‘Mặt trận khốc liệt’ khác đằng sau chiến sự ở Ukraine
‘Mặt trận khốc liệt’ khác đằng sau chiến sự ở Ukraine
Giới phân tích cho rằng những thiệt hại về kinh tế của Ukraine dẫn đến việc gia tăng chi phí của Mỹ và đồng minh, được cho là nỗ lực của Moscow khiến phương Tây từ bỏ hỗ trợ Kyiv.
Một cửa hiệu thực phẩm vắng khách trong lúc bị mất điện tại thành phố Lviv ở Ukraine hôm 15.12 AFP |
Suốt hơn 2 tháng dùng tên lửa và máy bay không người lái tấn công, Nga đã gây thiệt hại lớn đối với hạ tầng trọng yếu và khiến mọi dự báo về thiệt hại kinh tế của Ukraine đều tăng vọt.
Theo tờ The Washington Post, dù Moscow khẳng định động thái trên nhằm vào tiềm lực quân sự của Ukraine, giới quan sát cho rằng đây còn là một “mặt trận” mà Moscow tập trung nhằm khiến phương Tây từ bỏ vì hỗ trợ Kyiv quá tốn kém.
Viễn cảnh nguy cấp
Trước đợt Nga ồ ạt nhằm vào hạ tầng, dự báo Kyiv cần ít nhất 55 tỉ USD viện trợ nước ngoài trong năm tới cho những chi tiêu cơ bản, nhiều hơn toàn bộ chi tiêu hằng năm của nước này trước chiến sự.
Giờ đây, Ukraine có thể cần thêm 2 tỉ USD/tháng, và giới lãnh đạo chính trị bắt đầu cố gắng kêu gọi sự hỗ trợ của phương Tây nhằm đối phó khả năng rơi vào bối cảnh xấu nhất.
“Bạn có thể làm gì khi bạn không thể sưởi ấm nhà, điều hành cửa hiệu, nhà máy…, và nền kinh tế của bạn không hoạt động? Chúng tôi sẽ cần thêm viện trợ tài chính, và ông (Vladimir) Putin đang làm điều này để hủy hoại sự thống nhất giữa các đồng minh”, theo ông Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Tại cuộc họp kín vào tuần trước ở trụ sở Ngân hàng Quốc gia Ukraine, các quan chức thắc mắc điều gì có thể xảy ra nếu Nga tăng cường tấn công. Người dân có thể ra nước ngoài ồ ạt, mang theo tiền, với nguy cơ làm sụp đổ đồng nội tệ nếu họ tìm cách đổi sang euro hay USD.
Chính phủ Ukraine có thể sẽ không còn dự trữ ngoại tệ để chi trả cho những khoản nhập khẩu trọng yếu và không thể tuân thủ trách nhiệm nợ nước ngoài, viễn cảnh đen tối được gọi là khủng hoảng cân bằng chi trả.
Một viễn cảnh nguy cấp được dự báo là nền kinh tế Ukraine sẽ giảm thêm 5% trong năm tới, sau khi giảm 33% trong năm nay.
Nhất cử, lưỡng tiện
Trong khi Tổng thống Putin tiếp tục chiến dịch sang tháng thứ 10, sự tồn vong của Ukraine lệ thuộc vào viện trợ kinh tế ở mức độ cũng không kém viện trợ quân sự. GIới chuyên môn cho rằng Moscow dường như cố ý khiến sự viện trợ này tốn kém đến mức phương Tây từ bỏ. Mặt khác, nếu kiên trì viện trợ, phương Tây cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Trước khi Nga tập trung tấn công hạ tầng từ ngày 10.10, giới chức Ukraine lạc quan rằng viện trợ tài chính của phương Tây sẽ giúp họ bù đắp phần lớn thâm hụt ngân sách năm 2023.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết viện trợ hơn 30 tỉ USD cho Ukraine trong năm tới, dù tất cả các khoản chưa được chính thức xác nhận. Hôm 15.12, lãnh đạo 27 thành viên EU đồng ý viện trợ thêm 18 tỉ euro vốn vay cho Ukraine trong năm tới.
Một số khoản viện trợ năm nay được giải ngân chậm, buộc Kyiv phải in tiền và hạ giá đồng nội tệ nhằm đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn đến lạm phát hơn 20%.
Tuy nhiên, dù này diễn ra suôn sẻ, sự giúp đỡ này chỉ có chủ đích nhằm giữ Ukraine xoay xở ngày qua ngày chứ chưa đề cập hàng trăm tỉ USD thiệt hại do chiến sự.
Phó thống đốc Ngân hàng Quốc gia Ukraine Sergiy Nikolaychuk cho biết nếu tình trạng mất điện diễn ra trong thời gian dài hơn, nước này chắc chắc cần nhiều sự hỗ trợ hơn nữa nhằm tránh xảy ra thảm họa nhân đạo.
Đánh giá của ông phản ánh điều mà giới chức Ukraine và phương Tây không muốn thừa nhận, rằng Điện Kremlin đã khiến nền kinh tế Ukraine trở thành “mặt trận” then chốt trong cuộc chiến, mặt trận mà Moscow tỏ ra thành công hơn nhiều so với mặt trận giao tranh giữa binh sĩ 2 bên.
KHÁNH AN
TNO