Kích hoạt nhiều ngành kinh tế
Kích hoạt nhiều ngành kinh tế
Hàng loạt doanh nghiệp đều thở phào sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng thêm chỉ tiêu tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Doanh nghiệp bất động sản “chết đuối vớ được cọc”
Là một trong những đơn vị kiến nghị nhiều nhất nới trần tín dụng để bổ sung nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm cuối năm, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tính toán: Theo thống kê 10 tháng năm 2022, tổng tăng trưởng tín dụng ngân hàng là 11,5%. Ngân hàng Nhà nước báo cáo tăng trưởng tín dụng bình quân của thị trường bất động sản (BĐS) là 15%. Tuy nhiên, thực tế tăng trưởng tín dụng của BĐS tiêu dùng, nghĩa là hoạt động mua nhà, sửa nhà, xây nhà của khu vực cá nhân hộ gia đình đạt mức tăng cao nhất – 20%, còn tăng trưởng của doanh nghiệp (DN) BĐS thấp hơn mức trung bình, đạt khoảng 7%. Với tỷ lệ như vậy, ước tính sẽ có khoảng 7 – 8% vào các DN BĐS.
|
Bất động sản đang khát vốn ĐS |
“Tuyệt vời” là từ mà ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, dùng để đánh giá về động thái mới nhất của Ngân hàng Nhà nước. Theo ông, một phần vốn “quý giá” được bổ sung cho nền kinh tế trong giai đoạn vô cùng khó khăn hiện nay có ý nghĩa rất lớn, không chỉ với cục bộ ngành BĐS mà còn là nguồn lực quan trọng góp phần “phá băng” loạt hoạt động sản xuất kinh doanh. Với riêng các DN BĐS, có thể ví như “chết đuối vớ được cọc”.
Ông Lê Hoàng Châu chỉ rõ: Thời gian qua, thị trường BĐS, các DN, người mua nhà và nhà đầu tư BĐS rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Có nhiều DN thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản do thiếu dòng tiền hoặc âm dòng tiền. Cũng bởi vậy, nhiều dự án bị đình, hoãn, giãn tiến độ và ngừng thi công, khiến khó khăn lan tỏa mạnh hơn tới nhiều ngành nghề liên quan trực tiếp và gián tiếp như giám sát công trình, sản xuất vật liệu xây dựng… Hiện nay, các DN đang phải tái cấu trúc, cắt giảm tới hơn 50% lực lượng lao động, càng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới kế hoạch triển khai các dự án trong vài năm tới. Kết cục, thị trường BĐS ngày càng mất cân đối khi nguồn cung khan hiếm, giá nhà đất bị đẩy lên cao, nhu cầu chính đáng của người dân là mua được căn nhà cũng ngày càng xa vời. Chưa kể, do tình hình kinh doanh giảm sút, cổ phiếu DN mất giá đã tạo cơ hội cho những nhà đầu tư nước ngoài “bắt đáy”, thâu tóm lượng cổ phiếu lớn để chi phối thị phần của các DN BĐS hàng đầu.
“DN BĐS không sợ lãi suất cao, sợ nhất là không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng vì không có nguồn vốn nào nhanh, hiệu quả tức thì bằng vốn tín dụng. Với nguồn vốn mới này, các dự án dang dở sẽ có cơ hội để tiếp tục thực hiện, hoàn thành, đáp ứng nhu cầu thực của thị trường. Nguồn này còn hỗ trợ cho người mua nhà có nhu cầu thật, kích hoạt thị trường, ngăn chặn rủi ro thị trường BĐS VN bị các “ông lớn” ngoại quốc thâu tóm”, Chủ tịch HoREA nhận định.
Kỳ vọng kéo dài thêm những gói hỗ trợ cho doanh ngiệp
Là một trong những DN cũng chật vật tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để tái đầu tư sau khi ngành du lịch mở cửa, bà Phạm Phương Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, đánh giá ngân hàng nới room tín dụng là thông tin tích cực mà tất cả các DN đều đang mong đợi. “Hôm qua, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ra thông báo mới, nhân viên tín dụng tại một số ngân hàng mà Du lịch Việt đang chờ duyệt hồ sơ đã gọi báo có room và yêu cầu bổ sung một số giấy tờ để được giải ngân”, bà Phương Anh chia sẻ.
“Ngoài room tín dụng, hiện nay lãi suất tăng quá cao cũng phát sinh chi phí rất nhiều cho DN. Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ kéo dài thêm những gói hỗ trợ cho các DN mới phục hồi, đưa mức lãi suất dễ thở hơn, giúp các DN đủ điều kiện có thể tiếp cận dễ dàng hơn để giảm bớt khó khăn trong bối cảnh năm sau được dự báo vẫn còn nhiều thách thức”, bà Phương Anh đề xuất thêm.
Phải tới đầu năm sau thì sức mua mới có thể vực dậy được
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vinamit, cho biết dù không chịu tác động trực tiếp từ hạn chế vốn vay tín dụng nhưng những khó khăn từ thị trường tài chính, BĐS thời gian qua đã kéo theo sự ảm đạm cho toàn bộ ngành hàng tiêu dùng. Khó khăn của nền kinh tế bắt đầu rõ ràng từ quý 3 đã khiến thị trường tiêu dùng “ngấm đòn” và hiện chưa có dấu hiệu khởi sắc. Năm nay, chắc chắn tiêu dùng trong dịp tết sẽ không bùng nổ mạnh mẽ vì thời gian khựng lại khá lâu. Để có thể “đề pa”, kích lại thị trường phải cần thời gian, ước chừng vài tháng. Vì thế, dòng vốn được “bơm” ra thị trường càng sớm thì các DN càng sớm “trở mình”, thị trường càng sớm phục hồi.
“Giai đoạn này, NH bắt đầu điều chỉnh vấn đề hạn mức của DN để DN có thể được đảo nợ hoặc tiếp cận được thêm vốn vay tín dụng với một mức độ nhỏ. Từ đó mới ngấm vào thị trường và tạo ra tác động lan tỏa. Nếu làm nhanh, phải tới đầu năm sau thì sức mua mới có thể vực dậy được”, ông Nguyễn Lâm Viên dự báo.
H.MAI – M.PHƯƠNG
TNO