26/12/2024

Dấu hiệu cảnh báo sớm chứng mất trí nhớ

Dấu hiệu cảnh báo sớm chứng mất trí nhớ

Nhớ quên lẫn lộn, nhầm lẫn ngày tháng năm, gặp vấn đề giao tiếp, khó giữ thăng bằng cơ thể, không còn hứng thú tham gia các hoạt động xã hội, thay đổi tâm trạng là những dấu hiệu sớm phát hiện chứng mất trí nhớ.

 

 

Dấu hiệu cảnh báo sớm chứng mất trí nhớ - Ảnh 1.

Mặc dù hiện tại không có cách chữa trị hoàn toàn chứng mất trí nhớ, nhưng nếu phát hiện càng sớm thì càng dễ điều trị và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh – Ảnh: Adobe Stock

Theo Tổ chức Y tế thế giới, có hơn 55 triệu người trên khắp thế giới mắc chứng mất trí nhớ. Chứng mất trí nhớ, suy giảm trí nhớ hay sa sút trí tuệ là tình trạng sức khỏe tác động chính đến não, gây khó khăn cho việc ghi nhớ mọi thứ, giao tiếp hoặc hoàn thành các công việc hàằng ngày. 

Hầu hết mọi người bắt đầu có dấu hiệu suy giảm trí nhớ vào giữa những năm 60 tuổi, tuy nhiên, một số người có thể bắt đầu sớm nhất ở độ tuổi 30.

Trong một công bố trên tạp chí Alzheimer’s & Dementia: The Journal of the Alzheimer’s Association, các nhà nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh) cho biết chúng ta hoàn toàn có thể nhận biết được các triệu chứng của mất trí nhớ từ rất sớm, từ 9 năm trước khi chính thức được chẩn đoán.

Các dấu hiệu bao gồm: nhớ quên lẫn lộn làm gián đoạn cuộc sống hằng ngày, nhầm lẫn ngày tháng, thời gian và địa điểm, khó quản lý các công việc bình thường ở nhà hoặc nơi làm việc, gặp vấn đề giao tiếp, liên tục đặt nhầm đồ, khó giữ thăng bằng cơ thể, khó giải quyết vấn đề dù trước đó suy nghĩ rất nhanh, không còn hứng thú tham gia các hoạt động xã hội, thay đổi tâm trạng và tính cách, suy giảm kỹ năng phán đoán.

Theo tiến sĩ Tim Rittman – nhà nghiên cứu cấp cao tại khoa khoa học thần kinh lâm sàng tại Đại học Cambridge, cố vấn danh dự về thần kinh học tại Phòng khám trí nhớ Addenbrookes ở Cambridge – vấn đề chữa trị cho bệnh nhân mất trí nhớ hiện nay không có hiệu quả cao do chủ yếu dùng thuốc và phát hiện rất muộn. Khi được chẩn đoán và điều trị thì kết quả gần như rất khó để thay đổi tiến triển của bệnh.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Ngân hàng sinh học Vương quốc Anh, lấy thông tin y tế từ hơn 500.000 người từ năm 2006-2010 ở độ tuổi 40–69, nhằm tìm ra thời điểm sớm nhất xuất hiện những thay đổi trong trí nhớ, suy nghĩ và chức năng não.

Sau khi phân tích, họ nhận thấy những người mắc bệnh Alzheimer thường đạt điểm kém trong các bài kiểm tra liên quan đến nhiệm vụ giải quyết vấn đề, thời gian phản ứng, ghi nhớ danh sách các con số, khớp cặp so với những người không mắc Alzheimer. Những người mắc bệnh Alzheimer cũng có nhiều khả năng bị ngã và sức khỏe tổng thể kém hơn những người không mắc bệnh.

Những bài kiểm tra này được thực hiện từ cách thời điểm chẩn đoán bệnh từ 5-9 năm. Có nghĩa là những người còn trẻ xuất hiện nhiều các dấu hiệu trên thì có nguy cơ cao phát triển bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, chứng sa sút trí tuệ thái dương, chứng mất trí với thể Lewy trong tương lai.

Kết quả của nghiên cứu này được giới khoa học đánh giá là “có giá trị và quan trọng”. Bởi vì, mặc dù hiện nay thông qua đặc điểm sinh học, chụp cắt lớp phát xạ và xét nghiệm máu có thể cho thấy những thay đổi bệnh lý của thoái hóa thần kinh, nhưng nghiên cứu này mang tính dự đoán cao những triệu chứng khó phát hiện hơn.

Nếu chúng ta có thể xác định rõ bệnh nhân có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và các tình trạng thoái hóa thần kinh khác từ khi còn trẻ thì sẽ có cơ hội can thiệp sớm thông qua thay đổi lối sống, dinh dưỡng, tinh thần.

Mặc dù đưa ra các dấu hiệu nhận biết mất trí nhớ sớm, nhưng tiến sĩ Tim Rittman cho biết: Mọi người không nên lo lắng quá mức nếu như không giỏi nhớ các con số hoặc nhầm lẫn với ngày tháng, thời gian và địa điểm. Ngay cả một số người khỏe mạnh cũng có thể đôi khi xảy ra tình trạng “nhớ nhớ quên quên” này. 

Nhưng nếu các dấu hiệu xuất hiện nhiều và thường xuyên thì rất nên tìm đến các cơ sở y tế để tìm hướng điều trị.

MINH HẢI (Theo Independent)
TTO