22/11/2024

Thế giới bước vào cuộc đua mới giành quyền thống trị không gian

Thế giới bước vào cuộc đua mới giành quyền thống trị không gian

Gần đây thế giới đã diễn ra cuộc chiến thương mại và chiến tranh nóng. Năm 2023 có thể kéo theo cuộc “chiến tranh giữa các vì sao”, khi không gian – biên giới kinh tế cuối cùng – trở thành tâm điểm chạy đua toàn cầu để giành quyền thống trị.

 

 

 

Thế giới bước vào cuộc đua mới giành quyền thống trị không gian - Ảnh 1.

Ngân hàng Mỹ dự đoán ngành công nghiệp vũ trụ sẽ trị giá 1.400 tỉ USD vào năm 2030 – Ảnh: FINANCIAL TIMES

Ai sẽ kiểm soát nền kinh tế vũ trụ trị giá 1.400 tỉ USD?

Ngoài cơ quan vũ trụ của các quốc gia tiên tiến, về phía tư nhân có thể điểm vài “khuôn mặt” nổi tiếng đang nỗ lực khẳng định vai trò của họ trên không gian, như SpaceX của Elon Musk, Blue Origin của Jeff Bezos, Orbital ATK, ViaSat, SES, OneWeb.

Theo báo Financial Times, toàn cầu có hơn 10.000 công ty vũ trụ thương mại đã phát triển trong hai thập kỷ qua.

Trạm vũ trụ ISS của một nhóm quốc gia do Mỹ đứng đầu, phục vụ cho các hoạt động của vệ tinh, công nghệ quốc phòng, phân tích dữ liệu và thậm chí nhiều lĩnh vực hơn như du lịch vũ trụ.

SpaceX là công ty vũ trụ được biết đến nhiều nhất, đã phóng hàng nghìn vệ tinh cho cả mục đích công cộng và tư nhân.

Dịch vụ Starlink của tỉ phú Musk đã giúp duy trì hoạt động của Internet tại Ukraine, ngay khi các lực lượng Nga đóng cửa các dịch vụ viễn thông khác.

Điều này đưa đến một cuộc tranh luận ngày càng tăng về việc: Ai sẽ kiểm soát nền kinh tế vũ trụ? Nền kinh tế này trị giá 469 tỉ USD vào năm 2021, theo tổ chức phi lợi nhuận Space Foundation. Ngân hàng Mỹ cũng dự đoán ngành công nghiệp vũ trụ sẽ trị giá 1.400 tỉ USD vào năm 2030.

Theo báo cáo năm 2022 của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), chính phủ các nước tiên tiến đều đã gia tăng đầu tư vào ngành công nghiệp vũ trụ dân sự và quân sự. Chi tiêu của Ấn Độ tăng 36%, tiếp theo là Trung Quốc ở mức 23% và 18% ở Mỹ.

 

Hiệp ước ngoài không gian 1967: “Vòng kim cô” lỗi thời!

Ở Mỹ, việc thám hiểm không gian từng là chương trình do nhà nước hậu thuẫn, tập trung vào an ninh quốc gia.

Tuy nhiên sau hai vụ tai nạn tàu con thoi chết người (tàu Challenger năm 1986 và Columbia năm 2003), Chính phủ Mỹ bắt đầu rút lại quyền tập trung kiểm soát không gian.

Mặc dù các chương trình vệ tinh công – tư đã tồn tại từ những năm 1960, nhưng phải đến khi chương trình tàu con thoi bắt đầu kết thúc (và cuối cùng bị hủy bỏ vào năm 2011), một loạt các công ty vũ trụ thương mại mới bắt đầu cất cánh.

Quốc hội đã thay đổi các biện pháp khuyến khích tài trợ và tạo ra một chính sách mới (Chương trình Dịch vụ vận tải thương mại trên quỹ đạo) để khuyến khích tư nhân hóa.

NASA và các cơ quan chính phủ khác trở thành khách hàng của các nhà thầu không gian tư nhân.

Tuy nhiên hiện nay cuộc chạy đua vào không gian mới phức tạp hơn nhiều, vì quy mô và khả năng thiệt hại. Nhiều vấn đề mới nảy sinh chưa được trả lời thấu đáo.

Rác vũ trụ – bao gồm các vệ tinh không còn hoạt động, các bộ phận của tàu vũ trụ và rác do va chạm giữa chúng tạo ra – đang trở thành yếu tố rủi ro chính trong du hành vũ trụ.

Không có sự đồng thuận về việc ai sẽ trả tiền, dọn dẹp hoặc phân xử hậu quả do va chạm. Luật chính quản lý các tài sản chung trong không gian vẫn là Hiệp ước Ngoài không gian thời Chiến tranh lạnh năm 1967.

Hiệp ước này ít đề cập đến các công nghệ vũ trụ hiện đại. Nó chỉ đơn giản là cấm đưa vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác vào không gian.

GIA MINH
TTO