25/01/2025

TP.HCM chậm cải tạo kênh rạch do ‘đói’ vốn

TP.HCM chậm cải tạo kênh rạch do ‘đói’ vốn

Thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong số 14 dự án di dời nhà ven kênh rạch, chỉ có 5 dự án được bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

 

 

 

TP.HCM chậm cải tạo kênh rạch do ‘đói’ vốn - ảnh 1
Nhiều dự án cải tạo kênh, rạch chậm triển khai do “đói” vốn NGỌC DƯƠNG

Đến nay, ngân sách đã huy động được cho 5 dự án là 1.821/2.037 tỉ đồng. Dự kiến, công cuộc di dời 585 căn nhà sẽ hoàn thành trước 2025.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, dù các dự án này để thực hiện chỉnh trang đô thị, giải quyết tiêu thoát nước, chống ngập thuộc danh mục các dự án trọng điểm, cấp thiết phải đầu tư, đã được UBND TP.HCM ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025, nhưng so với các dự án hạ tầng, công ích khác lại không được chọn làm dự án cấp bách, ưu tiên hàng đầu.

Hiện TP.HCM đang hạn chế bố trí vốn cho các dự án không có mặt bằng sạch hoặc các dự án có nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025. Trong khi các dự án di dời nhà trên và ven kênh cơ cấu phần vốn bồi thường là chủ yếu. Do đó, mới có 5/14 dự án được bố trí vốn chuyển tiếp, đã bồi thường được 201/585 căn, làm ảnh hưởng đến kế hoạch di dời 6.500 căn đã đề ra.

Cũng theo Sở Xây dựng TP.HCM, đối với nhóm dự án xã hội hóa, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Nghị định 35 của Chính phủ không còn quy định về hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT). Như vậy, việc di dời nhà trên kênh rạch sẽ không thực hiện theo phương thức BT như giai đoạn trước đây. Khi đó nhà đầu tư sẽ không được thanh toán bằng các mặt bằng cơ sở nhà đất, mà chỉ có thể khai thác, kinh doanh trên phần diện tích đất sau khi đã di dời nhà trên và ven kênh rạch. Trong khi quỹ đất này rất nhỏ hẹp, nên càng khó khăn hơn trong việc mời gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.

Ngoài ra, hầu hết các tuyến kênh, rạch đều có một phần là đất công hoặc đất do Nhà nước trực tiếp quản lý. Nhưng, luật Đất đai chỉ quy định Nhà nước giao đất thông qua hình thức đấu giá đối với các trường hợp đất được thu hồi, sắp xếp lại. Chưa kể 9 hình thức xử lý nhà đất khi thực hiện sắp xếp lại theo Nghị định 167 không quy định về hình thức đấu thầu. Để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án chỉ có thể thực hiện được trong trường hợp Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Một điều nữa khiến chương trình cải tạo kênh rạch bị chậm do Sở Xây dựng chưa thực hiện điều tra xã hội học, khảo sát nhu cầu của các hộ dân bị ảnh hưởng vì không có vốn.

 

ĐÌNH SƠN

TNO