22/01/2025

13% học sinh TP.HCM trầm cảm vì bài vở: ‘Chừng nào chúng em mới có ngày cuối tuần ra hồn?’

13% học sinh TP.HCM trầm cảm vì bài vở: ‘Chừng nào chúng em mới có ngày cuối tuần ra hồn?’

Ở bậc THCS, THPT tại TP.HCM, có 12% học sinh cảm thấy bị stress, 22,58% em trong trạng thái lo âu và hơn 13% học sinh trầm cảm ở mức vừa, nặng, rất nặng.

 

 

 

13% học sinh TP.HCM trầm cảm vì bài vở: Chừng nào chúng em mới có ngày cuối tuần ra hồn? - Ảnh 1.

Ngoài tư vấn tâm lý, cô Nguyễn Kim Linh (thứ hai từ phải sang) còn lắng nghe và giải đáp những khúc mắc về mọi vấn đề trong cuộc sống của các học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) – Ảnh: DUYÊN PHAN

Con số trên được nghiên cứu sinh Giang Thiên Vũ – giảng viên khoa tâm lý học Trường đại học Sư phạm TP.HCM – chia sẻ tại tọa đàm “Xây dựng trường học hạnh phúc trong bối cảnh đổi mới giáo dục hành động từ nhu cầu của học sinh và giáo viên”, ngày 28-12.

 

7 nguyên nhân chủ yếu

Trong khảo sát sàng lọc về tình trạng sức khỏe tinh thần của hơn 8.500 học sinh THCS, THPT trên địa bàn TP.HCM, nhóm đã đưa ra những con số đáng báo động.

Cụ thể, có 1.117 (12,92%) học sinh cảm thấy stress ở mức vừa, nặng và rất nặng. 1.952 học sinh (22,58%) trong trạng thái lo âu ở mức vừa, nặng và rất nặng. 1.177 học sinh (13,62%) có biểu hiện trầm cảm ở mức vừa, nặng và rất nặng.

Theo ông Giang Thiên Vũ, có 7 nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ học sinh stress, lo âu, học sinh trầm cảm nói trên. Đầu tiên, học sinh trầm cảm do bị áp lực bài vở, ôn tập, các kỳ thi, nội dung và phương pháp học tập. 

Tiếp đến, các em bị áp lực từ gia đình. Thứ ba, các em bị áp lực từ bạn bè, sự so sánh khập khiễng của thầy cô, cha mẹ. Thứ tư, các em không có thời gian rèn luyện kỹ năng cảm xúc, xã hội, tham gia sinh hoạt ngoại khóa. 

Thứ năm, đời sống tinh thần của học sinh chưa được quan tâm, chăm sóc. Thứ sáu, các em không biết cách ứng phó hiệu quả với áp lực, căng thẳng, không tìm được sự hỗ trợ ở trường học. Thứ bảy, do các em có sự thay đổi tâm sinh lý nhưng không có định hướng, hỗ trợ hợp lý.

Vậy điều học sinh mong muốn để hạnh phúc khi đến trường là gì? Thông qua các cuộc phỏng vấn định tính, ông Vũ ghi nhận: học sinh lớp 9 “mong muốn giảm khối lượng bài tập”, học sinh lớp 11 “đến khi nào thầy chủ nhiệm mới ngừng so sánh thành tích học tập của lớp em với các lớp thầy đã dạy”, còn học sinh lớp 10 lại than vãn “đến bao giờ mới được một ngày nghỉ ra hồn. Cuối tuần cũng phải đến trường…”.

Giáo viên không hạnh phúc sao học trò hạnh phúc?!

Theo các chuyên gia, diễn giả tại tọa đàm, ngôi trường hạnh phúc là ở đó từng học sinh, giáo viên, nhân viên, cán bộ đều cảm thấy hạnh phúc, trong đó hạnh phúc của học sinh là tiêu chí cao nhất.

Muốn vậy, theo TS Nguyễn Thị Xuân Yến – phó trưởng khoa giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, người giáo viên phải được hạnh phúc. Khi giáo viên hạnh phúc sẽ tác động to lớn đến môi trường học đường, làm cho học sinh hạnh phúc và để trường học được hạnh phúc. Điều đó chỉ có được khi giáo viên thích ứng, thay đổi.

13% học sinh TP.HCM trầm cảm vì bài vở: Chừng nào chúng em mới có ngày cuối tuần ra hồn? - Ảnh 2.

Cô Hoa, Trường tiểu học Chu Văn An, Quảng Bình, giới thiệu dự án điều em mong muốn của học sinh tại tọa đàm – Ảnh: MỸ DUNG

GS Huỳnh Văn Sơn – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – cho rằng trong bối cảnh hiện nay, người giáo viên cần phải thay đổi để trở nên chuyên nghiệp, linh hoạt… “Giáo viên cần hiểu rằng đã nhận vai trò nào thì phải làm hết sức với vai trò đó. Đối với học sinh, các em phải được vui chơi, được vận động, được tôn trọng sự khác biệt… thì các em sẽ hạnh phúc”, GS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.

Đồng ý rằng các yếu tố quan trọng của ngôi trường hạnh phúc chính là học sinh, giáo viên, phụ huynh cùng hạnh phúc, cô Nguyễn Thị Hoa – phó hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An, Quảng Bình – cho rằng trong bộ phận giáo viên thì người đầu tiên phải thay đổi chính là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường. 

“Chính hiệu trưởng và phó hiệu trưởng là người quyết định các mục tiêu, các giá trị giáo dục mà nhà trường theo đuổi”, cô Hoa nói.

MỸ DUNG
TTO