22/11/2024

Nga, Ukraine đối diện nhiều khó khăn trong năm 2023

Nga, Ukraine đối diện nhiều khó khăn trong năm 2023

Giới chức Nga và Ukraine dự báo những vấn đề khó khăn mà mỗi nước phải giải quyết trong năm 2023 do tác động trực tiếp và gián tiếp từ chiến sự.

 

 

 

Đài CNN ngày 28.12 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm bán dầu thô và chế phẩm dầu mỏ cho các quốc gia áp dụng chính sách áp trần giá đối với dầu Nga. Động thái mới nhằm đáp trả việc phương Tây áp trần giá dầu, trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang xoay quanh chiến sự ở Ukraine, giữa những dự báo về nhiều khó khăn trong năm 2023.

Nga, Ukraine đối diện nhiều khó khăn trong năm 2023 - ảnh 1
Binh sĩ Ukraine tại vùng Zhytomyr vào ngày 27.12 REUTERS

Năm quyết định của Ukraine

Trang The Kyiv Independent ngày 28.12 dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng năm tới sẽ mang tính quyết định và nước này tiếp tục củng cố lực lượng quốc phòng, an ninh nhằm đối phó Nga.

“Chúng tôi đã lắng nghe các tư lệnh và quyết định những bước tiếp theo. Chúng tôi hiểu về những nguy cơ trong mùa đông, những gì có được trong mùa xuân, nên hiểu rằng toàn bộ lĩnh vực quốc phòng và an ninh cần thể hiện kết quả như thế nào”, ông phát biểu và cho biết sẽ sớm báo cáo về quan điểm của ông đối với việc triển khai các nhiệm vụ này với Hội đồng Tối cao (quốc hội) trong thông điệp thường niên về tình hình trong và ngoài nước. Ông Zelensky tiếp tục khẳng định mục tiêu là giành lại toàn bộ những vùng lãnh thổ ở Ukraine do Nga kiểm soát.

Theo Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW-Mỹ), việc Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố sẽ theo đuổi giải pháp quân sự cho đến khi Mỹ chấp nhận các yêu cầu đã khiến Ukraine cũng đưa ra quan điểm tương tự. ISW còn đánh giá rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa đặt ra các điều kiện nghiêm túc khi tuyên bố cởi mở với đàm phán ngày 25.12.

Theo Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine ngày 28.12, lực lượng pháo binh Ukraine đã tấn công 2 kho đạn, một điểm kiểm soát và 7 khu vực tập trung binh sĩ Nga trong vòng 24 giờ. Trong khi đó, Nga phóng ít nhất 1 tên lửa và hơn 30 quả đạn pháo về phía Ukraine. Thứ trưởng Nội vụ thứ nhất Ukraine Yevhen Yenin cho biết có ít nhất 702 cơ sở hạ tầng trọng yếu của Ukraine đã trúng hỏa lực Nga kể từ đầu chiến sự, trong đó có các đường ống dẫn khí, trạm biến điện và cầu. Nga chưa bình luận về những thông tin trên.

 

Kinh tế Nga chật vật ?

Về phía Nga, Phó thủ tướng thứ nhất Andrey Belousov cho rằng năm 2023 sẽ mang tính thách thức đối với tài chính và thâm hụt ngân sách, đồng thời dự báo GDP Nga sẽ giảm đến 1% trong năm tới.

 

Rúp Nga mất giá

Theo Reuters, rúp Nga tiếp tục suy yếu trong ngày 28.12 do tác động của các lệnh cấm vận về dầu mỏ và lo ngại những tác động đối với doanh thu xuất khẩu. Trong ngày 28.12, giá 1 USD quy đổi được 71,19 rúp. Rúp từng có lần mất giá đến khoảng 8% so với đồng USD trong tuần trước, với tỷ lệ quy đổi 1 USD cho 72,6325 rúp. Về nhiên liệu, giá dầu thô Brent trên sàn giao dịch ICE ngày 28.12 giảm 0,7% xuống mức 83,7 USD/thùng. Tuy nhiên, theo AFP, lệnh cấm xuất khẩu dầu nhằm trả đũa của Nga đã giúp tránh biến động lớn về giá dầu.

“Đương nhiên, mức tăng trưởng kinh tế 3% sẽ không đạt được trong năm tới. Nó chắc chắn sẽ thấp hơn. Tôi nghĩ rằng nó sẽ dao động quanh mức 0. Dự báo của chúng tôi là khoảng -1%, có thể thấp hơn một chút”, Hãng TASS dẫn lời ông Andrey Belousov nhận định. Theo ông, chính phủ Nga vẫn kỳ vọng tình hình kinh tế năm 2023 sẽ tốt hơn năm 2022. “Nói chung, nếu không có gì xảy ra, chúng tôi dự báo năm 2023 sẽ dễ dàng hơn so với năm 2022 đối với nền kinh tế Nga” theo ông Belousov.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nga đưa ra điều chỉnh về dự báo trung hạn, trong đó GDP nước này có thể giảm từ 3 – 3,5% vào năm 2022. Dự báo nền kinh tế Nga bắt đầu tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023, dù đến cuối năm tốc độ tăng trưởng GDP vẫn ở mức âm, từ -4% đến -1%.

Theo tờ Nikkei Asia, xung đột tại Ukraine đã có nhiều tác động và định hình khu vực châu Á trên nhiều khía cạnh, trong đó có việc củng cố mối quan hệ Nga – Myanmar, bên cạnh những tác động về lạm phát và thiếu hụt lương thực trong khu vực. Chiến sự kéo dài còn dẫn đến những câu hỏi về vũ khí Nga từ những bên mua tiềm năng ở châu Á. Căng thẳng về năng lượng cũng khiến nhiều nước điều chỉnh chính sách năng lượng, chẳng hạn như Nhật Bản đã đưa ra chính sách năng lượng mới vào tuần trước, nhấn mạnh vai trò lâu dài của điện hạt nhân.

 

KHÁNH AN

TNO