24/12/2024

Xuất khẩu kỷ lục nhưng năm mới lại lo thiếu đơn hàng

Xuất khẩu kỷ lục nhưng năm mới lại lo thiếu đơn hàng

Tình hình kinh tế thế giới biến đổi nhanh chóng khiến niềm vui xuất khẩu tăng mạnh của nhiều doanh nghiệp sớm phải nhường chỗ cho nỗi lo thiếu đơn hàng.

 

 

Bức tranh của nhiều doanh nghiệp (DN) lúa gạo, thủy sản và rau quả… ở ĐBSCL hiện tại với đầu năm có sự đối lập mạnh mẽ. Một số ngành đầu năm thuận lợi thì giờ khó khăn và ngược lại.

Gạo tăng, tôm cá giảm sâu

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho biết công ty liên tục có đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường cao cấp như EU, Úc hay Trung Đông… kéo dài từ đây cho đến tháng 3.2023. Trong đó, giá gạo 5% tấm xuất khẩu lên tới 472 – 482 USD/tấn, cao hơn giá bình quân khoảng 20 – 30 USD/tấn; các loại gạo thơm từ 800 – 900 USD/tấn, tùy loại. Điều này cũng tương tự với các DN xuất khẩu trái cây, nhất là sầu riêng và bưởi vẫn dồn dập đơn hàng đi Mỹ và Trung Quốc. Đây là những điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh có nhiều khó khăn.

Xuất khẩu kỷ lục nhưng năm mới lại lo thiếu đơn hàng - ảnh 1
Chế biến xuất khẩu thủy sản tăng trưởng âm ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngược lại, những ngành đầu năm nay xuất khẩu tăng mạnh thì cuối năm lại đối mặt với tình trạng hoạt động ảm đạm do thiếu đơn hàng. Đầu tiên phải kể đến là xuất khẩu thủy sản. Ngành này vừa ăn mừng thành tích kim ngạch đạt hơn 10 tỉ USD từ tháng 1 – 11, lần đầu tiên lập kỷ lục dù năm 2022 phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thế nhưng, cũng trong tháng 11, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 780 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là lần đầu tiên trong năm nay tăng trưởng xuất khẩu ở mức âm. Các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm sâu từ 20 – 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex) ở Sóc Trăng, cho biết: “Năm 2022, chúng tôi chỉ mất 10 tháng đã hoàn thành doanh số của cả năm. Tuy nhiên, những tháng cuối năm là mùa cao điểm sản xuất và xuất khẩu thì lại rất khó khăn. Dự báo tình trạng này còn kéo dài qua năm 2023 khi ở thời điểm hiện tại, các hợp đồng gối đầu theo thông lệ khách hàng vẫn e dè yêu cầu chờ đợi kết quả tiêu thụ đợt noel, năm mới”.

Theo Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe, khó khăn lớn nhất của ngành thủy sản hiện nay là thiếu đơn hàng vào ngay mùa cao điểm tiêu thụ. Việc phục hồi như thế nào là rất khó nói trước vì còn phụ thuộc vào triển vọng của nền kinh tế trong tương lai, nhưng khả năng cao là tình trạng thiếu hụt đơn hàng tiếp tục kéo dài đến hết quý 1/2023.

 

Nhiều lĩnh vực hoạt động cầm chừng

Ngành chế biến xuất khẩu hạt điều thì đối mặt với khó khăn kéo dài suốt cả năm 2022. Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Tanimex (Long An), chia sẻ cuối năm là thường dịp kinh doanh cao điểm của các DN điều, nhưng năm nay thị trường gần như không có gì biến động, nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường Mỹ, EU… giậm chân tại chỗ. Nhiều DN điều ở Bình Dương, Bình Phước phải đóng cửa ngừng hoạt động. Theo Hiệp hội Điều VN (Vinacas), hết tháng 11.2022, xuất khẩu hạt điều của VN ước tính đạt 505.000 tấn, trị giá trên 3 tỉ USD, giảm 5% về lượng và giảm 10% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành điều được giao từ đầu năm là 3,8 tỉ USD, sau đó Vinacas đã đề xuất giảm xuống còn 3,2 tỉ USD nhưng thực tế đến nay vẫn chưa đạt được mức sau điều chỉnh.

Có hoàn cảnh tương tự với ngành điều là ngành chế biến gỗ. Những ngày cuối năm, tại Công ty TNHH Hoàng Hưng (ở khu công nghiệp Phú Tài, Bình Định) không sôi động như mọi năm. Trước đây, vào dịp cuối năm công nhân vẫn bận rộn tăng ca, làm thêm giờ để kịp đơn hàng xuất đi châu Âu và chuẩn bị cả đơn hàng cho năm sau. Nhưng năm nay, hàng tồn còn nhiều, đơn hàng của năm sau chưa ký được, DN phải sản xuất cầm chừng, thậm chí cắt giảm nhân công.

 

Công ty của tôi chủ yếu xuất khẩu giày sang thị trường EU, nhưng do ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường này giảm hẳn. Tình hình hiện nay rất khó khăn, công nhân phải làm giãn cách, không còn tăng ca như trước nên thu nhập cũng giảm, nhiều lao động không trụ nổi chi phí tại TP.HCM nên đã chủ động xin nghỉ việc.

Ông Trần Thế Linh (Chủ tịch HĐQT Công ty Giày Viễn Thịnh)

Ông Lê Minh Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hưng, cho biết năm nay, người dân các nước châu Âu và Mỹ hạn chế chi tiêu nên sản lượng xuất khẩu giảm sâu. “Tồn kho rồi lạm phát tăng cao, sức mua ở các thị trường giảm sút cộng với hàng tủ bếp đang bị điều tra về thuế. Khó khăn có thể kéo dài đến quý 2/2023 thị trường gỗ chịu sức ép giảm sút khoảng 50%. Các DN phải làm cầm chừng, lực lượng công nhân thì ưu tiên những người đóng bảo hiểm xã hội còn lại buộc lòng phải cho nghỉ”, ông Lê Minh Thiện nói.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN (Viforest) Đỗ Xuân Lập, hiện nhiều DN vẫn chưa có đơn hàng cho năm 2023, trong khi hàng tồn kho còn nhiều, phải hạn chế sản xuất, cắt giảm nhân công. Ngành gỗ năm nay vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu theo chỉ tiêu đặt ra, tuy nhiên đó là do tăng trưởng vào những tháng đầu năm và sự tăng giá của các mặt hàng viên nén gỗ, dăm gỗ… Hiện tại, những mặt hàng này cũng đang bắt đầu chững lại, không còn mức giá cao hấp dẫn như trước nữa.

 

CHÍ NHÂN – QUANG THUẦN

TNO