24/01/2025

Doanh nghiệp phải nỗ lực để vượt cơn gió ngược

Doanh nghiệp phải nỗ lực để vượt cơn gió ngược

Đó là nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm “Dự báo kinh tế – Vượt cơn gió ngược 2023” do VCCI và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức hôm nay 27.12.

 

 

Nhiều dự báo vẫn còn khó khăn

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho biết, dự báo từ các tổ chức tài chính thế giới đến các chuyên gia Việt Nam đều cho rằng, hiện nay nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn đến từ yếu tố bên ngoài chứ không đến từ nội tại của Việt Nam. Đáng chú ý là sự suy giảm tiêu dùng của các nước phát triển, còn một số yếu tố phụ như chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn tác động đến Việt Nam. Song, Việt Nam vẫn có những thuận lợi và cơ hội nhất định.

“Những gì chúng tôi lo lắng từ hệ thống ngân hàng, kể cả trái phiếu doanh nghiệp đã từng bước được kiềm chế. Nên điểm xấu của lãi suất, tín dụng cuối năm nay chúng ta lo lắng thì năm sau sẽ được tháo gỡ. Hiện nay, các nước đã và đang chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam khi chúng ta ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đó, trong ba năm từ 2018 – 2021, sự chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc qua các nước Đông Nam Á đã giúp tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc đang từ 33% qua Mỹ giảm xuống 25%. Còn các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam đã tăng từ 10 – 14%”, ông Hiển phát biểu.

Ông Hiển dự báo: Năm 2023 lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý 1 và trở về ổn định vào cuối quý 2. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý 2 trở đi. Xuất khẩu tiếp tục suy giảm trong quý 1 – 2 và sẽ phục hồi tăng vào quý 3. Có thể nói, nền kinh tế nội địa sẽ giảm khó khăn từ quý 2/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý 3, với hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ. Đồng thời thị trường bất động sản phục hồi nhẹ từ quý 4/2023 tập trung ở khu vực đô thị lân cận khu công nghiệp và khu vực hạ tầng đang đầu tư mạnh.

Doanh nghiệp phải nỗ lực để vượt cơn gió ngược - ảnh 1
Các chuyên gia nhận định năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn  ĐÌNH SƠN

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết, Trung Quốc đã thay đổi chính sách “zero Covid” để mở cửa nền kinh tế. Như vậy, đây không còn là “cơn gió ngược” gây trở ngại cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Điều này cũng là tin vui cho các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu và thị trường bất động sản. Ngoài ra, trước các khó khăn của thị trường bất động sản, Ban chấp hành Trung ương đã có Nghị quyết 18 yêu cầu hết năm 2023 phải sửa đổi xong một số luật liên quan để đảm bảo đồng bộ, trong đó có luật Nhà ở, luật Đất đai, luật Kinh doanh bất động sản. Các luật này sẽ được thông qua trong cuối năm 2023 và có hiệu lực từ tháng 1.2024.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trương đầu tháng 1.2023 sẽ họp kỳ họp bất thường lần thứ hai để giải quyết các vấn đề nóng và bất động sản cũng đã được đề nghị đưa vào trong nội dung kỳ họp. Chính phủ trong năm vừa qua đã tổ chức 18 cuộc họp chuyên đề về pháp luật để giải quyết nhiều vấn đề. Trong đó có các chỉ đạo trực tiếp để giải quyết những vướng mắc khó khăn của bất động sản. Đây là con số chưa có tiền lệ.

“Với những hành động quyết liệt để tháo gỡ vướng mắc pháp lý sẽ tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn bền vững, hướng về nhu cầu thực”, ông Lê Hoàng Châu cho hay.

 

“Điểm sáng cuối đường hầm”

Ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc Công ty dữ liệu WiGroup nhận định: Lạm phát toàn cầu giảm nhanh nhưng lạm phát Việt Nam lại được dự báo sẽ cao trong năm 2023. Chính phủ cũng đưa ra mức lạm phát 5% năm 2023 trong khi các năm trước chỉ là 4%. “Vì vậy, chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ cao những tháng đầu năm nhưng giảm dần, khó khăn cũng sẽ qua, thanh khoản sẽ tốt hơn ở những tháng cuối năm, là ánh sáng cuối đường hầm của một năm 2023 nhiều khó khăn”, ông Báu nhận định.

Doanh nghiệp phải nỗ lực để vượt cơn gió ngược - ảnh 2
Thị trường bất động sản vẫn khó hồi phục ĐÌNH SƠN

Ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thông tin: “Theo khảo sát nhanh của VCCI về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phía nam vừa qua, kết quả ghi nhận có 9% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tăng đơn hàng, 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới. Với những số liệu trên, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không được khả quan trong tháng cuối năm 2022 và dự báo sẽ kéo dài đến ít nhất hết quý I năm sau. Những biến động khó đoán định của thị trường gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động. Hiện VCCI đã có kiến nghị các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt là cần phải có nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần phải nỗ lực để vượt cơn gió ngược”.

 

ĐÌNH SƠN

TNO