Học trong sợ hãi: Vì đâu nên nỗi?
Học trong sợ hãi: Vì đâu nên nỗi?
Đọc bài viết ‘Học trong sợ hãi: Nhập viện cũng phải ôn bài’ trên Báo Thanh Niên ngày 15.12, tôi bắt gặp vô số những mảnh ghép buồn về những đứa trẻ suốt ngày chỉ biết học và học, ôm mối lo về thi cử.
Có bao giờ người lớn chúng ta bất chợt giật mình nhìn lại bọn trẻ quanh mình hôm nay học hành vất vả, học trong sợ hãi mà ngẫm nghĩ về thời cắp sách đến trường đã xa của mình và tự hỏi: “Sao hồi ấy vui thế?”. Ngày trước chúng ta học hành có đến nỗi căng cả đầu, oải cả thân và bị cắt xén giờ chơi, ăn, ngủ, nghỉ để dành trọn vẹn cho việc học đâu!
|
Học sinh luôn đối diện với mối lo về thi cử (ảnh minh họa) Đ.N.T |
Sự học gian nan từ bao giờ và vì sao như thế? Chương trình học khó hơn, đó là điều hiển nhiên. Xã hội tiến về phía hiện đại văn minh, con người cũng phải tăng tốc chạy đà cho kịp với trình độ dân trí ngày càng cải thiện. Thời đại 4.0, kỷ nguyên công nghệ số đặt ra cho thế hệ trẻ vô vàn cơ hội lẫn thách thức, buộc mỗi người phải chuyển động không ngừng nghỉ.
Kỳ vọng của gia đình và xã hội ngày càng lớn, đó cũng là điều chắc chắn. Ngày trước, một đứa trẻ chỉ cần đến trường chăm chỉ và cuối năm đạt danh hiệu khá giỏi với tấm giấy khen là đã thỏa lòng mẹ cha. Nhưng giờ bọn trẻ không chỉ cần giỏi văn hóa mà phải giỏi toàn diện, không chỉ đạt một danh hiệu mà phải “đính kèm” giải thưởng các cấp, vào trường chuyên, lớp chọn…
Chương trình dẫu đổi mới và cải tiến thế nào đi chăng nữa thì cũng đâu thể thoát ly hoàn toàn tầm hiểu biết và năng lực nhận thức của học sinh. Kỳ vọng về thành tích mà mẹ cha đặt trọn lên vai con cái đôi khi vượt quá năng lực nội tại của trẻ khiến con đuối sức.
Kỳ vọng luôn song hành với áp lực. Trao gửi kỳ vọng cho con đúng chất và đúng mực sẽ là nguồn động lực cho ý chí phấn đấu và nghị lực vượt khó! Dồn dập kỳ vọng một cách gượng ép và lạnh lùng sẽ tạo khối áp lực khổng lồ trĩu nặng đôi vai và đè nặng trái tim của những đứa trẻ quanh mình khiến trẻ thay vì tìm thấy niềm vui trong học tập thì lại học trong sợ hãi.
Bác sĩ Phan Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Nhi – Nhiễm, Bệnh viện Quận 8 (TP.HCM), cho biết không hiếm gặp những trường hợp học sinh sợ học nhưng vẫn phải quay cuồng học ngày học đêm, nhịn ăn, căng thẳng học tập đến mức vào nhập viện trong tình trạng loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu… Nhưng đáng buồn là nhiều cha mẹ khi thấy con đau bụng, sốt, gia đình không cho con tới bệnh viện ngay mà chỉ ra tiệm thuốc mua thuốc uống qua loa vì sợ con phải nằm viện thì lỡ ngày học, ngày thi.
“Khi nghe bác sĩ nói con phải nhập viện điều trị, câu đầu tiên nhiều phụ huynh thốt lên là “trời ơi sắp thi rồi”, “trời ơi mai kiểm tra rồi”. Nhiều người còn kiên quyết viết giấy cam kết, không cho con nhập viện vì để về đi thi đã. Hay có em, đến khi bị đau đầu choáng váng tới ngất xỉu tại trường mới vô viện cấp cứu. Không thi đợt này sẽ thi được đợt khác, nhưng tính mạng con người có thể lấy lại được không?”, bác sĩ Thanh Hà bức xúc. (Thúy Hằng)
TRANG HIẾU
TNO