Việt Nam – Hàn Quốc ra tuyên bố chung, nâng cấp quan hệ lên ‘Đối tác chiến lược toàn diện’
Việt Nam – Hàn Quốc ra tuyên bố chung, nâng cấp quan hệ lên ‘Đối tác chiến lược toàn diện’
Với sự tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của quan hệ hai nước, hôm nay 5-12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeol đã ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc lên “Đối tác chiến lược toàn diện”.
Trong tuyên bố chung, lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí tăng cường giao lưu, hợp tác hai nước theo những hướng cụ thể sau:
Tăng cường hợp tác chính trị, ngoại giao cũng như quốc phòng, an ninh và trị an
Nhất trí thúc đẩy hơn nữa các chuyến thăm, giao lưu tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; mở rộng và phát triển hơn nữa cơ chế đối thoại và hợp tác giữa các bên, trong đó có đối thoại chiến lược ngoại giao, an ninh, quốc phòng cấp thứ trưởng.
Nhất trí tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, hợp tác công nghệ và đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, giáo dục, đào tạo.
Nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, cảnh sát; tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp đánh giá, dự báo về các vấn đề chiến lược có liên quan đến lợi ích, an ninh quốc gia hai nước. Đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nước sở tại cho công dân hai nước để hạn chế tối đa tình trạng vi phạm pháp luật.
Mở rộng và làm sâu sắc hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển
Hai bên nhất trí thúc đẩy đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định theo hướng cân bằng, giữ vững vị trí là đối tác thương mại hàng đầu của nhau.
Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư vào lĩnh vực điện tử, năng lượng tái tạo, các khu tổ hợp chuyên sâu và khu công nghiệp xanh, đô thị thông minh; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hàn Quốc đề nghị Việt Nam hỗ trợ tích cực để các tổ chức tài chính của Hàn Quốc vào Việt Nam, qua đó hỗ trợ mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam. Việt Nam ghi nhận và sẽ xem xét tích cực vấn đề này.
Việt Nam mong muốn Hàn Quốc mở rộng hơn nữa các khoản viện trợ hoàn lại và không hoàn lại. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đường sắt cao tốc, đường sắt hạng nhẹ, tàu điện ngầm.
Hợp tác về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và nông nghiệp, năng lượng
Nhất trí mở rộng hợp tác phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, xây dựng nhà máy điện, tiết kiệm năng lượng.
Hàn Quốc đề nghị phía Việt Nam hỗ trợ để các dự án điện tại Việt Nam mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang xúc tiến tham gia được triển khai thuận lợi. Việt Nam nhất trí sẽ xem xét tích cực nội dung này.
Về khoa học công nghệ, thông tin truyền thông
Tăng cường hợp tác nghiên cứu công nghệ ứng phó biển đổi khí hậu và công nghệ nguồn của cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy hợp tác về thiết lập trật tự kỹ thuật số mới, chuyển đổi số, công nghệ thông tin, an toàn an ninh thông tin, nền tảng kỹ thuật số.
Hợp tác lao động, y tế, giáo dục
Hàn Quốc cam kết cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động Việt Nam. Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi trong việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký cư trú và cấp phép lao động cho người lao động Hàn Quốc tại Việt Nam.
Hàn Quốc đề nghị phía Việt Nam khi sửa đổi các quy định, bao gồm quy định về đấu thầu, sẽ xem xét về mặt chính sách để có thêm nhiều trang thiết bị y tế của Hàn Quốc được sử dụng tại Việt Nam. Hàn Quốc sẽ tích cực hỗ trợ xây dựng trung tâm kiểm soát bệnh tật tại Việt Nam theo đề nghị của phía Việt Nam.
Hàn Quốc sẽ hỗ trợ biên soạn sách giáo khoa giảng dạy tiếng Hàn dùng cho các cấp học phổ thông tại Việt Nam.
Hợp tác cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị
Việt Nam hoan nghênh doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào hạ tầng giao thông vận tải theo hình thức như đối tác công tư (PPP). Hàn Quốc nhất trí tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như: giao thông, quy hoạch đô thị, kiến trúc, nhà ở, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật…
Hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân
Nhất trí tăng cường và tạo môi trường thuận lợi cho giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa và ngoại giao công chúng giữa hai nước. Việt Nam đang xem xét thành lập Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc, phía Hàn Quốc nhất trí hợp tác tích cực về việc này.
Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí dành nhiều quan tâm, hỗ trợ để cộng đồng hai nước ổn định sinh hoạt, học tập và làm việc tại mỗi nước cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ; cùng cố gắng để các thế hệ tương lai của các gia đình đa văn hóa có thể đóng vai trò tích cực hơn trong giao lưu thanh thiếu niên giữa hai nước.
Các vấn đề khu vực và quốc tế
Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm ứng phó với các thách thức mang tính toàn cầu, các vấn đề an ninh phi truyền thống; phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn, cơ chế của quốc tế và khu vực mà hai bên cùng tham gia, cùng quan tâm.
Hàn Quốc đã giới thiệu Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Sáng kiến đoàn kết ASEAN – Hàn Quốc, nhấn mạnh Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất trong quá trình triển khai thời gian tới. Phía Việt Nam hoan nghênh việc này.
Hàn Quốc đề nghị Việt Nam ủng hộ Hàn Quốc đăng cai tổ chức Triển lãm thế giới Busan 2030, phía Việt Nam cho biết sẽ xem xét tích cực vấn đề này. Hàn Quốc cho biết sẽ hỗ trợ tích cực Việt Nam đăng cai Diễn đàn cấp cao đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) vào năm 2025.
Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; khẳng định nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Lãnh đạo cấp cao hai nước đề nghị các bên liên quan kiềm chế, không có hành động đơn phương nhằm quân sự hóa, thay đổi nguyên trạng hoặc làm phức tạp tình hình ở Biển Đông; thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm đạt một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS.
Lãnh đạo cấp cao hai nước nhắc lại lập trường chung liên quan đến vấn đề bán đảo Triều Tiên được nêu tại Tuyên bố chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 23; nhất trí cho rằng việc phát triển vũ khí hạt nhân đe dọa hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Á cũng như thế giới.
Hai bên kêu gọi Triều Tiên thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ và các cam kết quốc tế. Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc để giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên, trong đó có Sáng kiến táo bạo.
Hai bên chia sẻ quan ngại về tình hình tại Myanmar, mong muốn tình hình Myanmar sớm trở lại ổn định vì lợi ích của nhân dân Myanmar, vì hòa bình và ổn định ở khu vực.
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chuyển lời thăm hỏi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.
Hai nhà lãnh đạo sau đó cùng chứng kiến lễ ký kết chín văn kiện hợp tác giữa các bộ hai bên trong các lĩnh vực ngoại giao, năng lượng, khai thác khoáng chất thiết yếu, công nghệ thông tin, y tế, hải quan…