23/12/2024

Trường học ở TP.HCM gửi thư cho phụ huynh vì con ‘không được làm vua’

Trường học ở TP.HCM gửi thư cho phụ huynh vì con ‘không được làm vua’

Theo vở diễn trong giờ lịch sử về chế độ quân chủ, chỉ một học sinh được làm vua hoặc hoàng hậu còn các bạn khác làm thường dân. Nhà trường đã gửi một lá thư đến phụ huynh cho biết các con có thể về nhà với sự muộn phiền.

 

 

 

Trường học ở TP.HCM gửi thư cho phụ huynh vì con 'không được làm vua’ - ảnh 1
Trường học gửi thư nhắn với phụ huynh có thể con sẽ buồn phiền sau vở diễn làm vua (hoặc hoàng hậu)  ẢNH MINH HỌA SHUTTERSTOCK

Có những điều tưởng chừng rất nhỏ bé đến từ các thầy cô trong nhà trường, nhưng nó có thể đem lại những bài học lớn lao cho các học sinh và ngay cả các bậc làm cha mẹ. Câu chuyện được chị Trần Thiên Hương (tên nhân vật đã được thay đổi), phụ huynh một bé trai học lớp 4 tại một trường quốc tế tại TP.HCM chia sẻ với PV Thanh Niên.

 

Vở diễn trên lớp

Chị Trần Thiên Hương cho biết trò chơi mà con chơi ở trường đó là cùng tham gia vở diễn trong giờ lịch sử với chủ đề về cách thức hoạt động của những người đứng đầu thuộc chế độ quân chủ theo truyền thống.

Mỗi lớp sẽ tiến hành bốc thăm ngẫu nhiên, tìm ra một vị vua hoặc một vị hoàng hậu và 3 người thuộc dòng dõi quý tộc. Mọi người còn lại là thường dân.

Học sinh nào được làm vua sẽ được cho phép yêu cầu bạn thường dân làm một số điều mà bạn làm vua thích và trong quy định của trường.

Bên cạnh đó, học sinh được làm vua sẽ được thêm một số ưu tiên như đi thang máy và được các thầy cô đi kèm theo, vì thông thường thì các học sinh sẽ không được đi thang máy khi không có người lớn hoặc có phụ huynh đi kèm. Các bé được khuyến khích đi cầu thang bộ để tăng cường sức khỏe và an toàn khi đi một mình.

Đến bữa ăn trưa, bạn làm vua không cần phải xếp hàng và được chọn món mình thích trước nhất. Bạn làm vua chọn xong và ngồi bàn riêng, mới đến lượt các bạn học sinh làm thường dân được chọn món ăn…

 

Hiểu về lịch sử và bài học về sự công bằng

Chiều hôm đó, chị Hương cho hay chị đón con từ xe buýt thì thấy mắt con có vẻ buồn. Đợi về đến nhà, con mới rơm rớm nước mắt và kể với chị rằng con không thích trò chơi của trường hôm nay. Chị Hương có hỏi con một số câu về trò chơi, tại sao con thấy không vui… Bé trả lời rằng trò chơi đó không công bằng, nên nhờ mẹ chia sẻ lại với nhà trường là con không chơi trò này sau này nữa.

Khi được hỏi “có nhiều bạn không thích giống con không?”, cậu bé học sinh lớp 4 trả lời nhiều bạn đã thảo luận và cùng đồng ý với nhau là không thích vì không công bằng. Vào ngay thời điểm kết thúc trò chơi, các bé đã chia sẻ cảm xúc này với thầy cô hướng dẫn.

Chị Hương cho hay chị đã giải thích với con trai mục đích trò chơi là giúp con học môn lịch sử dễ hiểu hơn, con hiểu cảm nhận tốt hơn về các thể chế và thiết lập trật tự trong xã hội xưa và nay.

“Tôi cũng chia sẻ thêm với con là đôi lúc con sẽ thấy không công bằng trong một số hoàn cảnh nhất định. Tuy nhiên con nên linh hoạt và thay đổi cách nhìn nhận là hoàn cảnh đó giúp con trải nghiệm điều gì, rút ra kinh nghiệm thế nào. Nếu trải nghiệm không tốt và con không cảm thấy thoải mái thì sau này con nên tránh hoàn cảnh đó ra sao”, người mẹ nói.

 

“Các em có thể trở về nhà với sự muộn phiền”

Khi tâm sự những điều này với con trai, chị Hương chưa mở email và không hề hay biết, ngay khi con trai ngồi trên xe buýt để trở về nhà sau vở diễn tập về “làm vua”, nhà trường đã gửi cho chị một lá thư. Mấy ngày sau chị mới đọc được và thấy may mắn khi đã hiểu được trò chơi của các con và chia sẻ được với con được nhiều thông điệp.

Trường học ở TP.HCM gửi thư cho phụ huynh vì con 'không được làm vua’ - ảnh 2
Nội dung thư nhà trường gửi tới gia đình chị Hương (bản đã được dịch) ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Nội dung thư của nhà trường như sau:

“Hôm nay chúng tôi thực hiện một vở diễn tập với chủ đề về cách thức hoạt động của những người đứng đầu thuộc chế độ quân chủ theo truyền thống, mỗi lớp sẽ chọn ra một vị vua hoặc một vị hoàng hậu và 3 người thuộc dòng dõi quý tộc. Và mọi người còn lại là thường dân. Sau đó học sinh sẽ suy ngẫm và đưa ra ý kiến về sự thiếu công bằng từ chế độ trên.

Và cũng như đã đề cập ở trên, mọi sự lựa chọn đều được diễn ra ngẫu nhiên, nên một số học sinh đã phản ứng theo cảm xúc so với những mong đợi từ vở diễn. Chúng tôi muốn gửi lời này để quý vị phụ huynh có thể biết trước các em có thể về nhà với sự muộn phiền. Nếu các em có chia sẻ, phụ huynh vui lòng trò chuyện với các em về sự bình đẳng cũng như cách đối xử công bằng với tất cả mọi người”.

 

THUÝ HẰNG

TNO