25/12/2024

Mục tiêu 1 triệu hecta gạo chất lượng cao ở miền Tây

Mục tiêu 1 triệu hecta gạo chất lượng cao ở miền Tây

Việt Nam là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm đề án phát triển một triệu hecta lúa gạo chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long.

 

 

 

Mục tiêu 1 triệu hecta gạo chất lượng cao ở miền Tây - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Minh Tuấn – phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (bìa trái) – thăm gian hàng đặc sản của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bến Tre – Ảnh: BỬU ĐẤU

Ngày 20-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức 3 thảo luận khởi nghiệp về “chuyển đổi chuỗi lúa gạo, thủy sản và trái cây ở Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới hiện đại, bền vững và phát thải thấp” đã thu hút 350 doanh nghiệp.

Tại phiên thảo luận về “chuyển đổi chuỗi lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Lê Thanh Tùng – phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết ngành hàng lúa gạo hiện nay đang gặp phải nhiều thách thức về sản lượng, biển đối khí hậu và lợi nhuận trong bối cảnh khó khăn, lạm phát tăng… 

Việt Nam là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Do đó, bộ đang làm đề án phát triển một triệu hecta lúa gạo chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long. 

“Lúa gạo bây giờ không còn là nông sản nữa mà trở thành loại hàng hóa mang tính chất chính trị, mang tính chất xã hội, kinh tế và mục tiêu để tạo nhiều sinh kế cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Tùng nói.

Nhiều đại biểu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng trăn trở sản xuất lúa gạo có hiệu quả thấp nhưng phát thải cao; lượng giống sử dung cao và lạm dụng hóa chất nông nghiệp. 

Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu rõ chuỗi giá trị như thế nào, tham gia khâu nào và nếu hợp tác doanh nghiệp sẽ ra sao…

Mục tiêu 1 triệu hecta gạo chất lượng cao ở miền Tây - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Duy Thuận – tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời – phát biểu tại buổi thảo luận chuyển đổi lúa gạo bền vững Đồng bằng sông Cửu Long – Ảnh: BỬU ĐẤU

Là doanh nghiệp đầu tàu ngành lúa gạo, ông Nguyễn Duy Thuận – tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời – cho hay Lộc Trời sẽ đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nếu có ý tưởng thì sẽ nhận được hỗ trợ vốn, máy móc, công nghệ và thị trường từ Lộc Trời hỗ trợ đối với các ý tưởng trong chuỗi giá trị lúa gạo.

“Lộc Trời đưa cơ chế trong chuỗi giá trị lúa gạo. Nếu doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nào tham gia thì Lộc Trời sẽ tạo điều kiện để sử dụng tài nguyên của Lộc Trời. Đồng thời sẵn sàng hỗ trợ thị trường đang có. 

Trong chuỗi này, Lộc Trời sẽ hỗ trợ tất cả từ vốn, công nghệ, máy móc, thiết bị… sau đó sẽ lấy 30%. Còn lại giao lại doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư theo năng lực, sở trường”, ông Thuận nói.

Mục tiêu 1 triệu hecta gạo chất lượng cao ở miền Tây - Ảnh 4.

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa gạo lớn nhất nước khi xuất khẩu gần 7 triệu tấn gạo/năm nhưng thu nhập của người nông dân trồng lúa còn bấp bênh – Ảnh: BỬU ĐẤU

Phát biểu kết luận, ông Trần Anh Thư – phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang – cho biết giải quyết việc làm cho 15 triệu người nông dân tham gia trong sản xuất lúa gạo trực tiếp và gián tiếp là câu chuyện không thể dừng được. 

Bởi sản xuất lúa gạo, đặc biệt là thu nhập của người nông dân trồng lúa đang có thu nhập thấp nhất trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Nếu so với những lĩnh vực khác thì sản xuất lúa gạo thấp hơn 30 – 40%. 

Vì người nông dân tham gia sản xuất lúa gạo đang đứng trước nhiều áp lực, thách thức là vấn đề về sản xuất ngày càng khó khăn do biến đổi khí hậu, lạm dụng thuốc, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón…

“Thời gian qua, chúng ta ít quan tâm phụ phẩm như rơm rạ, phụ phẩm của ngành hàng lúa gạo. Ít ai biết những sản phẩm này lại là lợi nhuận chính vào tăng thêm. 

Chúng ta cần tận dụng các phụ phẩm trong cái chuỗi lúa gạo, qua thu hoạch rơm rạ trên đồng ruộng và sử dụng các sản phẩm phụ khác, đặc biệt là phát triển xanh giảm khí thải nhà”, ông Thư nói.

BỬU ĐẤU
TTO