01/01/2025

Giải toả cơn khát vốn cho thị trường

Giải toả cơn khát vốn cho thị trường

Việc Ngân hàng Nhà nước chính thức tăng chỉ tiêu tín dụng (room) cho toàn hệ thống thêm khoảng 1,5 – 2% khiến cơn khát vốn đang bóp nghẹt thị trường được giải toả.

 

Mở room là tất yếu

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng (NH) năm 2022 sẽ được nâng lên mức 15,5 – 16% thay vì chỉ dừng ở con số 14% như công bố trước đây. Việc mở thêm room tín dụng cho toàn hệ thống NH sẽ tạo điều kiện để nguồn vốn được đưa đến tay doanh nghiệp (DN), tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế.

Giải tỏa cơn khát vốn cho thị trường - ảnh 1

 

Ngân hàng được nới room sẽ cung cấp thêm vốn cho nền kinh tế  NGỌC THẮNG

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su – Nhựa TP.HCM, bày tỏ phấn khởi sau thông tin mở room. Theo ông Anh, ít nhất là vấn đề này sẽ tháo được nút thắt đã tồn tại mấy tháng qua trong nền kinh tế. Chẳng hạn trước đây, nhiều DN vẫn còn hạn mức vay vốn nhưng khó giải ngân hoặc chờ rất lâu khi NH đều đưa ra lý do “hết room”. Trong thời điểm cuối năm, nhất là theo tập quán của người Việt thì các DN phải thanh toán hết nợ nần trước tết âm lịch, trả lương tháng 13 và kèm theo quà, tiền thưởng cho người lao động. Bên cạnh đó, DN cũng cần có vốn để mua nguyên vật liệu, chuẩn bị sẵn để khởi động cho một năm mới với kỳ vọng được hanh thông, suôn sẻ.

“Tôi nghĩ rằng các DN ở thời điểm này đều rất cần vốn nên việc mở room tín dụng sẽ hỗ trợ cho hoạt động của cả nền kinh tế. Mong các NH thương mại sẽ xúc tiến, đẩy nhanh việc giải ngân, nhất là với những đơn vị đã có sẵn hồ sơ và còn hạn mức tín dụng được phê duyệt trong năm nay”, ông Nguyễn Quốc Anh nói.

Giải tỏa cơn khát vốn cho thị trường - ảnh 2
Ngân hàng được nới room sẽ cung cấp thêm vốn cho nền kinh tế  NHẬT THỊNH

Đồng tình và đánh giá cao về việc mở room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), TS Trần Hùng Sơn, Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, nhận định: Hệ thống NH vẫn là kênh cung ứng vốn chính cho nền kinh tế VN. Trong 2 – 3 năm gần đây, thị trường chứng khoán nói chung, trong đó có trái phiếu mới tăng trưởng đã giúp các DN có thêm một kênh huy động vốn. Tuy nhiên, trong năm nay với nhiều chính sách để chấn chỉnh thị trường trái phiếu DN cũng như xử lý hình sự một số vụ vi phạm trong hoạt động phát hành trái phiếu đã khiến kênh huy động vốn này gần như bị “tắc”. Như vậy, nền kinh tế chỉ còn lại mỗi kênh cung ứng vốn là hệ thống NH.

TS Trần Hùng Sơn nhấn mạnh: Thời gian qua, tỷ giá ngoại tệ liên tục giảm, giúp NHNN có dư địa để nới trần tín dụng cho các NH thương mại. Trong thời điểm cuối năm khi nguồn vốn của thị trường bị thiếu thì việc mở rộng tín dụng là điều tất yếu và sẽ gỡ được nút thắt về vốn cho DN. Đây là giải pháp linh hoạt hỗ trợ cho nền kinh tế, đảm bảo tính thanh khoản của nhiều NH.

 

Gần 200.000 tỉ đồng bổ sung cho nền kinh tế

Ước tính với 1,5 – 2% dư nợ tín dụng của năm 2022 tương đương khoảng 150.000 – 200.000 tỉ đồng được “bơm” ra nền kinh tế. Quyết sách này như cơn mưa rào tưới mát những DN đang trầy trật vì khát vốn. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng hoan nghênh quyết định mở room tín dụng của NHNN và đánh giá đây là thời điểm thích hợp để bơm vốn cho nền kinh tế.

“Nguồn vốn là huyết mạch của các DN và DN hoạt động tốt là mạch máu của nền kinh tế. Do vậy, việc thúc đẩy đưa nguồn vốn đến tay cho DN lúc này không chỉ giải được bài toán duy trì hoạt động, đảm bảo công việc và lương thưởng cuối năm cho người lao động mà còn tạo ra nền tảng tốt cho kế hoạch kinh doanh của các công ty trong năm 2023 sắp tới, tạo đà cho kinh tế phát triển”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

TS Trần Hùng Sơn đánh giá, trong thời gian còn lại của năm 2022, nguồn vốn từ hệ thống NH sẽ hỗ trợ được cho hoạt động của DN nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Việc cho khách hàng nào vay, vay bao nhiêu là quyền của mỗi NH nhưng vẫn đảm bảo theo đúng quy định trong hoạt động. Không nên phân biệt đối xử với DN nào miễn họ đáp ứng được điều kiện vay vốn của NH. Về phía NHNN, cơ quan quản lý đã có “cây gậy và củ cà rốt” kiểu như room tín dụng. Những NH hỗ trợ tốt hoạt động DN, cho vay với lãi suất thấp thì đã được tăng chỉ tiêu tín dụng cao hơn những nhà băng khác.

Ông nhận định: NH là đơn vị kinh doanh tiền tệ và họ sẽ cân nhắc, lựa chọn giữa chi phí cũng như lợi ích thu về giữa các đối tượng khách hàng khi cho vay. Đó là chưa kể khi dự báo về nợ xấu gia tăng thì chắc chắn các NH cũng sẽ thận trọng hơn khi xét duyệt hồ sơ vay vốn. Vì vậy, có thể không cần phải đưa ra thêm các tiêu chí hay lựa chọn DN nào để cho vay trong thời điểm cuối năm này.

 

Đẩy nhanh tốc độ giải ngân

Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng năm 2022 chỉ còn lại thời gian rất ngắn, vỏn vẹn có 3 tuần. Chưa kể, liệu sau khi nới room nhưng NH có tiền để cho vay hay không? Do đó, NHNN phải hỗ trợ thanh khoản cho các nhà băng để họ sẵn sàng giải ngân nhanh nhất cho cả các DN lẫn người vay. Các NH giờ phải tập trung tăng tốc độ giải ngân cho những hồ sơ tín dụng đang chờ sẵn. Đồng thời linh hoạt, đẩy nhanh tốc độ phê duyệt cả hồ sơ mới cho các ngành sản xuất, kinh doanh được xem là ưu tiên như xuất nhập khẩu, nông nghiệp hay các DN vừa và nhỏ.

Đồng tình, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, khẳng định chủ trương tập trung đẩy vốn vào khu vực sản xuất kinh doanh của NHNN là đúng. Đối với các DN sản xuất, nên hỗ trợ các DN xuất khẩu với mức lãi suất ưu đãi vì khi DN xuất khẩu được hàng thì sẽ mang ngoại tệ về, giảm áp lực giảm giá đồng nội tệ. Từ đó, NHNN lại tiếp tục có thêm dư địa để nới thêm room tín dụng trong năm tới. Tuy nhiên, không nên “bỏ lơ” bất động sản vì ngành này có tác động lan tỏa tới nhiều ngành kinh tế, tài sản thế chấp vay vốn để đảm bảo đủ điều kiện cũng là bất động sản. Nếu thị trường bất động sản tiếp tục “đóng băng” thì không chỉ nhiều ngành khác bị ảnh hưởng dây chuyền mà còn nguy cơ tăng nợ xấu của NH. Vì thế, giải pháp dài hạn vẫn là giải quyết thị trường trái phiếu, mở lối ra cho thị trường và làm sao cho giá bất động sản trở về mức hợp lý.

Song, TS Nguyễn Hữu Huân cũng bày tỏ lo ngại các nhà băng không có tiền để giải ngân. Hiện nay, rất khó để NHNN giảm lãi suất điều hành bởi những căng thẳng về thanh khoản trong hệ thống NH còn hiện hữu. Khả năng lãi suất điều hành của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đảo chiều sẽ khó xảy ra vẫn tạo áp lực lên những nền kinh tế mới nổi như VN. Như vậy, để có tiền giải ngân, các NH thương mại sẽ buộc phải tăng huy động, khó tránh khỏi cuộc chạy đua lãi suất. Điều này đồng nghĩa với việc DN có thể được vay vốn nhưng phải chấp nhận mức lãi suất cao.

“Tồn tại được hay không sẽ tùy vào ‘cơ địa’ từng DN. Những công ty khỏe mạnh, còn nội lực thì sống tiếp được, nếu không phải chấp nhận thu hẹp sản xuất, thu hẹp hoạt động”, vị này nhìn nhận.

Việc mở room tín dụng của hệ thống NH khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán cũng lạc quan khi dự báo thị trường sẽ gia tăng. Điểm sáng của thị trường trong ngày hôm qua là thanh khoản tăng cao lên hơn 1 tỉ USD. Tổng cộng hơn 1,47 tỉ cổ phiếu khớp lệnh và ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu năm. Giá trị giao dịch tổng cộng có hơn 26.200 tỉ đồng và là mức cao nhất trong một phiên của hơn 7 tháng qua.

 

MAI PHƯƠNG – HÀ MAI

TNO