24/01/2025

Sầu riêng xuất sang Trung Quốc tăng hơn 4.000%, Việt Nam được cấp thêm 37 mã

Sầu riêng xuất sang Trung Quốc tăng hơn 4.000%, Việt Nam được cấp thêm 37 mã

Trong tháng 10-2022, giá trị xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt gần 50 triệu USD, tăng hơn 4.000% so với cùng kỳ năm trước. Phía bạn cũng vừa cấp thêm 37 mã vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam.

 

 

 

Sầu riêng xuất sang Trung Quốc tăng hơn 4.000%, Việt Nam được cấp thêm 37 mã - Ảnh 1.

Sầu riêng được làm sạch để đóng gói xuất khẩu – Ảnh: T.VY

Sáng 23-12, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa chấp thuận thêm 32 mã số vùng trồng và 5 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ đáp ứng yêu cầu của nghị định thư và được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang nước bạn.

37 mã này nằm trong nhóm 49 mã số vùng trồng và 11 mã số cơ sở đóng gói được Trung Quốc yêu cầu cung cấp thêm tài liệu xác minh trong đợt đánh giá toàn diện trong lần đầu tiên.

Như vậy, đến nay Việt Nam được Trung Quốc cấp tổng cộng 113 mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, bởi hiện có khoảng 300 mã đang trong quá trình kiểm tra trực tuyến để hoàn thiện nốt thủ tục chờ Trung Quốc cấp phép.

“Nếu Trung Quốc chấp thuận tất cả, nguồn cung sầu riêng của Việt Nam cho nước bạn rất dồi dào. Do vậy, Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo người dân và địa phương không nên mở rộng diện tích nữa, mà cần tập trung duy trì mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, nâng cao hơn nữa chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm.

Thay vì tìm cách tăng diện tích, sản lượng, ngành hàng sầu riêng nên xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối” – đại diện Cục Bảo vệ thực vật nói.

Cục Bảo vệ thực vật cũng cam kết đơn giản hóa và hỗ trợ tối đa thủ tục hành chính về kiểm dịch thực vật cho doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu; kiểm soát, giám sát chặt chẽ khả năng đáp ứng yêu cầu kiểm dịch của vùng trồng, cơ sở đóng gói, cũng như chất lượng sầu riêng trước khi thông quan.

“Cục Bảo vệ thực vật lưu ý doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân về việc đảm bảo tinh thần hợp tác, hài hòa lợi ích giữa các bên trong việc quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, giúp nông sản Việt nói chung giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu” – Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh.

Xuất khẩu sầu riêng đang tăng rất mạnh kể từ sau khi có nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc.

Theo báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 10-2022, các mặt hàng rau quả có giá trị xuất khẩu cao nhất sang Trung Quốc bao gồm sầu riêng đạt 50 triệu USD, tăng 4.000% so với cùng kỳ năm 2021, thanh long đạt 33 triệu USD, giảm 25,9%; mít đạt 14,4 triệu USD, giảm 6,5%; chuối đạt 10,5 triệu USD, tăng 77,4%…

Như vậy, trong tháng 10, sầu riêng đã vượt qua thanh long để trở thành loại trái cây có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc.

Giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc trong tháng 10-2022 đạt 151,7 triệu USD, chiếm 49% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 64,4% so với tháng trước và tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,2 tỉ USD, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2021.

CHÍ TUỆ
TTO