24/11/2024

Có cách nào để cứu các ngành tuyển sinh kém?

Có cách nào để cứu các ngành tuyển sinh kém?

Hàng loạt ngành học ở các trường đại học nhiều năm qua tuyển sinh rất kém. Nếu không có giải pháp thu hút người học phù hợp, khả năng phải đóng cửa ngành rất cao.

 

 

 

Có cách nào để cứu các ngành tuyển sinh kém? - Ảnh 1.

Kỹ thuật xây dựng hiện là một trong các ngành không thu hút được nhiều thí sinh. Trong ảnh: sinh viên kỹ thuật xây dựng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) học thực hành trắc địa – Ảnh: TR.HUỲNH

Theo Bộ GD-ĐT, năm 2022 có 45/420 ngành đào tạo đại học tuyển kém. Trừ một số trường hợp ngoại lệ, phần lớn cơ sở đào tạo tuyển sinh kém trong đợt 1 năm 2022 này cũng tuyển sinh kém trong hai năm gần đây.

Phần lớn cơ sở đào tạo tuyển kém chủ yếu là trường tư thục, chưa khẳng định được uy tín, thương hiệu. Bên cạnh đó một số trường công lập, phân hiệu không có lợi thế về địa điểm và lĩnh vực đặc thù. Hầu hết ngành tuyển sinh kém là những ngành hẹp, ngành mới đào tạo thí điểm hoặc một số ngành truyền thống nhưng thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy

 

4 lĩnh vực tuyển sinh kém

Trong ba năm liền, bốn lĩnh vực: nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.

Ông Dương Tôn Thái Dương – phó ban phụ trách ban đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM – cho biết một số ngành hẹp, mới thí điểm hiện vẫn chưa đạt được kỳ vọng trong tuyển sinh. Có nhiều yếu tố liên quan đến việc này như nhu cầu xã hội, tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, một trong những việc Bộ GD-ĐT có thể hỗ trợ các trường là chia sẻ thông tin dữ liệu, đánh giá nhu cầu thị trường lao động đối với các lĩnh vực đó. Nếu cho rằng có những ngành phục vụ nhu cầu tương lai của đất nước thì cần chuyển các thông tin này đến các trường để họ truyền thông đến người học.

Theo thống kê thí sinh trúng tuyển theo lĩnh vực, kinh doanh và quản lý là lĩnh vực thu hút thí sinh nhập học nhiều nhất: 26%; máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật trên 20%. Tuy nhiên, ông Trần Trung Kiên – trưởng phòng tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội – cho rằng: “Phân tích sâu về số liệu trên cho thấy phần lớn thí sinh chọn ngành công nghệ thông tin. Còn lại số thí sinh đăng ký các ngành khối công nghệ kỹ thuật, khoa học công nghệ khá khiêm tốn. Trong khi với sự phát triển của nền kinh tế hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực về khoa học công nghệ rất lớn, vì vậy chúng tôi rất mong có những chính sách tổng thể để thu hút thí sinh lựa chọn khối ngành kỹ thuật công nghệ, đặc biệt là những ngành và nhóm ngành truyền thống hiện nay xã hội đang rất cần”.

Trong khi ông Nguyễn Hữu Công – phó giám đốc ĐH Thái Nguyên – cho hay tại đại học này, khối ngành nông lâm – ngư nghiệp tuyển sinh rất khó khăn. Bên cạnh đó, các ngành khoa học cơ bản nhà trường đang đào tạo (sinh học, toán ứng dụng…) đội ngũ rất mạnh nhưng số lượng người học rất ít và thị trường lao động cũng chưa có nhu cầu cao trong tuyển dụng nhân lực những ngành này. “Do vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT đề xuất với Chính phủ nên có cơ chế đặc thù cho một số ngành khó tuyển như trên vì đó là những ngành thiết yếu”, ông Công nói.

Có cách nào để cứu các ngành tuyển sinh kém? - Ảnh 3.

4 lĩnh vực khó tuyển sinh những năm gần đây

Khó tuyển do đâu?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) – cho hay danh sách ngành tuyển kém có sự thay đổi hằng năm. Một số ngành truyền thống có vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế đất nước, có quy mô tuyển sinh lớn hơn nhưng cũng luôn đạt chỉ tiêu rất thấp. Nhiều ngành tuyển quy mô lớn trong toàn hệ thống, đạt chỉ tiêu tương đối cao nhưng lại gặp khó khăn ở một số trường.

Theo bà Thủy, kết quả tuyển sinh phụ thuộc vào sự lựa chọn trường, chọn ngành của thí sinh và chiến lược tuyển sinh của mỗi trường. Do bối cảnh kinh tế – xã hội thay đổi, nhất là của thị trường lao động, cùng với sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ dẫn tới xu hướng chọn trường và chọn ngành của thí sinh có dịch chuyển mạnh trong những năm gần đây. Nhiều trường nếu không nhận biết kịp xu hướng này và có điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chiến lược phát triển, đổi mới ngành và chương trình, phương pháp đào tạo, truyền thông và quảng bá tuyển sinh… sẽ không thu hút được thí sinh vào trường.

Ngược lại, một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng thất bại trong tuyển sinh các ngành mới. Nhiều ngành đào tạo truyền thống có vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế – xã hội của đất nước, nhưng chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp của Nhà nước để thu hút người học.

 

Nhiều chính sách ưu đãi

Một số trường đã có chính sách thu hút người học các ngành khoa học cơ bản: Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) dành 2 tỉ đồng học bổng để cấp cho các thí sinh trúng tuyển năm 2022 vào 7 ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học trái đất và khoa học biển, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng: vật lý học, hải dương học, kỹ thuật hạt nhân, địa chất học, kỹ thuật địa chất, khoa học môi trường và công nghệ kỹ thuật môi trường. Khóa tuyển sinh năm 2022, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng dành 5,2 tỉ đồng, có chính sách hỗ trợ sinh viên 9 ngành khoa học cơ bản, ngôn ngữ, gồm: triết học, tôn giáo học, lịch sử, địa lý, thông tin – thư viện, lưu trữ học, ngôn ngữ Ý, ngôn ngữ Tây Ban Nha và ngôn ngữ Nga.

 

Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường giải pháp hỗ trợ

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết với những ngành khoa học cơ bản, Bộ GD-ĐT đang có định hướng tiếp tục thúc đẩy một số chương trình về khoa học công nghệ liên quan đến khoa học cơ bản. Đồng thời bộ cũng sẽ hoàn thiện xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các ngành công nghệ cao; trong đó đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ người học theo học các chương trình đào tạo trọng điểm về công nghệ cao. Phối hợp với các bộ, ngành đề xuất cơ chế Nhà nước đầu tư, đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người học đối với các ngành thiết yếu nhưng khó tuyển khác nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước…

image4 19-12-22 1(Read-Only)

Nông lâm nghiệp và thủy sản là một trong bốn lĩnh vực tuyển sinh kém nhất nhiều năm nay. Trong ảnh: sinh viên Trường ĐH Nông lâm TPHCM giới thiệu các sản phẩm nghiên cứu khoa học – Ảnh: TRẦN HUỲNH

“Riêng lĩnh vực nông lâm – ngư nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT nên bộ này phải đứng ra chủ trì xây dựng đề án và kế hoạch triển khai cụ thể trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo. Các trường có đào tạo lĩnh vực này cần có đề xuất với Bộ GD-ĐT và Bộ NN&PTNT, nếu cần báo cáo Thủ tướng để xây dựng cơ chế đặc thù thu hút người học” – ông Sơn nói.

Theo Bộ GD-ĐT, sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch trong tuyển sinh buộc các trường phải nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ hỗ trợ người học, đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo; giúp toàn hệ thống giáo dục đại học loại bỏ những cơ sở đào tạo, ngành đào tạo yếu kém, nâng cao chất lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo đại học.

Bà Nguyễn Thu Thủy cho biết thêm: “Hiện Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện quy định về danh mục ngành, mở ngành và xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tăng cường kiểm tra, giám sát các trường về thẩm quyền và các điều kiện khi mở ngành và xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nhất là về các điều kiện bảo đảm chất lượng; xử lý nghiêm các trường tuyển sinh vượt năng lực, vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Kết nối cơ sở dữ liệu ngành với cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội để thống kê tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp; phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin định hướng cho các trường về xu hướng thay đổi nhu cầu của thị trường lao động đối với các ngành đào tạo. Bộ cũng sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các sở GD-ĐT, các trường phổ thông đổi mới và tăng cường công tác hướng nghiệp cho học sinh từ sớm”.

TRẦN HUỲNH
TTO