24/01/2025

Một triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL phải giúp nông dân khá lên

Một triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL phải giúp nông dân khá lên

Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL đặt mục tiêu chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh, đặc biệt phải nâng cao được thu nhập cho người nông dân.

 

 

Liên kết HTX và doanh nghiệp

Chiều 19.12, tại Kiên GiangBộ NN-PTNT tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (Đề án). Theo Bộ NN-PTNT, Đề án có mục tiêu là chuyển đổi sản xuất lúa theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh, từ đó nâng cao giá trị, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Một triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL phải giúp nông dân khá lên - ảnh 1
Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao vùng ĐBSCL đặt mục tiêu nâng cao giá trị, nâng cao thu nhập cho người nông dân ĐÌNH TUYỂN

Thông tin tại hội thảo cho biết, những năm gần đây, sản lượng lúa sản xuất tại ĐBSCL ổn định khoảng 24 – 25 triệu tấn. Mặc dù từ năm 2010 – 2021, diện tích gieo trồng lúa của vùng giảm nhưng sản lượng không giảm, thậm chí có mức gia tăng đáng kể. Trong đó, vụ lúa chính đông xuân năng suất đạt bình quân hơn 7 tấn/ha, cao nhất trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, để duy trì năng suất lúa lâu dài đòi hỏi phải có sự chuyển đổi bền vững hơn.

Có 4 vấn đề chính của Đề án được thảo luận tại hội thảo, đó là: tăng giá trị sản xuất lúa từ giảm phát thải khí nhà kính, làm nguyên liệu phát triển năng lượng xanh, đồng thời tổ chức sắp xếp lại sản xuất và đảm bảo công bằng xã hội, quan tâm đến hộ nghèo, phụ nữ và bình đẳng giới.

PGS-TS Bùi Bá Bổng, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng để thực hiện thành công Đề án, mấu chốt là tổ chức lại sản xuất, liên kết với doanh nghiệp và các hợp tác xã (HTX). “Chúng ta có rất nhiều HTX và một trong những nhiệm vụ của HTX là liên kết trong dân với nhau, vì vậy đầu tiên cần phải củng cố được mạng lưới sản xuất này để xây dựng vùng nguyên liệu. Có những vùng nguyên liệu tốt sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động doanh nghiệp tham gia”, PGS-TS Bùi Bá Bổng nói.

 

Cơ hội cho nông nghiệp sạch, tuần hoàn

Các ý kiến trong hội nghị cũng đồng quan điểm, những vùng lúa chất lượng cao sẽ phải áp dụng các quy trình canh tác bền vững hơn, sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giống… Qua đó góp phần vào thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Chính phủ tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26) năm 2021.

Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia nông nghiệp cao cấp của Ngân hàng thế giới, cho rằng thực tế hiện nay trồng lúa là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất trong ngành nông nghiệp, với lượng phát thải khoảng 49,6 triệu tấn COmỗi năm. Tuy nhiên, qua nghiên cứu về sử dụng đất nông nghiệp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL cho thấy, có thể giảm 12 – 23 triệu tấn CO2 bằng việc thúc đẩy canh tác thích ứng biến đổi khí hậu và thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thay thế đất trồng lúa kém hiệu quả bằng hệ thống canh tác thông minh với khí hậu, giảm thất thoát sau thu hoạch và quản lý rơm rạ tốt hơn.

Một triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL phải giúp nông dân khá lên - ảnh 2
Vùng chuyên canh chất lượng cao đặt yêu cầu đầu tiên là phải giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra đa giá trị gồm đảm bảo an ninh lương thực, tăng chất lượng hạt gạo, tăng thu nhập cho nông dân  ĐÌNH TUYỂN

Bà Lê Hoàng Đài Trang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gavi (chuyên liên kết với nông dân sản xuất, xuất khẩu gạo hữu cơ, làm phân bón hữu cơ theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn), cho biết công ty đặc biệt quan tâm và sẵn sàng tham gia Đề án. Bởi 4 năm qua, công ty đã thử nghiệm mô hình nông nghiệp tuần hoàn và cho kết quả rất tốt khi sản xuất lúa tận dụng được nguồn phế phụ phẩm từ đồng ruộng, chăn nuôi; phế phẩm từ nhà máy thủy sản, nhà máy chế biến nông sản để sản xuất phân bón hữu cơ.

Bà Trang cho rằng, cùng với việc sản xuất lúa theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh, nếu khai thác tốt 160 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp hằng năm của cả nước sẽ có 40 triệu tấn phân bón hữu cơ vi sinh. Đây là con số rất lớn khi biết rằng nhu cầu phân bón hiện hữu của cả nước chỉ khoảng 11 triệu tấn/năm. “Có thể nói, nông nghiệp tuần hoàn sẽ là hướng đi có thể giúp nông dân tự chủ về phân bón, giảm thiểu rủi ro vào nguồn cung phân bón hóa học từ nước ngoài, giảm bớt chi phí đầu vào. Đồng thời giúp giảm thiểu những tác động về môi trường, thoái hóa đất, giảm phát đáng kể thải khí nhà kính so với phân bón hóa học…”, bà Trang nói.

Một triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL phải giúp nông dân khá lên - ảnh 3
Mô hình lúa hữu cơ liên kết giữa nông dân và Công ty CP Gavi tại Bạc Liêu đang vào vụ thu hoạch Y.TR

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cũng cho rằng Đề án cần xác định tiêu chí lúa chất lượng cao là phải thơm, ngon, đặc biệt an toàn. Cần phải có một mô hình liên kết doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm, nông dân sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp. Cùng với đó là có chính sách cho doanh nghiệp vay vốn để cung ứng đầu vào, thu mua lúa, đầu tư máy sấy…

Một triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL phải giúp nông dân khá lên - ảnh 4
Nếu xây dựng được 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao có thể làm ra trên 12 triệu tấn lúa/năm ĐÌNH TUYỂN

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN-PTNT thực hiện Đề án này với nhiều kỳ vọng. Đặc biệt, tại COP26, Việt Nam đã cam kết giảm lượng phát thải bằng không vào năm 2050. “Đối với ngành nông nghiệp, đây là dự án khởi đầu cho chương trình giảm phát thải, bắt đầu từ cây lúa. Đây cũng là bước đột phá thay đổi tư duy sản xuất, tập quán sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn, đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh”, ông Nam nói và cho rằng “chất lượng cao” trong Đề án này phải hiểu rộng hơn. Không phải là cung ứng một lượng gạo chất lượng an toàn, giá trị cao mà còn đảm bảo sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng…

“Vùng lúa chất lượng cao phải đảm yếu tố đầu tiên là giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra đa giá trị gồm đảm bảo an ninh lương thực, tăng chất lượng với lúa dinh dưỡng, hữu cơ tốt cho sức khỏe; tận dụng làm nguyên liệu cho năng lượng tái tạo, nông nghiệp tuần hoàn… Đặc biệt là nâng cao giá trị, thu nhập của nông dân”, ông Nam nói. Hiện tại ĐBSCL có 1,6 triệu ha lúa chuyên canh. Nếu xây dựng được 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao có thể làm ra trên 12 triệu tấn lúa/năm, tương đương khoảng 7 triệu tấn gạo.

 

ĐÌNH TUYỂN – XUÂN LAN

TNO