22/01/2025

Giáo viên sao chép tài liệu lẫn nhau: Căn bệnh hình thức bao giờ chấm dứt?

Giáo viên sao chép tài liệu lẫn nhau: Căn bệnh hình thức bao giờ chấm dứt?

Đọc bài viết của Thanh Niên ‘Bồi dưỡng chuyên môn, giáo viên còn sao chép lẫn nhau từ kế hoạch đến thu hoạch’, là nhà giáo, tôi tự hỏi bao giờ chấm dứt căn bệnh hình thức trong ngành giáo dục?

 

 

 

Hơn 30 năm đứng lớp, tôi hiểu rất rõ những bất cập vô lý mà giáo viên vì nhiều lý do bắt buộc phải thực hiện để đối phó dẫn đến việc sao chép lẫn nhau.

Giáo viên sao chép tài liệu lẫn nhau: Căn bệnh hình thức bao giờ chấm dứt? - ảnh 1

Hình thức từ công tác chuyên môn

Trước hết nói về vấn đề chuyên môn, trong một năm học, giáo viên phải quay cuồng với bao loại sổ sách để trình ký dù mang tính chất đối phó và rập khuôn một cách khiên cưỡng.

Đó là sổ hội họp bắt buộc phải có dù giáo viên có thể chủ động tự ghi nhớ hoặc có nhiều cách ghi nhớ bằng ứng dụng công nghệ. Đó là sổ dự giờ phải ghi chép đầy đủ thời gian, nội dung bài giảng, nhận xét để trình ký duyệt dù ai cũng thừa hiểu những tiết dự giờ… từ xa đó được giáo viên chuyền tay nhau chép. Sổ kế hoạch mới thật đáng nói. Bản thân tôi cũng từng cặm cụi sao chép từ niên học này sang niên học khác như một lập trình có sẵn với những nội dung như: sơ yếu lý lịch của đồng nghiệp; kế hoạch tuần, tháng, học kỳ… Có chăng chỉ là thay đổi thời gian và tên nhân sự.

Giáo án cũng vậy. Tại sao phải soạn cả hệ thống câu hỏi, tại sao phải đặt giả dụ bao nhiêu tình huống lên lớp?… Sao không để giáo viên tự chuẩn bị bài giảng theo cách riêng và chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy của họ? Sao không để một tiết học đầy sáng tạo thay vì soạn một giáo án khô khan với đủ các bước lên lớp rập khuôn gượng ép trong khi mỗi tiết dạy là cả một nghệ thuật, hoàn toàn không giống nhau?

Giáo viên sao chép tài liệu lẫn nhau: Căn bệnh hình thức bao giờ chấm dứt? - ảnh 2
Trên mạng hiện nay mua bán đầy đủ các loại giáo án cho giáo viên ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Còn về việc học tập bồi dưỡng chuyên môn lẫn những cái ngoài chuyên môn cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Dù nhiều góp ý nhưng tất cả hầu không thay đổi hay chỉ thay đổi tên gọi, hình thức còn thực chất những buổi học tập, bồi dưỡng chuyên môn không đem lại ích lợi thiết thực cho cho giáo viên. Có thời gian giáo viên phải tham gia chương trình tự bồi dưỡng nhưng có ai đọc bài thu hoạch của giáo viên sẽ thấy những mô đun lạ lẫm được sao chép từ nhiều người và có khi đồng nghiệp ở các quận thật xa lại hoàn toàn có ý tưởng giống nhau! Tất cả các giáo viên đều nhận thấy điều đó nhưng vì nhiều lý do vẫn phải thực hiện theo đúng quy định. Vậy nên vấn đề sao chép các nội dung trong bồi dưỡng mà Thanh Niên đã đăng là “chuyện thường ngày ở huyện” mà cả giáo viên lẫn cán bộ chuyên trách đều hiểu và cho qua vì đó chỉ là hình thức.

 

Đến hình thức trong phong trào, thi đua

Bệnh hình thức trong ngành giáo dục cũng hiện hữu ở các phong trào thi đua. Ở đây tôi chỉ đề cập đến phong trào thi giáo viên dạy giỏi mà bản thân đã trải qua.

Tôi đạt giáo viên dạy giỏi cấp quận khá sớm và vào chung kết cuộc thi Võ Trường Toản năm đầu tiên của thành phố khi tuổi nghề còn rất trẻ. Thời ấy không có nhiều phong trào nên danh hiệu ấy hoàn toàn đáng trân trọng và tự hào. Sau đó theo kế hoạch, mỗi năm từng nhóm bộ môn sẽ đưa một giáo viên thi vòng trường rồi đến vòng quận… Vì theo cơ cấu nên tôi có mặt trong ban giám khảo nhưng sau đó khi lần lượt các đồng nghiệp trong nhóm đã thi mà phong trào vẫn cứ tiếp diễn nên phải… quay vòng. Cuối cùng chỉ còn mình tôi. Do bắt buộc nhóm phải có người đại diện thi và dù đã trình bày rất nhiều lý do nếu tôi thi lại sẽ vô lý như thế nào nhưng không được chấp nhận nên tôi phải nhờ một em giáo viên thực tập mình đang hướng dẫn lên thi thay. Đó chỉ là một cuộc thi gượng ép trong nhiều cuộc thi để lắp ghép cho đủ vào bảng thành tích báo cáo trong tổng kết.

Tôi còn nhớ như in năm cuối trước khi về hưu, là giáo viên cốt cán nên tôi được dự học lớp bồi dưỡng do một tiến sĩ ở Hà Nội vào dạy. Điều tôi tâm đắc nhất là câu nói của thầy: “Về giáo dục, chúng tôi hiểu vấn đề nhưng không giải quyết được vấn đề vì chúng tôi không phải là lãnh đạo”. Chúng tôi tự hỏi vậy đến bao giờ lãnh đạo hiểu và giải quyết được vấn đề?

Cho đến bao giờ học đường trở về đúng nghĩa môi trường thanh cao, trung thực và tinh khôi nhất như bản chất của nó chứ không phải phù phiếm chạy theo hình thức thi đua như hiện nay? Cho đến bao giờ giáo viên và học sinh trở về đúng vị trí riêng của mình và có được cảm giác “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”?

 

VŨ THỊ MỸ HẠNH

TNO