn Quốc có quyền lực mềm và sức ảnh hưởng rất đáng kể trong cấu trúc an ninh – kinh tế của khu vực. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại – đặc biệt về an ninh – của họ lâu nay bị đánh giá hơi hẹp, chỉ lấy trọng tâm ở khu vực Đông Bắc Á.

Giới “chóp bu” ở Hàn Quốc hoàn toàn ý thức được sự kỳ vọng từ quốc tế, và chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới đã phản ánh thay đổi căn bản nhất, với quan điểm ngoại giao được mở rộng, tương xứng với “phẩm giá và vị thế quốc gia” của nước này.

Thay đổi trên đã được Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nêu ra tại Campuchia hồi tháng trước, khi ông dự chuỗi hội nghị với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đó là thời điểm Hàn Quốc thừa nhận lợi ích quốc gia của họ gắn liền với hòa bình và ổn định trong khu vực. 

Ông Yoon nói: “Hòa bình và ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương kết nối trực tiếp tới sự tồn vong và thịnh vượng của chúng tôi”.

Khi công bố cụ thể về chiến lược vừa qua, Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cũng tái khẳng định đây là chiến lược khu vực toàn diện đầu tiên của Hàn Quốc, thể hiện cam kết mở rộng không gian ngoại giao và tăng cường vai trò, đóng góp của họ với khu vực. 

Những cam kết này phù hợp với vị thế được nâng cao của Hàn Quốc cũng như kỳ vọng mà quốc tế dành cho Seoul.

 

Ngoại giao cân bằng

Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc tại Mỹ (KEI, trụ sở ở Washington) đánh giá việc Hàn Quốc đề cập tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khác biệt có chủ ý của chính quyền Tổng thống Yoon so với người tiền nhiệm. 

Tuy nhiên việc Hàn Quốc có tín hiệu do dự với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương xuất phát từ hai lý do chính.

Thứ nhất, Hàn Quốc vẫn muốn tìm điểm cân bằng giữa vai trò của họ trong các liên minh (ví dụ tam giác Hàn – Nhật – Mỹ) và quyền tự chủ trong các chính sách đối ngoại ngoài liên minh. 

Trong ngôn ngữ của tài liệu mới công bố, Hàn Quốc cũng nhấn mạnh việc hợp tác với từng khu vực với những chính sách được “điều chỉnh”, thiết kế riêng để phù hợp với các khu vực, quốc gia riêng lẻ hoặc sáng kiến nhỏ hơn.

Thứ hai, cũng vì vậy, giới quan sát ở Mỹ lưu ý rằng trong khi Hàn Quốc thể hiện quyết tâm lớn hơn trong hợp tác với Mỹ và Nhật Bản vì “những mối đe dọa chung”, chính sách chi tiết do Hàn Quốc đưa ra vẫn có độ chênh nhất định với Mỹ, hay cụ thể là thái độ với Trung Quốc.

Đơn cử Hàn Quốc chỉ nhắc tới Trung Quốc vắn tắt, xem đây là “một đối tác quan trọng để có sự thịnh vượng và hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, và “chúng tôi sẽ nuôi dưỡng một mối quan hệ lành mạnh và trưởng thành hơn (với Trung Quốc) khi theo đuổi các lợi ích chung dựa trên sự tôn trọng và có đi có lại, được các quy tắc và chuẩn mực quốc tế dẫn lối”.

Nói cách khác Hàn Quốc đồng ý với cách tiếp cận của Mỹ về một vấn đề, ví dụ chú trọng “hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”, nhưng vẫn mong muốn duy trì mối quan hệ lành mạnh với Trung Quốc ít nhất về kinh tế.

Seoul sẽ cẩn trọng và tiếp tục quan sát, thăm dò ý định cụ thể hơn của Mỹ khi tham gia đàm phán các sáng kiến như Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF), liên minh CHIP-4, hoặc thậm chí Khuôn khổ đối thoại bốn bên QUAD (Mỹ – Nhật – Ấn – Úc).

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc - Ảnh 2.

Dữ liệu: NHẬT ĐĂNG – Đồ họa: TUẤN ANH

Tăng cường vai trò an ninh

Việc nhìn nhận tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở khu vực đồng nghĩa Hàn Quốc sẽ trở nên quyết đoán hơn trong câu chuyện an ninh.

Tài liệu chi tiết khẳng định ưu tiên xây dựng một trật tự khu vực dựa trên chuẩn mực và quy tắc, trong đó xem các tuyến đường biển như eo biển Hormuz, Ấn Độ Dương, eo biển Malacca và Biển Đông là trọng tâm.

“Chúng tôi cũng sẽ thể hiện vai trò hàng đầu trong việc thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật pháp thông qua việc tôn trọng và thực thi luật pháp quốc tế đã được nhất trí, xây dựng quy tắc mới để quản lý các vấn đề mới nổi dựa trên các chuẩn mực và giá trị phổ quát”, tài liệu nêu.

NHẬT ĐĂNG
TTO