22/01/2025

Làn sóng sa thải càn quét ngành công nghệ Đông Nam Á

Làn sóng sa thải càn quét ngành công nghệ Đông Nam Á

Làn sóng sa thải nhân sự quy mô lớn đang phủ mờ ngành công nghệ Đông Nam Á những ngày cuối năm 2022.

 

Chỉ trong thời gian ngắn, ngành công nghệ đã chứng kiến tình trạng hàng nghìn người mất việc sau khi các hãng công nghệ lớn của Mỹ như Amazon, Meta và Twitter quyết định cắt giảm nhân sự vì nhiều lý do. Việc cắt giảm nhân sự trong ngành công nghệ không chỉ ảnh hưởng đến người lao động Mỹ mà còn tác động tới cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á. Trên thực tế, một số công ty công nghệ ở Đông Nam Á đã công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự với số lượng lớn bất chấp các dự báo khả quan về việc tăng trưởng ổn định của nền kinh tế kỹ thuật số năm 2023.

 

Cắt giảm nhân sự hàng loạt

Trong năm nay, nhiều công ty công nghệ ở Đông Nam Á bắt đầu siết chặt ngân sách bằng cách tạm dừng tuyển dụng và mạnh tay cắt giảm nhân sự. Đáng chú ý nhất phải kể đến các “ông lớn” của Singapore, Indonesia hay Malaysia.

Làn sóng sa thải càn quét ngành công nghệ Đông Nam Á - ảnh 1
Văn phòng của Sea tại Singapore REUTERS

Trong những tuần qua, chỉ riêng các công ty công nghệ của Singapore như Sea Ltd. (công ty mẹ của Shopee), sàn giao dịch tiền ảo Crypto.com đã sa thải khoảng 2.600 nhân sự. Tính gộp 6 tháng qua, Sea đã sa thải hơn 7.000 nhân viên, tương đương 10% lực lượng lao động của tập đoàn này.

Peter Oey, Giám đốc Tài chính của Grab, cho biết từ đầu năm 2022, Grab đã bắt đầu “tạm dừng hoặc giảm tốc độ tuyển dụng ở các bộ phận khác nhau”, thậm chí một số bộ phận đã cắt giảm nhân sự và thận trọng trong việc tuyển dụng lao động mới.

Trong khi đó, tại Indonesia ngày 18.11, nền tảng công nghệ lớn nhất khu vực GoTo tuyên bố cắt giảm khoảng 1.300 việc làm, tương đương 12% nhân viên nhằm giảm bớt chi phí và đảm bảo hoạt động lâu dài của công ty. Theo thông báo mới đây của GoTo, từ tháng 1-9.2022, họ đã lỗ ròng 20.300 tỉ rupiah (1,29 tỉ USD), tăng 75% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại Malaysia, kỳ lân công nghệ Carsome, nền tảng thương mại điện tử bán xe hơi, cũng tuyên bố cắt giảm nhân sự khi có kế hoạch kiểm tra hoạt động kinh doanh trong khu vực.

Các nhà đầu tư nhận định, đây chỉ là điểm khởi đầu cho làn sóng sa thải trong ngành công nghệ khu vực.

 

Nguyên nhân

Thứ nhất, ngành công nghệ toàn cầu nói chung và Đông Nam Á nói riêng đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn sau vài năm bùng nổ do triển vọng tăng trưởng toàn cầu thấp hơn cũng như bối cảnh địa chính trị và chính sách phức tạp.

Ông Jia Jih Chai, đồng sáng lập và là CEO Công ty thương mại điện tử Rainforest (trụ sở tại Singapore), nói rằng các nhà sáng lập đang tỏ ra thận trọng với tình hình hiện nay nên cần quản lý và cơ cấu lại hoạt động kinh doanh nhằm đảm bảo tương lai phát triển. Có nhiều dấu hiệu cho thấy ngành công nghệ khu vực đang bước vào giai đoạn suy thoái, nhu cầu của khách hàng trong năm 2023 có thể giảm.

Thứ hai, các công ty công nghệ đã “quá lạc quan” về sự phục hồi sau đại dịch Covid-19, đồng thời đánh giá thấp tác động của việc phát triển đội ngũ nhân sự công nghệ quá nhanh, trong khi đó lại quên đi việc phát triển bền vững.

Nhà báo Alex Kantrowitz ở Thung lũng Silicon nói rằng: “Tôi rất ngạc nhiên khi các công ty dự đoán rằng những thay đổi trong hành vi con người do đại dịch Covid-19 sẽ tồn tại mãi mãi. Bởi rõ ràng một khi bạn được phép đi ăn nhà hàng, đi chơi với bạn bè bên ngoài thì việc sử dụng Netflix, Facebook, Shopify và Amazon sẽ giảm xuống”. Các công ty công nghệ đã sai lầm khi đi theo chiều hướng như thể “nó sẽ tồn tại mãi mãi”.

Làn sóng sa thải càn quét ngành công nghệ Đông Nam Á - ảnh 2
Nhân viên giao thức ăn của Grab tại Jakarta, Indonesia REUTERS

Trong khi đó, tờ Nikkei Asia dẫn lời ông Daljit Sall, Tổng Giám đốc công nghệ của Công ty nhân lực Randstad Singapore, cho biết thay vì thuê nhân viên hợp đồng để linh hoạt hơn trong quản lý lực lượng lao động, các công ty công nghệ lại tuyển dụng lao động toàn thời gian với mức lương cao. Đơn cử như ở Singapore, Sea đã tích cực tuyển dụng các kỹ sư được săn đón nhiều, hứa hẹn lương cao gấp đôi so với các đối thủ.

Thứ ba, các công ty công nghệ Đông Nam Á cắt giảm nhân sự nhằm phát triển bền vững thay vì “đốt tiền để giành thị phần”, đồng thời tạo nguồn lực để tái cấu trúc và xây dựng lực lượng lao động phù hợp hơn.

Jefrey Joe, đồng sáng lập và đối tác quản lý tại quỹ đầu tư Alpha JWC Ventures có trụ sở tại Indonesia, cho biết trước đây các công ty được thiết kế để tăng trưởng nhanh, vì vậy, cần phải có các thay đổi để chuyển sang tăng trưởng bền vững. Hơn nữa, hiện nay, các công ty công nghệ khởi nghiệp ở Đông Nam Á như Sea Group hay Grab vẫn chưa có lãi, thậm chí đang thua lỗ hàng tỉ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, nhiều người trong ngành công nghệ tin rằng đây không hẳn là tin xấu bởi việc sa thải hàng loạt nhân sự sẽ giúp chọn lọc ra được đội ngũ xuất sắc, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững trong tương lai. Hơn nữa, các đợt cắt giảm nhân sự thời gian qua chủ yếu là nhân sự “phi công nghệ”. Sự điều chỉnh này sẽ thúc đẩy để các nhân sự công nghệ cao có điều kiện hưởng mức lương cao hơn.

 

Triển vọng tương lai

Các chuyên gia kinh tế cho rằng hiện nay, hầu hết các công ty công nghệ lớn ở khu vực Đông Nam Á vẫn đang thua lỗ, điểm hòa vốn sẽ phải mất từ một đến hai năm nữa. Hơn nữa, kinh tế kém phát triển, lạm phát gia tăng ngày càng đè nặng lên các nền kinh tế, khiến môi trường tài chính yếu đi. Do đó, việc cắt giảm chi phí và nhân sự sẽ tiếp tục diễn ra.

Làn sóng sa thải càn quét ngành công nghệ Đông Nam Á - ảnh 3
Việc cắt giảm nhân sự được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong ngành công nghệ tại Đông Nam Á SHUTTERSTOCK

Ông Yan Jun Wang, Giám đốc Kinh doanh của Sea Group, cho biết việc cắt giảm nhân viên của tập đoàn trong thời gian qua là một phần của “kế hoạch đang diễn ra”, báo hiệu sẽ có những đợt cắt giảm bổ sung. Trong khi đó, Công ty Randstad dự đoán xu hướng sa thải nhân sự công nghệ ở khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục kéo sang quý 2/2023.

Việc sa thải hàng loạt nhân sự trong ngành công nghệ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực cho thuê văn phòng, bất động sản. Ông David McKellar, Giám đốc dịch vụ văn phòng khu vực Singapore của Công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại Mỹ (CBRE), dự báo thời gian tới sẽ có nhiều không gian văn phòng và khu kinh doanh trống hơn do việc cắt giảm nhân sự quy mô lớn. Tuy nhiên, ông McKellar nhận định việc này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn vì Singapore là trung tâm công nghệ của khu vực.

Các chuyên gia cũng đánh giá, làn sóng sa thải nhân sự công nghệ vừa qua chỉ mang tính thời điểm vì đây là giai đoạn điều chỉnh.

Ông Chris Kaptein, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Integra Partners của Singapore, cho rằng đối với các công ty công nghệ khởi nghiệp, đây còn là cơ hội để thu hút và giữ chân nhân tài, điều mà chỉ cách đây vài tháng họ đã không làm được.

Tuy nhiên, nhìn chung, nhân tài công nghệ trong khu vực vẫn khan hiếm và nhiều công ty đang chuyển sang tuyển dụng nhân sự làm việc từ xa để tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, họ cũng ưu tiên ký hợp đồng lao động với nhân sự công nghệ có thời hạn cố định, thường là một năm nhằm dễ xoay xở hơn nếu triển vọng tài chính bất ổn.

Theo báo cáo mới đây của Glints (Singapore), một trong những nền tảng việc làm lớn nhất Đông Nam Á, các công ty công nghệ đang có xu hướng chuyển sang tìm kiếm tài năng công nghệ hàng đầu ở Việt Nam và Indonesia. Họ muốn xây dựng một lực lượng lao động phi tập trung, chất lượng cao để tối ưu hóa hiệu suất và tiết kiệm chi phí.

Vốn đầu tư huy động suy giảm và rủi ro từ suy thoái kinh tế thế giới đã khiến các công ty công nghệ Đông Nam Á siết chặt ngân sách và sa thải bớt nhân sự. Làn sóng sa thải nhân sự này chỉ là điểm khởi đầu cho các kế hoạch cắt giảm nhân sự và tái cấu trúc tiếp theo. Đây là giai đoạn mang tính điều chỉnh để các công ty công nghệ cơ cấu lại tổ chức và lực lượng lao động, từ đó đề ra các chiến lược phát triển và kinh doanh bền vững trong tương lai thay vì chạy theo phát triển thị phần một cách nhanh chóng nhưng thiếu ổn định. Điều này cũng cho thấy, số hóa là một xu hướng lớn mang tính cấu trúc, có nghĩa là nhu cầu sẽ tiếp tục phục hồi theo thời gian, chỉ là tốc độ tăng trưởng có thể chậm hơn so với những gì diễn ra trong một hai năm qua mà thôi. Trong ngắn hạn, các trở ngại kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực vẫn tiếp tục gia tăng, do đó, năm 2023 có thể sẽ là một năm khó khăn nữa với các công ty công nghệ nhưng sẽ không kéo dài lâu bởi khu vực này được dự báo sẽ đón nhận tăng trưởng trong trung và dài hạn.

 

VI TRÂN

TNO