25/12/2024

Điểm cao IELTS chưa chắc đạt giải cao ở kỳ thi học sinh giỏi?

Điểm cao IELTS chưa chắc đạt giải cao ở kỳ thi học sinh giỏi?

Từng đạt giải kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh đồng thời thi IELTS điểm cao, các bạn trẻ cho rằng không ít người đạt điểm cao ở kỳ thi IELTS khi thi học sinh giỏi lại đạt giải thấp so với người có điểm IELTS thấp hơn.

 

 

Thi học sinh giỏi khó hơn thi IELTS?

Nguyễn Gia Linh, nữ sinh ở Đồng Nai từng đạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh ở môn tiếng Anh năm 2022 đồng thời vừa đạt điểm IELTS 7.5, cho rằng kỳ thi học sinh giỏi hoàn toàn khác với kỳ thi IELTS ở cả đối tượng dự thi, tính chất kỳ thi và cách ra đề thi, nên quy đổi từ điểm IELTS sang học sinh giỏi, là không phù hợp.

Gia Linh cho biết: “Bản thân em từng tham dự 2 kỳ thi, em thấy đề thi học sinh giỏi yêu cầu thí sinh giỏi tiếng Anh chuyên sâu theo kiểu học thuật, hàn lâm. Ở bài thi này, thí sinh cần giỏi tiếng Anh như “một nhà nghiên cứu ngôn ngữ”. Trong khi đó, kỳ thi IELTS thiên về việc sử dụng, ứng dụng ngôn ngữ. Đề thi học sinh giỏi thực sự khó hơn, phần viết luận yêu cầu từ vựng và ngữ pháp phải có tính chính xác cao. Em phải đầu tư nhiều thời gian hơn cho kỳ thi học sinh giỏi”.

Điểm cao IELTS chưa chắc đạt giải cao ở kỳ thi học sinh giỏi? - ảnh 1
Kỳ thi IELTS là để kiểm tra trình độ tiếng Anh trong khi thi học sinh giỏi là để xếp hạng Đ.N.T

Theo Gia Linh, kỳ thi học sinh giỏi quy tụ những học sinh giỏi nhất của một lớp, một trường hoặc một quận, huyện và lấy điểm từ cao xuống thấp. Còn trong kỳ thi IELTS, mọi người đều có thể tham gia để xem trình độ mình tới đâu, có thể thi lại để cải thiện điểm.

Tương tự, Lê Tấn Phát (sinh viên năm nhất ngành kinh doanh quốc tế Trường ĐH Văn Lang, TP.HCM), giải khuyến khích môn tiếng Anh kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2021 và mới đây thi IELTS đạt 8.0, không đồng tình với việc học sinh đạt điểm cao IELTS được quy đổi sang thành các giải nhất, nhì, ba của kỳ thi học sinh giỏi.

“Có thể nói tiếng Anh ở kỳ thi học sinh giỏi là tiếng Anh học thuật, học sinh phải đạt trình độ nghiên cứu ngôn ngữ nhất định mới có thể làm tốt, còn tiếng Anh ở kỳ thi IELTS là tiếng Anh tổng quát hơn, ứng dụng trong đời sống, trong công việc. Cá nhân em thấy kỳ thi học sinh giỏi khó hơn rất nhiều và cần tập trung thời gian ôn luyện lâu hơn”, Phát chia sẻ.

Lê Việt Anh (lớp 11 Anh 1, Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm, Hà Nội), cũng phân tích kỳ thi học sinh giỏi quy tụ những bạn giỏi nhất với số lượng hạn chế, chỉ tổ chức một lần mỗi năm và từng câu hỏi có độ khó, dễ khác nhau. Trong khi đó, IELTS dành cho tất cả, thi được nhiều lần và khả năng phân hóa không cao bằng kỳ thi học sinh giỏi.

Đồng thời, do IELTS làm tròn điểm thành phần và điểm tổng nên thí sinh cùng một mức điểm có thể chênh lệch năng lực khá lớn.

“Đề thi học sinh giỏi có dạng bài và mức độ khó hơn IELTS, đặc biệt là ở từ vựng, ngữ pháp nên học sinh ở trình độ C1, C2 trong khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam mới có thể làm được. Còn IELTS được thiết kế để đánh giá năng lực ngoại ngữ trong khoảng từ B1 đến C2 nên dễ tiếp cận hơn, thường chỉ làm khó thí sinh ở phần nói”, nam sinh từng thi IELTS chia sẻ.

 

Chưa chắc điểm IELTS cao khi thi học sinh giỏi sẽ đạt giải cao

Trần Phương Thảo, cựu học sinh Trường THPT chuyên ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện đang là sinh viên Trường ĐH Anh quốc Việt Nam, từng đạt điểm IELTS 8.0, cũng cho rằng bản chất 2 kỳ thi là hoàn toàn khác nhau, đối tượng hướng đến cũng khác nhau nên việc quy đổi sẽ gây ra nhiều “hại” hơn “lợi”.

Điểm cao IELTS chưa chắc đạt giải cao ở kỳ thi học sinh giỏi? - ảnh 2
Trần Phương Thảo

“IELTS là kỳ thi chuẩn hóa để chứng minh xem ai có đủ tiêu chuẩn để làm gì hay không (ví dụ học tập, giao tiếp ở nước nói tiếng Anh, đi làm…). Và thường chỉ cần đạt một mức điểm nào đó thì một cá nhân đủ chứng minh có thể học/làm hiệu quả trong môi trường nhất định. Trong đa số trường hợp thì người ta cũng không quan tâm thêm là điểm cao hay vừa đủ, vì vậy IELTS không nên được dùng để xếp loại thí sinh cao thấp. Trong khi các kỳ thi học sinh giỏi lại thiên về đánh giá chuyên môn, năng khiếu hơn và có xếp hạng”, Thảo cho hay.

Theo Thảo, trong nhiều trường hợp, học sinh đạt IELTS 8.5 cũng chỉ được giải khuyến khích, trong khi nhiều học sinh điểm IELTS thấp hơn (7.5, 8.0) lại đạt giải nhất, nhì, ba. Vì thế, nữ sinh viên này cho rằng chưa chắc điểm IELTS cao là có thể đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi.

 

Không công bằng với học sinh địa phương khác khi xét tuyển ĐH

Ở góc độ khác, Việt Anh nhận thấy đề thi học sinh giỏi của mỗi tỉnh, thành phố khác nhau nhưng giải thưởng lại có giá trị như nhau khi xét tuyển ĐH. Thế nên, việc một tỉnh công nhận giải học sinh giỏi bằng chứng chỉ IELTS sẽ không công bằng với thí sinh các tỉnh khác, đặc biệt là ở những địa phương có đề thi luôn nằm ở mức khó hơn mặt bằng chung như Hà Nội, TP.HCM.

Mặt khác, các trường ĐH thường có 2 phương thức tuyển sinh riêng dành cho chứng chỉ IELTS và giải học sinh giỏi cấp thành phố, cấp quốc gia. “Có IELTS mà lại được trao thêm giải học sinh giỏi thì quyền lợi của các bạn ở tỉnh đó sẽ quá lớn so với những nơi khác, khi học sinh nếu muốn có cả 2 thì phải nỗ lực gấp đôi”, Việt Anh trăn trở.

 

Kỳ thi học sinh giỏi chỉ dành cho số ít tinh hoa?

Từng đạt giải nhất học sinh giỏi tiếng Anh cấp thành phố, Nguyễn Quang Lâm, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, nhìn nhận kỳ thi IELTS và học sinh giỏi đều có chung mục đích là đánh giá, phân loại năng lực tiếng Anh của thí sinh từ thấp đến cao, dựa trên tổng hòa nhiều phương diện khác nhau như kiến thức tiếng Anh (từ vựng, ngữ pháp) và giao tiếp (nghe, đọc, viết và có thể cả nói). Điểm khác biệt duy nhất nằm ở cấu trúc đề thi.

Theo Lâm, trong khi IELTS được chuẩn hóa trên toàn thế giới thì ở mỗi tỉnh, thành Việt Nam, bài thi học sinh giỏi lại được biên soạn khác nhau, chủ yếu gồm 4 phần là nghe, đọc, viết, từ vựng – ngữ pháp. Ở các phần này, dạng câu hỏi sử dụng có lúc khác, lúc giống với IELTS. Chẳng hạn, nếu IELTS có 2 câu hỏi viết luận về biểu đồ có sẵn và quan điểm xã hội thì đề thi học sinh giỏi ngoài yêu cầu làm luận, thí sinh phải viết lại câu với nghĩa tương tự, hoặc hoàn thiện cả câu với 1 từ cho sẵn…

“Việc quy đổi IELTS thành giải học sinh giỏi cũng có nhiều rủi ro, như làm mất đi tính cạnh tranh hoặc lu mờ sự danh giá của thương hiệu kỳ thi học sinh giỏi, vốn chỉ dành cho số ít thí sinh tinh hoa”, Lâm nêu quan điểm.

 

MỸ QUYÊN – NGỌC LONG

TNO