26/12/2024

Xây dụng nền công nghiệp tự chủ: Tránh ‘pháo đài’ thu hút đầu tư

Xây dụng nền công nghiệp tự chủ: Tránh ‘pháo đài’ thu hút đầu tư

Dù đưa ra nhiều kế hoạch, chiến lược để ngành công nghiệp cất cánh nhưng miền Trung vẫn được xem là “vùng trũng” của ngành công nghiệp. Sự liên kết rời rạc, mạnh ai nấy làm khiến cho mỗi địa phương trong vùng như một “pháo đài” thu hút đầu tư.

 

 

 

Xây dụng nền công nghiệp tự chủ: Tránh pháo đài thu hút đầu tư - Ảnh 1.

Khu kỹ thuật thử nghiệm sản phẩm cơ khí của Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp – Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Những cụm từ “dàn hàng ngang đứng đầu”, “giẫm đạp chân nhau”, “mạnh ai nấy phất cờ” đã được nhắc đến như một trong những hạn chế lớn nhất trong chiến lược phát triển quy mô vùng miền Trung.

Tuy nhiên, đến nay dù đã được đưa ra mổ xẻ tại nhiều diễn đàn, hội thảo với nhiều đề xuất về giải pháp chấn chỉnh nhưng ngành công nghiệp khu vực miền Trung vẫn chỉ đang ở dạng… tiềm năng. Vì sao?

 

150km có tới 3 cảng biển

Trong chuyến khảo sát và tìm kiếm cơ hội làm ăn tại khu vực miền Trung cách đây không lâu, nhiều doanh nhân trong đoàn doanh nghiệp Nhật Bản rất ngạc nhiên khi thấy ngay trong một khoảng cách không xa có đến ba cảng biển.

Tại Núi Thành (Quảng Nam) là cảng Chu Lai, đi dọc theo bờ biển khoảng 100km nữa là cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) và thêm khoảng 50km nữa lại có thêm cảng Chân Mây.

Một số doanh nhân trong đoàn cũng bày tỏ ngạc nhiên khi được giới thiệu về quy mô, công suất ăn hàng của các cảng này.

Không chỉ cảng biển, miền Trung cũng dày đặc các khu, cụm công nghiệp nhưng gần như không có cụm nào làm đầu mối lan tỏa và kết nối cho cả vùng. Dù được quy hoạch quỹ đất lớn nhưng nhiều khu công nghiệp hoạt động sản xuất thủ công nhỏ lẻ, hiệu quả không cao.

Sau chuyến khảo sát ngắn, một chuyên gia trong đoàn cho rằng với quy mô hàng hóa không quá lớn tại khu vực này, chỉ cần một cảng nước sâu được đầu tư bài bản, khai thác hợp lý là quá đủ.

Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm, tổng giám đốc Công ty cà phê Classic (Gia Lai), cho rằng rất nhiều lần tham dự các cuộc hội nghị xúc tiến đầu tư ở miền Trung, Tây Nguyên nhưng rất khó để doanh nghiệp có thể quyết định được một mảng đầu tư cụ thể.

Theo ông Lâm, do bị “lôi kéo” quá nhiều, các doanh nghiệp thường chọn đặt nhà máy tại nơi thuận tiện đường giao thông, cảng biển hơn là chọn gần vùng nguyên liệu. “Các địa phương yếu thế hơn cũng kêu gọi đầu tư nhưng đa phần một kiểu “chào hàng” y hệt nhau” – ông Lâm nói.

 

Cần một đầu tàu…

TS Hoàng Hồng Hiệp (Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ) cho rằng dù có đến 4 khu kinh tế và 19 khu công nghiệp nhưng các động lực phát triển của miền Trung có chức năng tương tự nhau.

Số lượng nhiều nhưng ngành công nghiệp lại không phát triển, các địa phương trong vùng chưa tạo được sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong thu hút đầu tư mà thậm chí còn cạnh tranh giẫm chân lẫn nhau. Do đó, các tỉnh miền Trung cần một đầu tàu đúng nghĩa.

Cũng theo ông Hiệp, Chính phủ cần nhanh chóng tái cơ cấu tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm để kết nối chặt hơn trong quy hoạch lẫn thực thi các chính sách phát triển mỗi vùng, trong đó có miền Trung.

Khi xây dựng quy hoạch cho miền Trung, cần đứng trên cách tiếp cận vùng, trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế so sánh của từng tỉnh.

“Đối với miền Trung, cần thiết xác định kinh tế biển, kinh tế du lịch, công nghiệp ô tô hóa dầu, sau hóa dầu, công nghiệp phụ trợ, cơ khí, chế biến nông lâm thủy sản là những mũi nhọn đột phá. Cần định hướng rõ ràng và lâu dài các khu đô thị công nghiệp, khu công nghiệp chuyên ngành ở những địa phương phù hợp. Đặc biệt, cần bỏ tư duy thu hút đầu tư và phát triển bằng mọi giá” – ông Hiệp đề xuất.

Theo PGS.TS Lê Văn Đính (Học viện Chính trị khu vực III), việc liên kết cụm ngành trong khu công nghiệp và liên kết giữa các khu công nghiệp còn thiếu, dẫn tới việc “mạnh ai nấy làm”. Ngoài ra, hoạt động liên kết giữa các địa phương trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác để hình thành cụm liên kết ngành còn hạn chế, thậm chí chưa có.

Giữa các khu công nghiệp trong từng địa phương và giữa các khu công nghiệp trong vùng có cơ cấu huy động ngành hàng hóa giống nhau nên không thành hình các cụm ngành có mối liên kết theo chuỗi.

Hiện vẫn chưa có hướng giải quyết cho việc liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến nông sản với vùng nguyên liệu nông nghiệp. Việc phân công hợp tác trong vùng thời gian qua chủ yếu vẫn mang tính hình thức…”, ông Đính nói.

* Ông Hồ Quang Bửu (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam):

 

Thiếu cơ chế hợp tác

Dù đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ trong thời gian qua nhưng nền công nghiệp Quảng Nam cũng như một số địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn tồn tại những hạn chế nhất định. Phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Chủ yếu phát triển theo các mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững. Cho đến nay vẫn chưa có cơ chế hợp tác giữa các địa phương trong vùng để định hướng các liên kết, hợp tác giúp doanh nghiệp và các địa phương đi đúng hướng, phát huy được lợi thế, tiềm năng của mình; xa hơn là định hướng phân công sản xuất, xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết vùng.

LÊ TRUNG

* Ông Đỗ Thắng Hải (thứ trưởng Bộ Công Thương):

 

Nội lực công nghiệp còn yếu

Cho đến nay, nội lực công nghiệp trong nước rất yếu, phát triển mất cân đối, phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài. Phát triển công nghiêp chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh của địa phương và vùng kinh tế để hình thành nên các chuỗi giá trị công nghiệp.

Hầu hết các địa phương chưa có chiến lược, tầm nhìn dài hạn trong việc phát triển công nghiệp. Việc phân bố khu công nghiệp và khu kinh tế không tạo động lực và điều kiện thuận lợi để hình thành các cụm ngành công nghiệp, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và liên kết ngành.

TẤN LỰC

THÁI BÁ DŨNG
TTO