23/12/2024

Học sinh thừa cân béo phì tại TP.HCM cao gấp đôi bình quân cả nước, tại sao?

Học sinh thừa cân béo phì tại TP.HCM cao gấp đôi bình quân cả nước, tại sao?

Sau 10 năm, học sinh thừa cân béo phì tại TP.HCM tăng từ 21,9% (năm 2009) lên 43,7% (năm 2019). Tỉ lệ học sinh TP.HCM thừa cân béo phì cao hơn hai lần so với cả nước.

 

 

 

Học sinh thừa cân béo phì tại TP.HCM cao gấp đôi bình quân cả nước, tại sao? - Ảnh 1.

Tỉ lệ học sinh thừa cân béo phì sau 10 năm trong nghiên cứu của ThS.BS Phạm Ngọc Oanh – Ảnh – MỸ DUNG

Số liệu được ThS.BS Phạm Ngọc Oanh – trưởng khoa dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM – báo cáo tại hội thảo “Vận động thể lực ở trẻ em và trẻ vị thành niên, vai trò và định hướng khuyến khích vận động” do Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức ngày 22-12. 

Nghiên cứu được thực hiện trên 33 trường học, trong đó có 10 trường tiểu học, 12 trường THCS và 11 trường THPT, với hơn 12.000 học sinh cân bằng về độ tuổi, giới tính cũng như khu vực sinh sống nội, ngoại thành TP.HCM.

 

Học sinh tiểu học thừa cân béo phì nhiều nhất

Cụ thể, năm 2009, tỉ lệ học sinh thừa cân béo phì bậc tiểu học ở TP.HCM là 38,5% thì năm 2019 con số đó là 56,9%. 

Bậc THCS năm 2009 có tỉ lệ học sinh thừa cân béo phì ở mức 15,7%, năm 2019 tăng vọt lên 41,9%.

Bậc THPT năm 2009 tỉ lệ học sinh thừa cân béo phì là 9,4%, năm 2019 tăng lên 25,3%. 

Con số chung về tỉ lệ học sinh thừa cân béo phì tại TP.HCM từ 21,9% ở tất cả các bậc học năm 2009 tăng lên mức 43,7% vào năm 2019.

Cũng theo nghiên cứu này, so với 10 năm trước tỉ lệ học sinh TP.HCM suy dinh dưỡng thấp còi giảm từ mức 7,5% xuống 2,8% trong cả ba cấp học tiểu học, THCS, THPT. 

Tương tự, tỉ lệ học sinh suy dinh dưỡng gầy còm ở TP.HCM cũng giảm từ 6,8% vào năm 2009 đến 2019 chỉ còn mức 2,5%.

Học sinh thừa cân béo phì tại TP.HCM cao gấp đôi bình quân cả nước, tại sao? - Ảnh 2.

ThS.BS Phạm Ngọc Oanh chụp ảnh với học sinh TP.HCM trong một lần đến trường thực hiện nghiên cứu – Ảnh: MỸ DUNG

“Đây là một nghiên cứu trên số lượng lớn học sinh ở tất cả các cấp học để đánh giá lại tình trạng dinh dưỡng học sinh các bậc học sau 10 năm, và được thực hiện trước dịch COVID-19 trong thời gian từ năm 2019 đến 2020. 

Nghiên cứu này cho thấy học sinh tiểu học thừa cân béo phì nhiều hơn, học sinh nam béo phì nhiều hơn học sinh nữ và tỉ lệ này ở nội thành nhiều hơn ngoại thành. Tại Mỹ, hiện có khoảng 18,8% trẻ từ 2-19 tuổi bị béo phì, tại Trung Quốc khoảng 19,4% trẻ 7 đến 18 tuổi bị béo phì. 

Nghiên cứu này cho thấy tỉ lệ học sinh TP.HCM thừa cân béo phì rất đáng báo động. Vì thế cần có sự phối hợp giữa các ban ngành nhằm hạn chế sự gia tăng tình trạng thừa cân béo phì trong học sinh”, ThS.BS Phạm Ngọc Oanh khuyến cáo.

 

Do vận động quá ít

PGS.TS.BS Tăng Kim Hồng – phó trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch – cho biết theo dõi học sinh tiểu học, THCS, THPT tại TP.HCM trong một nghiên cứu 5 năm thì thấy học sinh TP.HCM vận động quá ít.

Cụ thể, chỉ có 26,1% học sinh THPT tham gia vận động thể lực ít nhất 60 phút mỗi ngày trong 7 tuần. Trung bình 51,7% học sinh THPT tham gia các lớp học thể dục mỗi tuần. Chỉ có 29,9% học sinh THPT tham gia các lớp học thể dục hằng ngày. 

Đối với học sinh THCS tại TP.HCM, lớp 6 có 30,7% học sinh không vận động, lớp 7 có 24,4% học sinh không vận động, lớp 8 là 30,9% và lớp 9 là 34,9% học sinh không vận động. 

Trong khi đó, trẻ mẫu giáo TP.HCM đạt tỉ lệ vận động (trước dịch) theo khuyến nghị về vận động thể lực chỉ đạt 18%, thời gian tĩnh dành cho laptop, điện thoại đến hơn 40%.

“Béo phì ở trẻ em góp phần gây ra béo phì ở người trưởng thành và tim mạch sau đó. Thiếu vận động thể lực là yếu tố nguy cơ chính gây béo phì, rối loạn chức năng nội mô, nhất là gây ra bệnh xơ vữa động mạch sớm”, BS Tăng Kim Hồng thông tin tại hội thảo.

Vận động ít, vận động không đủ còn gây ra hội chứng chuyển hóa với các hội chứng như béo bụng, insulin, chỉ dấu viêm… Và các nghiên cứu cũng cho thấy có mối liên quan to lớn giảm thừa cân béo phì nếu số ngày vận động thể lực trong tuần của mỗi người tăng lên.

Theo đánh giá của thạc sĩ Nguyễn Kim Phượng – nghiên cứu sinh của Đại học Deakin (Úc), giờ học giáo dục thể chất của học sinh Việt Nam được thiết kế rất ít trong nhà trường. 

Vì thế, để cải thiện hoạt động thể chất, vận động của học sinh, và sau giờ học, tăng cường các hoạt động thể chất trong cộng đồng.

 

Hạn chế thời gian dùng điện thoại, máy tính

“Học sinh cần vận động thể lực cường độ vừa đến nặng suốt tuần ít nhất 60 phút mỗi ngày và tham gia các vận động tăng cường cơ xương ít nhất ba tuần một lần. Trẻ cần hạn chế thời gian dành cho các hoạt động tĩnh tại (như chơi máy tính, điện thoại) dưới hai giờ mỗi ngày. Bởi vì càng có nhiều hoạt động tĩnh tại, trẻ càng dễ có những vấn đề về sức khỏe như tăng tích tụ mỡ, hoạt động chuyển hóa cơ thể kém đi, thời gian ngủ giảm”, PGS.TS.BS Tăng Kim Hồng cho biết.

MỸ DUNG
TTO