23/11/2024

Việt Nam trên đường thành cứ điểm sản xuất công nghệ

Việt Nam trên đường thành cứ điểm sản xuất công nghệ

Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) của Samsung tại VN chính thức đưa vào hoạt động cùng với sự hiện diện, mở rộng của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới cho thấy VN đang dần trở thành cứ điểm sản xuất công nghệ.

 

 

Cả phần cứng lẫn phần mềm đều tăng tốc

Với việc đưa vào hoạt động Trung tâm R&D tại Hà Nội, Samsung trở thành doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tiên xây dựng trung tâm riêng, chuyên về nghiên cứu phát triển có quy mô lớn. Lãnh đạo tập đoàn này khẳng định có kế hoạch nâng tầm vị thế của Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất toàn cầu để trở thành cứ điểm chiến lược về nghiên cứu và phát triển của Samsung trên toàn cầu.

Việt Nam trên đường thành cứ điểm sản xuất công nghệ - ảnh 1
Trung tâm R&D Samsung tại Việt Nam vừa được đưa vào hoạt động

Tính đến thời điểm hiện tại, 50% tổng sản lượng điện thoại di động cung cấp trên toàn thế giới của Samsung đang được sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Samsung cũng đang tiến hành phát triển và kiểm định phần mềm của thiết bị di động và Network tại Việt Nam.

Cụ thể, kế hoạch phát triển Trung tâm R&D tại Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển số một toàn cầu của Samsung là thông qua việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các trường đại học trong các lĩnh vực công nghệ then chốt của tương lai. Đó là nâng cao tính chuyên môn về nghiên cứu công nghệ cốt lõi của thiết bị di động (đa phương tiện, bảo mật); nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển đạt mức tự chủ trong các sản phẩm công nghệcông nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT)…, bên cạnh việc gia tăng hỗ trợ bồi dưỡng nhân lực công nghệ thông tin (IT) của Việt Nam.

Ngoài ra, thông qua Trung tâm R&D, Samsung hy vọng sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của lĩnh vực phần cứng (H/W), phần mềm (S/W) phù hợp với lĩnh vực IT tiên tiến và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, tập đoàn này đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7.2023 tại nhà máy Samsung Electro-Mechanics tại Thái Nguyên. Như vậy, sau khi Việt Nam trở thành một cứ điểm sản xuất các thiết bị di động chính của Samsung trên toàn cầu thì Trung tâm R&D sẽ là bước đầu để phát triển những công nghệ mới trong tương lai.

Sau khi thay đổi sản xuất MacBook, tất cả các sản phẩm chủ lực của Apple về cơ bản sẽ có thêm một địa điểm sản xuất ngoài Trung Quốc. Chẳng hạn iPhone ở Ấn Độ; trong khi MacBook, Apple Watch và iPad sẽ có thêm cơ sở sản xuất tại Việt Nam…

(Theo Nikkei Asia)

Không chỉ Samsung ngày càng mở rộng việc đầu tư, sản xuất tại Việt Nam mà đặc biệt là trong lĩnh vực phần mềm, theo tờ Nikkei Asia, Công ty Synopsys (Mỹ) cuối tháng 8 vừa qua thông báo sẽ đào tạo kỹ sư điện tại Việt Nam và hỗ trợ Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) thành lập trung tâm thiết kế chíp thông qua chương trình tài trợ phần mềm. Đây là một trong số ít các công ty Mỹ thống trị thị trường toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), hoặc phần mềm thiết kế chíp.

Tờ Nikkei Asia dẫn lời ông Robert Li, Phó chủ tịch phụ trách mảng bán hàng cho Synopsys tại Đài Loan và Nam Á, cho biết thông qua mối quan hệ đối tác với các công ty nước ngoài, Việt Nam có thể bắt đầu thiết kế các vi mạch tích hợp (IC), chẳng hạn như IC cho tủ lạnh, máy điều hòa không khí, và sau đó nâng cao chuỗi giá trị của toàn ngành.

Trong lĩnh vực phần mềm nói chung, Việt Nam đã có sự hiện diện của Công ty Intel Products Vietnam là nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới của Tập đoàn Intel. Việc Intel và giờ là Samsung (hai trong 3 nhà sản xuất chíp lớn nhất thế giới hiện nay) đầu tư sản xuất thiết bị, linh kiện bán dẫn tại Việt Nam được coi là bước tiến chưa từng có trong thu hút các DN FDI mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao.

Ngoài ra, một số DN khác cũng bắt đầu đặt chân đến Việt Nam, như đầu năm nay Công ty Amkor Technology (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận phát triển dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại Khu công nghiệp Yên Phong 2C (Bắc Ninh) với tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỉ USD. Công ty này sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn, cung cấp cho các đối tác chiến lược là những công ty điện tử hàng đầu như Qualcomm, Samsung, NVIDIA, Foxconn, Broadcom, LG, SK Hynix, và dự án dự kiến vận hành vào cuối năm 2023.

Trong khi đó, ở lĩnh vực phần cứng, mới đây, cũng theo Nikkei Asia, Tập đoàn Apple có kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất MacBook sang Việt Nam vào năm tới. Đây là chiến lược đa dạng hóa cơ sở sản xuất của tập đoàn này khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng công nghệ leo thang giữa Washington và Bắc Kinh. Cụ thể, Apple đã yêu cầu Công ty Foxconn của Đài Loan bắt đầu sản xuất MacBook tại Việt Nam sớm nhất là vào khoảng tháng 5.2023.

Việt Nam trên đường thành cứ điểm sản xuất công nghệ - ảnh 2
Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng trên toàn cầu của Tập đoàn Samsung THÙY LINH

Thúc đẩy công nghệ Việt Nam phát triển

Theo ông Đỗ Khoa Tân, Phó tổng thư ký Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn sản xuất phần cứng và nay là phần mềm nói chung, Việt Nam đã dần dần trở thành một cứ điểm sản xuất quan trọng trong ngành công nghệ cao. Trước đây Việt Nam đã là một mắt xích trong hoạt động sản xuất, lắp ráp sản phẩm từ laptop đến điện thoại di động, hàng điện tử… thì nay với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn trong sản xuất chíp và đến Trung tâm R&D của Samsung càng cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong mắt các tập đoàn nước ngoài. Trung tâm R&D sẽ tạo thuận lợi cho các ngành thiên về chất xám tăng tốc mạnh hơn như liên quan đến AI, Big Data, IoT…

Tương tự, cũng như sự có mặt của các công ty sản xuất về chíp, vi mạch thì nguồn nhân lực cho đến thị trường cũng sẽ được mở rộng. Sau giai đoạn bị dịch bệnh, đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng đã thúc đẩy nhanh việc dịch chuyển hoặc thay đổi lại cơ cấu sản xuất theo hướng không tập trung quá nhiều ở Trung Quốc như trước đây của nhiều tập đoàn. Trong đó, Việt Nam với môi trường kinh tế, chính trị, xã hội ổn định sẽ là một điểm được xem xét để lựa chọn.

Để biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất công nghệ, không chỉ thu hút DN FDI mà phải tập trung đầu tư, phát triển các đơn vị trong nước cả về số lượng lẫn chất lượng trong lĩnh vực này.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế

“Cả 2 mảng sản xuất, lắp ráp và nghiên cứu phát triển công nghệ cao cùng tăng tốc khẳng định Việt Nam ngày càng trở thành điểm thu hút hấp dẫn đối với các tập đoàn công nghệ lớn thế giới. Từ đó sẽ có thêm nhiều cơ hội để các DN trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Chính phủ vẫn cần tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để thu hút các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ cao; đưa ra các chương trình đào tạo chuyên sâu để sẵn sàng cung ứng nguồn nhân lực cho các tập đoàn. Bởi ở một số lĩnh vực như vi mạch thì nguồn nhân lực được đánh giá cao nhưng vẫn còn thiếu nhiều so với nhu cầu”, ông Đỗ Khoa Tân chia sẻ thêm.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nhận định, sự mở rộng hoạt động của các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Apple cho thấy Việt Nam đã có những bước tiến trong việc thu hút đầu tư công nghệ cao. Nhưng thật sự biến Việt Nam thành một cứ điểm sản xuất công nghệ hay trung tâm khoa học công nghệ phát triển để đưa kinh tế Việt Nam nói chung thoát bẫy thu nhập trung bình thì vẫn còn là một quá trình dài. Chẳng hạn, làm thế nào để có sự kết nối nhiều hơn từ Trung tâm R&D Samsung với các DN, nhà khoa học trong nước. Song song đó, thúc đẩy nhiều hơn nữa việc đầu tư tham gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ để DN Việt đáp ứng được yêu cầu để kết nối, tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn FDI. Từ đó việc chuyển giao khoa học công nghệ từ các tập đoàn FDI cho DN Việt mới có thể gia tăng nhiều hơn so với thời gian qua.

 

MAI PHƯƠNG

TNO