22/01/2025

Doanh nghiệp rất cần được tiếp sức vào lúc này

Doanh nghiệp rất cần được tiếp sức vào lúc này

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ kết thúc vào cuối năm nay như giảm 2% thuế VAT, gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất… Đặc biệt từ năm sau, nếu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng thêm thì sẽ là cú sốc mạnh.

 

 

 

Doanh nghiệp rất cần được tiếp sức vào lúc này - Ảnh 1.

Người dân được hỗ trợ giảm thuế VAT 2% khi thanh toán hàng hóa tại siêu thị Co.opMart Cống Quỳnh, quận 1, TPHCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong khi các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh cũng chỉ được áp dụng đến ngày 31-12. Hơn lúc nào hết, lúc này cần tính thêm các chính sách để tiếp sức cho DN, vực lại sản xuất kinh doanh.

 

132.300 doanh nghiệp dừng cuộc chơi

Trong báo cáo trình Chính phủ về tình hình kinh tế – xã hội 11 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong 11 tháng qua có 132.300 DN rút khỏi thị trường, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, phần lớn DN lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh ngắn hạn.

Đặc biệt, DN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do cầu của thị trường nước ngoài có xu hướng giảm, nhà nhập khẩu chậm thanh toán, tồn kho tăng cao.

Dòng tiền của DN cạn kiệt sau 2 năm dịch bệnh. DN có nhu cầu vốn lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm cũng như mua nguyên liệu chuẩn bị cho sản xuất đầu năm 2023 nhưng khó tiếp cận tín dụng, đối mặt với chi phí lãi vay cao.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN, qua khảo sát, điều tra hơn 12.000 DN ở 63 tỉnh thành cho thấy dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, tác động nhiều mặt tới DN. Họ phải đối mặt với những khó khăn về vốn, nhân sự, thị trường… và sự lạc quan của DN giảm đi nhiều.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mạc Quốc Anh – phó chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội – lo lắng suy thoái kinh tế sẽ đánh gục nhiều DN. Vì chưa kịp phục hồi sau đại dịch, DN lại bị tấn công bởi lãi suất tăng, chi phí nguyên nhiên liệu đầu vào tăng, tỉ giá tăng tới hơn 7% so với cuối năm ngoái.

Trong khi đó, nhiều chính sách hỗ trợ sẽ kết thúc vào cuối năm nay như giảm 2% thuế giá trị gia tăng, gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất… Đặc biệt từ năm sau, nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng 3.000 đồng/lít xăng, 2.000 đồng/lít diesel so với hiện nay thì sẽ là cú sốc rất mạnh cho thị trường.

Ông Phạm Việt Dũng – chủ tịch Hiệp hội DN hàng không VN – mong mỏi giảm tiếp 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay ngay từ năm sau, như mức đang áp dụng trong năm 2022. Trong bối cảnh giá dầu thế giới còn diễn biến bất thường, kinh doanh vận tải, đặc biệt là vận tải hàng không, vẫn vô cùng khó khăn. 

Nếu giá dầu tăng 1 USD/thùng thì Vietnam Airlines mất 150 tỉ đồng. Nên việc được tiếp tục giảm thuế đối với nhiên liệu bay như đang áp dụng sẽ góp phần cho hãng bay kìm giá vé để hỗ trợ người tiêu dùng.

Ngay từ bây giờ, Bộ Tài chính sớm đề xuất lên Chính phủ tiếp tục miễn giảm và gia hạn một số khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.

TS Cấn Văn Lực

Cần giảm thuế ngay từ đầu năm sau

Để hỗ trợ kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh, TS Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia – cho rằng cần tiếp tục kéo dài các chính sách miễn giảm và gia hạn thuế như đang áp dụng trong năm 2022 cho năm 2023. Bởi năm tới kinh tế sẽ khó khăn hơn khi một số thị trường xuất khẩu chính của VN rơi vào suy thoái. Hai tháng nay, đơn hàng xuất khẩu một số ngành dệt may, da giày bị cắt giảm mạnh.

Mặt khác, giá xăng dầu và nguyên liệu dự báo tiếp tục có những biến động lớn. Tỉ lệ DN tạm thời đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh cao hơn năm trước tới hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy một bộ phận DN vẫn rất khó khăn trong bối cảnh chi phí kinh doanh tăng và lương tăng.

“Chi phí lãi vay tăng cao khiến DN rất gay go. Nghĩa vụ trả nợ, dòng tiền của DN từ nay đến năm tới sẽ càng khó khăn hơn. Ngay từ bây giờ, Bộ Tài chính sớm đề xuất lên Chính phủ tiếp tục miễn giảm và gia hạn một số khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Đề xuất nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường sắp diễn ra để được thông qua và áp dụng ngay” – ông Lực khuyến nghị.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, chính sách tài chính đóng góp cực kỳ quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế. Trong bối cảnh năm 2023 còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người dân và DN, như tiếp tục gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% vì đây là chính sách quan trọng và hiệu quả cao không chỉ hỗ trợ người tiêu dùng qua giảm thuế mà còn giúp sản xuất kinh doanh sôi động.

Ông Nguyễn Văn Quyền – chủ tịch Hiệp hội Vận tải VN – cũng kiến nghị Nhà nước tiếp tục gia hạn các chính sách giảm thuế cho xăng dầu trong năm 2023 để kìm giá xăng dầu cũng như giá cả hàng hóa, dịch vụ khác.

“Mới đây, Bộ Tài chính có đưa ra bốn kịch bản về thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm hàng xăng dầu theo diễn biến giá dầu thô thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế có quá nhiều khó khăn, nếu chính sách hỗ trợ quá căn cơ và không kịp thời thì hoạt động sản xuất kinh doanh mất cơ hội hồi phục, chưa nói gì đến ổn định và phát triển” – ông Quyền nói.

Doanh nghiệp rất cần được tiếp sức vào lúc này - Ảnh 3.

Nguồn: Bộ Tài chính – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Phải gỡ ngay nút thắt hoàn thuế VAT

Ngoài những khó khăn trên một năm qua, các DN xuất khẩu nông sản tại TP.HCM “sống dở chết dở” vì bị ách tiền hoàn thuế VAT khiến DN kiệt quệ vì không còn dòng tiền.

Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng cần phải làm rõ rằng trong khi các địa phương khác vẫn thực hiện hoàn thuế nhưng tại TP.HCM DN lại bị ách tiền hoàn thuế là vì lý do gì? Vì sao sự việc đã kéo dài suốt cả một năm qua, nhiều DN và hiệp hội ngành hàng kêu cứu nhưng mãi không giải quyết?

Ông Nguyễn Văn Được – tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín – thừa nhận thực tế thời gian qua còn xảy ra một số vụ việc gian lận và móc nối để hoàn thuế giá trị gia tăng làm thất thoát ngân sách nhà nước, điển hình như vụ ThuDucHouse. Do vậy để đảm bảo chính sách hoàn thuế không bị trục lợi, ngành thuế đã chỉ đạo các biện pháp nghiệp vụ khác nhau nhằm bịt các lỗ hổng cũng như hạn chế tình trạng rủi ro, gian lận trong khâu hoàn thuế.

“Việc chỉ đạo, giám sát và xác minh thuộc về nội bộ ngành thuế và phải thực hiện trong thời gian cho phép của thủ tục hoàn thuế đã được Luật quản lý thuế số 38 năm 2019 quy định tại khoản 2 điều 70 là không quá 40 ngày kể từ ngày cơ quan thuế có văn bản chấp nhận hồ sơ hoàn thuế”, ông Được nói và nhấn mạnh trong mọi trường hợp ngành thuế không nên kéo dài thời gian xác minh và không nên giam tiền thuế của DN nếu đã xác minh và hoàn tất thủ tục hoàn thuế như báo chí và hiệp hội phản ánh…

LÊ THANH – ÁNH HỒNG
TTO