22/12/2024

Nhiều bệnh nhân đã bị ngộ độc cần sa từ thực phẩm và thuốc lá điện tử

Nhiều bệnh nhân đã bị ngộ độc cần sa từ thực phẩm và thuốc lá điện tử

Trên thị trường đã và đang xuất hiện loại ma tuý (cần sa) pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thảo mộc. Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận nhiều vụ ngộ độc cần sa sau khi sử dụng thực phẩm..

Điển hình mới đây là một bệnh nhân 56 tuổi, tại Hà Nội sau khi ăn hai miếng bỏng ngô (bắp rang) thì có biểu hiện chóng mặt, nôn và được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện chất THC (một chất chính có trong cần sa). Bệnh nhân được chẩn đoán bị ngộ độc cần sa sau khi ăn bỏng ngô nghi có tẩm cần sa.

 

Nhiều ca ngộ độc cần sa

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) – cho hay trước đó, Trung tâm chống độc đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc cần sa có trong các loại bánh ngọt, bánh quy, kẹo và trong thuốc lá điện tử, thuốc lào. Đây là lần đầu tiên trung tâm phát hiện trường hợp ngộ độc cần sa sau ăn bỏng ngô.

Hiện nay cần sa là chất cấm, không được phép buôn bán và sử dụng tại Việt Nam. Thế nhưng, thực tế vẫn có rất nhiều “kênh” mua hàng “núp bóng” dưới dạng các sản phẩm khác. Đặc biệt là những tinh dầu sử dụng trong thuốc lá điện tử.

Tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng liên tục tiếp nhận những trường hợp ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Đã có trường hợp hôn mê, tổn thương não sau khi hút thuốc lá điện tử. Qua các xét nghiệm cho thấy tinh dầu bệnh nhân sử dụng có chứa ma túy tổng hợp.

 

Chủ ý của người bán?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy – giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (TP.HCM) – cho rằng thực phẩm chứa chất gây nghiện như cần sa, ma túy… đa phần là chủ ý của người bán!?

Người dân vô tình ăn phải thường gây cảm giác hưng phấn và rất muốn được ăn, uống lại chính thực phẩm đó.

“Đây là cảm giác bất thường, là dấu hiệu bạn có thể ăn phải thực phẩm chứa chất gây nghiện, tốt nhất cố gắng ngừng ăn những thực phẩm này và đến bệnh viện kiểm tra” – bác sĩ Khánh Duy khuyến cáo.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, hiện nay có rất nhiều loại ma túy không chỉ được bán và sử dụng kín đáo mà còn len lỏi phổ biến công khai vào đời sống hằng ngày, liên tục lôi kéo mở rộng số người tham gia sử dụng. Những sản phẩm này người dùng có thể bị nhầm lẫn dùng quá liều gây nguy hiểm đến tính mạng.

Theo bác sĩ Nguyên, hầu hết các ma túy khác hiện nay là các chất mới, được các kẻ xấu thay đổi và tạo mới hằng ngày (thường được gọi dưới tên không chính xác là các chất cần sa tổng hợp), các phòng xét nghiệm hiện đại trong nước còn chưa kịp nghiên cứu tìm ra cách phát hiện. Bởi vậy, vấn đề này đang đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý.

Trong khi đó, bà Phạm Khánh Phong Lan – trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM – cho biết đến nay thành phố chưa gặp trường hợp ngộ độc chất gây nghiện có trong thực phẩm. Hiện ban vẫn tiếp tục tổ chức các chương trình kiểm tra, giám sát an toàn thực thẩm và ráo riết hơn vào dịp cuối năm.

D.LIỄU – X.MAI
TTO