04/01/2025

Tháo điểm nghẽn để TP.HCM phát triển xứng tầm

Tháo điểm nghẽn để TP.HCM phát triển xứng tầm

Chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng để thực sự tạo động lực phát triển mới, tháo điểm nghẽn, TP.HCM cần một cơ chế vượt trội chứ không chỉ là đặc thù nhỏ lẻ. Tuy nhiên, điều cần quan tâm là năng lực thực hiện cũng như giám sát hiệu quả.

 

Tháo ách tắc cơ chế

Trong khoảng 10 năm tới (tới 2030), TP.HCM đặt mục tiêu xây dựng 454 km các tuyến cao tốc, vành đai, quốc lộ, các tuyến giao thông trục chính… Số vốn cần có lên tới khoảng 1 triệu tỉ đồng (khoảng hơn 45 tỉ USD). Riêng giai đoạn 2021 – 2025, cần khoảng 266.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, TP.HCM chỉ bố trí được 52.744 tỉ đồng, khoảng 19,8%. Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết do thiếu vốn, TP.HCM chỉ tập trung hoàn thiện các dự án dở dang, chuyển tiếp. Trong khi đó, phạm vi và đối tượng triển khai dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) của lĩnh giao thông rất hạn chế. Cụ thể, luật PPP không còn hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), không cho áp dụng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) đối với dự án cải tạo mở rộng tuyến đường hiện hữu. Trường hợp dự án áp dụng được hình thức đầu tư BOT thì nhà nước cũng phải cần ngân sách đối ứng (không quá 50% tổng mức đầu tư dự án, thường là chi phí giải phóng mặt bằng) để đảm bảo tính khả thi phương án tài chính. Điều ông Lâm mong mỏi là TP.HCM có nhiều vốn hơn để đầu tư cho hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu của một đại đô thị 13 triệu dân – đầu tàu kinh tế cả nước.

Tháo điểm nghẽn để TP.HCM phát triển xứng tầm - ảnh 1
 TP.HCM có hơn 20.000 nhà ở trên và ven kênh rạch cần phải di dời nhưng giai đoạn 2016 – 2021 chỉ thực hiện được 12,4% NGỌC DƯƠNG

Nhưng khó khăn của TP.HCM không chỉ có nguồn vốn. Trong suốt 5 năm giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM chỉ hoàn thành 19/64 dự án nhà ở xã hội với khoảng 15.000 căn hộ (đạt khoảng hơn 69% mục tiêu), không thấm vào đâu với cả triệu lao động, công nhân, công chức, viên chức sinh sống và làm việc trên địa bàn. Ngoài nguyên nhân lợi nhuận thấp, thời gian làm thủ tục cho các dự án nhà ở xã hội còn lâu hơn các dự án nhà ở thương mại. Theo tính toán, thời gian để hoàn thành các dự án nhà ở xã hội phải mất hơn 500 ngày khiến không còn nhà đầu tư nào hứng thú với các dự án này.

Tháo điểm nghẽn để TP.HCM phát triển xứng tầm - ảnh 2
TP.HCM rất cần có cơ chế thông thoáng vượt trội về giải phóng mặt bằng để hoàn thành những dự án đặc biệt quan trọng như đường Vành đai 3 LÊ BÌNH

Những tréo ngoe cũng không chỉ ở quy trình, thủ tục. Là đô thị với trên 13 triệu dân, tốc độ tăng bình quân 200.000 người/năm, hơn 70% số phường của TP.HCM có dân số trên 30.000 dân, 3 phường có số dân trên 100.000 dân. Nhiều huyện như Bình Chánh có dân số tới hơn 850.000 người, tương đương nhiều tỉnh. Trong đó, cá biệt xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) đã đạt khoảng 160.000 dân/xã, bằng một huyện của các tỉnh nông thôn. Dân số đông, khối lượng công việc, hồ sơ hành chính phải giải quyết là “khổng lồ”, song mỗi phường của TP.HCM vẫn chỉ được phân bổ tối đa 23 cán bộ, công chức dẫn đến quá tải và bất cập. Thực trạng trên kéo dài nhiều năm song không cách nào giải quyết hiệu quả…

Chính vì vậy, nhiều ý kiến đã ví von rằng, “bức tranh cơ chế của TP.HCM như con tàu đã khởi động động cơ, nhưng cứ mãi vùng vẫy mà không thể rời đi vì những dây neo cơ chế chằng chịt níu giữ”.

Để giải tháo điểm nghẽn tồn tại từ lâu, năm 2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM. Tuy nhiên, trong 5 năm thực hiện thí điểm thì 2 năm TP.HCM phải tập trung cho việc phòng chống dịch khiến những chính sách thí điểm không thực sự phát huy được hiệu quả toàn diện như kỳ vọng.

Thực tế đáng lo ngại là đà tăng trưởng của TP.HCM chậm lại, nhiều động lực giảm sút, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh, chất lượng tăng trưởng không đạt. Sự vượt trội của TP.HCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, hệ thống giao thông, hạ tầng chưa đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của TP.HCM và phục vụ đời sống người dân…

Bối cảnh trên là cơ sở để TP.HCM đề xuất thí điểm chính sách mới nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế; phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho TP.HCM để tạo điều kiện tối đa giúp TP.HCM “giải phóng nguồn lực” phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ tầm cỡ quốc tế như mục tiêu đặt ra.

 

Cần chính sách vượt trội

Trao đổi với Thanh Niên, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nêu quan điểm cơ chế để phát triển TP.HCM không chỉ là “đặc thù” – khác các địa phương khác, mà phải là “vượt trội”.

“Năng lực phát triển của TP.HCM rất dồi dào. Do đó, cần phải có một cơ chế thực sự vượt trội, nghĩa là cao hơn thì mới có thể phát huy được những năng lực đó, đảm đương được vai trò dẫn dắt, đầu tàu. Nếu như vẫn là những cơ chế thông thường như các địa phương khác hoặc chỉ đặc thù khác một chút, thì thật sự không có nhiều ý nghĩa”, ông Thiên phân tích.

Cơ chế “vượt trội” đầu tiên, theo ông Thiên, là cần phải cho TP.HCM nhiều sự chủ động, sáng tạo hơn. “Trong đường lối phát triển chung của cả nước thì nhiều vấn đề TP.HCM phải được chủ động. Có chủ động thì mới sáng tạo được”, ông Thiên nói, và nhấn mạnh TP.HCM cần được chủ động hơn về ngân sách, tổ chức bộ máy… trong khung khổ chung là kinh tế thị trường định hướng XHCN của VN.

Nhấn mạnh cơ chế về nguồn nhân lực, lao động, ông Thiên cho rằng, thiết kế một hệ thống như TP.HCM hiện nay là rất dễ tắc nghẽn, và làm chậm sự phát triển của TP.HCM. Ông Thiên phân tích bộ máy của TP.HCM không thể là bộ máy của một địa phương cấp tỉnh được mà phải là một bộ máy siêu đô thị. “Điều này rất quan trọng”, ông Thiên nhấn mạnh. Về nguồn lực, ông Thiên cho rằng cần phải cho TP.HCM quyền chủ động nhiều hơn. “Nguồn lực phải tương xứng. Nếu như vẫn chia đều theo kiểu cào bằng, theo tỷ lệ đầu người thì TP.HCM không thể phát triển được”, ông Thiên nêu.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông – IPS, cho rằng ngoài vị trí của TP.HCM thì hiện nay nhiều quy định pháp luật, mô hình tổ chức các cơ quan hành chính đã lạc hậu và việc chờ để sửa đổi các quy định riêng như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian. Do đó, việc cho phép những địa phương đặc biệt như TP.HCM thí điểm một số các cơ chế, chính sách mang tính “đi trước” là hoàn toàn phù hợp.

Tháo điểm nghẽn để TP.HCM phát triển xứng tầm - ảnh 3

“Mô hình chính quyền đô thị của ta đã rất lạc hậu so với thế giới. Do đó, nếu để một đô thị đặc biệt như TP.HCM bị ràng buộc bởi mô hình tổ chức như tất cả những đô thị khác thì không thể tạo ra sự phát triển được”, ông Đồng phân tích và dẫn chứng những lợi thế “số một” của TP.HCM như hệ thống dữ liệu lớn về hạ tầng giao thông và y tế không thể khai thác được do vướng mắc trong các quy định pháp luật.

 

Bộ Chính trị đã có chủ trương

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với TP.HCM hôm 27.11 đã đồng ý chủ trương, giao TP.HCM hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào chương trình kỳ họp bất thường thứ 2 của Quốc hội trong tháng 1.2023.

Tại cuộc họp ngày 2.12 vừa qua, Bộ Chính trị thống nhất ban hành nghị quyết mới về phát triển TP.HCM; nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về TP.HCM, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Trước đó vào giữa tháng 10.2022, tại buổi công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với UBND TP.HCM, các ý kiến của đại biểu Quốc hội và lãnh đạo bộ ngành đều thống nhất cần phân cấp, giao quyền mạnh mẽ cho TP.HCM, với những cơ chế vượt trội, phù hợp đặc điểm đô thị và phát triển xứng tầm.

 

Phân định thẩm quyền theo cơ chế bao quát hơn

Về tính chất, Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội thí điểm dành cho TP.HCM chỉ là cơ chế đặc thù nhỏ lẻ, nên dù được trao nhiều quyền vượt trội nhưng không phải là thể chế đồng nhất. Vì thế, cùng với pháp luật chung, tổng thể thể chế tổ chức và hoạt động chính quyền TP.HCM là một sự lắp ghép không toàn diện, hay nói cách khác là khá manh mún và thiếu cân bằng.

Thực tế cho thấy, với thể chế hỗn hợp và thiếu kết nối như hiện nay, một địa phương nói chung và đô thị như TP.HCM thì càng phải đối diện với việc sẽ phát sinh nhiều vụ việc mà đôi khi áp dụng pháp luật chung cũng không ổn, mà áp dụng cơ chế đặc thù cũng không xong.

Chưa kể, sẽ có hàng loạt vụ việc tiếp nối, liên tục ở địa phương đòi hỏi phải được giải quyết bằng cơ chế đặc thù nào đó trước yêu cầu của thể chế hiện hành. Vì thế, vấn đề ở đây không phải cần ưu tiên quy định đặc thù hay quy định chung, mà làm sao để hóa giải và dung hòa giữa hai nhóm quy định này, tránh mâu thuẫn, loại trừ lẫn nhau và tránh tính trạng cơ chế đặc thù đòi cơ chế đặc thù.

Muốn giải quyết dứt điểm xung đột này thì cần một cơ chế lớn và vĩ mô hơn, đặc biệt cần một sự sẵn sàng từ phía T.Ư. Đó là chuyển từ cơ chế đặc thù theo mô típ nhỏ lẻ từng loại việc thuộc ngành, lĩnh vực sang phân định thẩm quyền theo cơ chế bao quát hơn.

TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường ĐH Luật TP.HCM

 

Cơ sở cho các cấp T.Ư cũng có thêm góc nhìn

Việc TP.HCM đề xuất thí điểm cơ chế đặc thù với nhiều chính sách trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai là phù hợp. Điều này cần thiết để TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước thí điểm trước, rút kinh nghiệm trước khi áp dụng rộng rãi. Sau một thời gian thực hiện, nếu kết quả thí điểm mang lại tốt sẽ chứng minh được sự chủ động thay đổi của cấp địa phương là phù hợp. Các cấp T.Ư cũng có thêm góc nhìn về sự thay đổi để đổi mới tư duy quản lý điều hành cơ chế chính sách.

Việc thí điểm cũng không trái quy định vì T.Ư cũng đã có nghị quyết, chủ trương. TP.HCM sẽ có sự thay đổi đáng kể nếu được thông qua cơ chế thí điểm nới quyền tự quyết về phát triển kinh tế.

TS Bùi Trung Dung, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng

 

Còn là chiến lược, lợi ích của cả đất nước

Tôi ủng hộ cần có cơ chế đặc thù, đặc biệt cho TP.HCM. TP.HCM “xứng đáng” vì vừa là đầu tàu, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính của đất nước, đồng thời cũng là nơi xuất phát của những mô hình mới. Tạo điều kiện tối đa để TP.HCM phát triển và phát triển nhanh nhất là rất cần thiết. Đấy không chỉ là lợi ích của TP.HCM mà còn là chiến lược, lợi ích của cả đất nước.

Phân cấp, phân quyền là chủ trương chung của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các địa phương cần phải dựa trên năng lực thực hiện cũng như cơ chế giám sát hiệu quả. TP.HCM cần phải tổng kết kỹ, rút ra kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội để đảm bảo triển khai các chính sách mới hiệu quả.

Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóaGiáo dục Quốc hội

 

LÊ HIỆP – SỸ ĐÔNG – LÊ QUÂN

TNO