23/11/2024

Đừng biến đề kiểm tra môn văn thành cơn ác mộng với học sinh

Đừng biến đề kiểm tra môn văn thành cơn ác mộng với học sinh

Học sinh đang bước vào kỳ kiểm tra học kỳ 1. Với môn ngữ văn, qua quan sát, còn có những đề kiểm tra gây khó, vượt quá tầm và yêu cầu cần đạt của chương trình mới.

 

Học một đằng thi một nẻo

Học sinh (HS) lớp 10 năm nay là lứa HS đặc biệt, bởi các em là thế hệ giao thời, lớp 9 học theo sách giáo khoa cũ, chương trình cũ, lên lớp 10 học sách giáo khoa mới, chương trình mới. Đây cũng là lứa HS đầu tiên ở bậc THPT học theo chương trình GDPT 2018.

Ở năm đầu tiên này, giáo viên (GV) nên cẩn thận và cân nhắc trong cả việc dạy học lẫn kiểm tra đánh giá, để tránh gây hoang mang cho HS. Đặc biệt là trong bài kiểm tra học kỳ 1, “kỳ thi lớn” đầu tiên của các em. Thế nhưng, tình trạng ra đề kiểm tra đánh đố, mơ hồ, phi lý vẫn còn diễn ra.

Đừng biến đề kiểm tra môn văn thành cơn ác mộng với học sinh - ảnh 1
Học sinh lớp 10 trong giờ học ngữ văn theo chương trình giáo dục phổ thông mới ĐÀO NGỌC THẠCH

Với tinh thần chương trình mới, việc kiểm tra đánh giá không chỉ để ra điểm, mà quan trọng hơn là có những phản hồi kịp thời về năng lực của người học, điều chỉnh việc dạy và học tốt hơn. Trên tinh thần đó, đề kiểm tra phải bám vào yêu cầu cần đạt của chương trình, học cái gì, kiểm tra cái đó.

Đã qua rồi cái thời GV có thể ngồi chờ cảm hứng và ra đề một cách tự do. Yêu cầu cần đạt của chương trình là pháp lệnh, là mức độ tối thiểu người học cần đạt được để có thể lên lớp. Vì vậy, đề kiểm tra cần hướng đến các yêu cầu cần đạt này và đảm bảo đúng mức độ tư duy mà chương trình quy định. Tránh trường hợp tự ý tăng độ khó, tăng mức độ tư duy, gây khó dễ cho HS.

Một điểm mới trong quy định về kiểm tra đánh giá khi dạy theo chương trình mới, đó là ngữ liệu kiểm tra đọc hiểu phải là văn bản mới, nằm ngoài tất cả các bộ SGK hiện hành. Ngữ liệu mới nhưng không có nghĩa là GV tùy tiện muốn hỏi gì thì hỏi. Ngữ liệu mới, nhưng cách hỏi phải đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.

Chẳng hạn, nhiều trường chọn kiểm tra kỹ năng đọc hiểu văn bản thông tin ở cuối học kỳ 1. Vậy, trước khi ra đề, tổ bộ môn phải xem lại văn bản chương trình ngữ văn 2018 mục Văn bản thông tin (trang 62) và xét xem sẽ kiểm tra yêu cầu cần đạt nào về đọc hiểu hình thức, đọc hiểu nội dung, đọc liên hệ, so sánh, kết nối… để soạn ma trận. Văn bản là mới, nhưng những kỹ năng HS cần có để giải quyết các câu lệnh phải là những gì các em đã được học, dù là bộ sách giáo khoa nào. Và như vậy, những câu hỏi đọc hiểu phải đáp ứng được yêu cầu này.

Hiện nay có tình trạng đề ra văn bản thông tin nhưng không hề hỏi gì về các yêu cầu cần đạt liên quan đến văn bản thông tin. Một số trường ra lại các kiến thức ở năm lớp 8, lớp 9 (không liên quan đến các yêu cầu cần đạt của lớp 10). Cách ra đề này là vi phạm việc thực thi chương trình và làm khó cho HS. Chẳng trách HS hoang mang, vì “học một đằng, thi một nẻo”.

Đừng biến đề kiểm tra môn văn thành cơn ác mộng với học sinh - ảnh 2
Một đề kiểm tra cuối kỳ 1 môn ngữ văn lớp 10 tại TP.HCM mà học sinh, phụ huynh cho là quá dài, có phần hơi khó với học sinh PHỤ HUYNH HỌC SINH CUNG CẤP

Không đảm bảo nguyên tắc vừa sức

Về phần tập làm văn, khi ra kiểu bài văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề, đặc sắc nghệ thuật của một bài thơ (tức là cho một bài thơ HS chưa từng được học, yêu cầu HS phân tích), thì càng cần ưu tiên tính vừa sức khi chọn ngữ liệu.

Thật sự ngỡ ngàng khi GV yêu cầu HS lớp 10 phải tự phân tích các bài Thơ mới mang màu sắc tượng trưng, siêu thực mà không hề có một sự hướng dẫn hay định hướng nào. Những bài thơ mà ngay cả nhà nghiên cứu, phê bình cũng phải mất thời gian ngẫm nghĩ, nghiền ngẫm nhiều ngày mới cắt nghĩa được. Nay thầy cô bắt học trò lớp 10 làm trong một ngày, hai ngày, đòi hỏi phải viết “đúng ý tác giả”, thì học trò làm như thế nào? Đây không phải là lỗi của chương trình, mà chính là lỗi của thầy cô khi không đảm bảo nguyên tắc vừa sức khi dạy học.

Trong quá trình bồi dưỡng GV, nhiều GV không phân biệt được giữa tự đọc, tự cắt nghĩa một bài thơ với đọc bài bình giảng, phê bình của người khác rồi nói lại.

 

Cẩn thận với kiểu ra đề “đu trend, hóng hớt sự kiện”

Về chọn ngữ liệu đọc hiểu, nguyên tắc quan trọng nhất là: đảm bảo tính khoa học, vừa sức, giáo dục và tính thẩm mỹ. Trong đó, tính giáo dục tính thẩm mỹ giúp GV loại trừ các văn bản có nội dung phản cảm, gây tâm lý tiêu cực cho HS. Mà các đề văn kiểu “đu trend, hóng hớt sự kiện” thì rất dễ rơi vào trường hợp phản cảm, phản thẩm mỹ, phản giáo dục.

Trước đây, khi dạy Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), tôi đã đọc rất kỹ các bài phân tích của thầy Chu Văn Sơn, học hỏi ý của thầy và diễn đạt lại bằng ngôn từ của mình. Nhưng dù có vậy, qua hàng trăm giờ giảng, dù đã thành quen, thì những điều mình giảng không phải kết quả đọc của mình mà vẫn là tinh hoa, trí tuệ của thầy. Vậy các GV yêu cầu học trò của mình tự phân tích một bài thơ khó thì liệu rằng đã công bằng và hợp lý với học trò của mình chưa?

Có GV sợ cho đề theo chương trình mới thì dễ quá, HS điểm cao quá nhưng nếu làm đúng theo ma trận và đúng tinh thần kiểm tra, đánh giá năng lực nếu HS điểm cao là do nỗ lực chứ không thể có chuyện “mưa điểm 10”.

Thực hiện chương trình mới, rất nhiều điều khó khăn đã đặt ra. Nhưng đây cũng là thời điểm quan trọng để mỗi GV tự nhìn lại về năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của mình với nghề.

 

Thạc sĩ Trần Lê Duy

(Giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

TNO