Khơi thông vốn cho thị trường trái phiếu
Khơi thông vốn cho thị trường trái phiếu
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng tạm thời, doanh nghiệp, tổ chức phát hành trầy trật xoay xở. Lúc này, rất cần những giải pháp “phá băng” kịp thời để lấy lại niềm tin thị trường.
Đã có nghiên cứu ước tính tổng nguồn vốn các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại đã huy động (vay nợ) qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đến nay lên tới hơn 1,3 triệu tỉ đồng, trong đó nợ đến hạn trong những tháng cuối năm nay khoảng 65.700 tỉ đồng, áp lực trả nợ trong giai đoạn 2023 – 2025 rất lớn.
Trái phiếu “đóng băng” do đâu?
Hơn hai tháng nay, anh Phạm Minh Hoàng (Hà Nội) chờ đến thời điểm đáo hạn lô TPDN đã mua của một tập đoàn để rút tiền về, nhưng tới hạn anh Hoàng lại nhận được thông báo từ tập đoàn này đề nghị các nhà đầu tư lựa chọn một trong hai phương án là gia hạn TPDN thêm một năm nữa hoặc sử dụng số tiền đã mua trái phiếu, lãi vay “đổi” lấy sản phẩm căn hộ tại một dự án chung cư cao cấp ở Hà Nội với mức giá bán căn hộ giảm từ 30 – 40%.
“Khoản tiền 2,5 tỉ đồng mua trái phiếu của tập đoàn này tôi để dành cho con đi du học vào tháng 2 năm sau. Tôi đã kiên trì nhiều lần liên hệ với doanh nghiệp để được đáo hạn đúng theo hợp đồng nhưng nay họ khó khăn quá nên vẫn chưa mua lại trái phiếu”, anh Hoàng nói.
Chuyện các trái chủ bỏ nhiều tỉ đồng mua TPDN nhưng không thể bán lại cho tổ chức phát hành, doanh nghiệp phân phối hiện nay khá phổ biến.
Thị trường TPDN đóng băng đang đẩy cả doanh nghiệp phát hành và trái chủ vào thế khó. Doanh nghiệp tốt đến mấy cũng không dễ phát hành TPDN để huy động vốn, trong khi nhà đầu tư trót bỏ tiền mua trái phiếu lại muốn rút tiền về ngay. Doanh nghiệp đã khó lại càng thêm khó.
Theo ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ngoài yếu tố tâm lý thị trường thì những thay đổi trong chính sách phát hành TPDN riêng lẻ thời gian qua đã khiến giá trị phát hành TPDN giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Ông Châu cho rằng nghị định 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ quy định về điều kiện phát hành và điều kiện với nhà đầu tư khá lỏng lẻo.
Vì vậy, thị trường TPDN riêng lẻ tăng trưởng nóng, giá trị phát hành tăng rất nhanh, đến khi cơ quan chức năng phát hiện vi phạm trên thị trường, tiến hành xử lý thì lại có ngộ nhận TPDN là tội đồ. Điều này không đúng vì TPDN là kênh huy động vốn trung và dài hạn bền vững của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc ban hành nghị định 65/2022 ngày 16-9-2022 lại phanh quá gấp theo hướng siết cả đầu ra, đầu vào với TPDN.
Việc này là cần thiết vì cần đánh giá, dự án nào không đủ điều kiện thì không được phát hành TPDN để huy động vốn. Nhưng lại siết luôn cả đầu ra của TPDN khiến thị trường “đóng băng” như thời gian qua.
Cụ thể, ông Châu cho rằng nghị định 65 quy định nhà đầu tư trái phiếu phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, phải có giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán đạt 2 tỉ đồng trong sáu tháng liên tiếp; mệnh giá TPDN nhỏ nhất cũng được nâng lên mức 100 triệu đồng/trái phiếu (trước chỉ có 100.000 đồng/trái phiếu), như vậy là hạn chế người mua. Để khơi thông vốn trên thị trường cần sớm sửa đổi quy định này.
Lấy lại niềm tin thị trường
PGS.TS Vũ Sỹ Cường – phó trưởng bộ môn phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính – nhận định dù nợ TPDN lớn nhưng không phải tất cả những doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều đang xấu.
Ngược lại, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu có kế hoạch kinh doanh tốt, có tài sản bảo đảm lớn, vấn đề của họ chỉ là khó khăn về dòng tiền hiện nay.
Tình trạng “đóng băng” thị trường trái phiếu hiện nay phần nhiều do tâm lý thị trường, các nhà đầu tư đang mất niềm tin.
Điều này buộc nhiều doanh nghiệp đang phải chấp nhận bán tài sản với giá rẻ hơn để có được dòng tiền hoặc đổi trái phiếu lấy sản phẩm bất động sản, đây cũng là một giải pháp lúc này nhưng để thực hiện được cần sự chia sẻ của cả hai phía, PGS.TS Vũ Sỹ Cường nêu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế – cho rằng tình trạng mất niềm tin trên thị trường TPDN hiện nay chủ yếu liên quan tới một số vụ án bị khởi tố, điều tra.
Quyền lợi của cả nhà đầu tư chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp liên quan tới các vụ án hiện nay chưa được xác định rõ ai sẽ bảo đảm quyền lợi cho họ nên thị trường mất niềm tin, nhiều trái chủ đòi thanh toán TPDN đến hạn, sắp đáo hạn, thậm chí chưa đến hạn họ cũng đòi thanh toán. Đây là vấn đề phải xử lý.
Vì thế, cần xác định rõ trách nhiệm của các ngân hàng, công ty chứng khoán đứng ra phân phối lại TPDN riêng lẻ. Cần tránh tình trạng trái chủ đi đòi nợ người bán TPDN chứ không đi đòi nợ tổ chức phát hành TPDN riêng lẻ.
Trong công thư của TS Nguyễn Tuấn Anh gửi Thủ tướng (được Văn phòng Chính phủ chuyển tới các bộ, ngành nghiên cứu) đã đề nghị cần xây dựng cơ chế để tổ chức phát hành tái cơ cấu lại các khoản nợ TPDN như cho phép đàm phán, thương thảo các điều kiện và mua lại trái phiếu đã phát hành hoặc hoán đổi lấy cổ phần, lấy tài sản, hạng mục đầu tư (là mục tiêu đợt phát hành TPDN).
Vị chuyên gia này khuyến nghị Thủ tướng cho phép các tổ chức phát hành trái phiếu hoạt động có lãi, đáp ứng các điều kiện nhất định được tiếp tục phát hành trái phiếu để hoán đổi trái phiếu đã phát hành.
Với các trái chủ không đồng ý hoán đổi thì doanh nghiệp phát hành TPDN phải tiếp tục thực hiện các điều khoản với các lô trái phiếu đã phát hành. Kinh nghiệm này đã được Trung Quốc thực hiện từ tháng 8-2020.
Giá trị phát hành trái phiếu giảm sâu
Theo Bộ Tài chính, TPDN được phát hành hầu hết là trái phiếu riêng lẻ. Trong đó, khối lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2020 khoảng 435.777 tỉ đồng, năm 2021 khoảng 605.935 tỉ đồng, quý 1-2022 khoảng 138.810 tỉ đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính, năm 2021 dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh nhưng các doanh nghiệp vẫn lựa chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn với khối lượng phát hành tăng 36,4% so với năm 2020.
Bộ Tài chính cho hay hiện có 441 mã trái phiếu niêm yết đại chúng, quy mô giao dịch bình quân TPDN đại chúng tháng 11-2022 khoảng 2.370 tỉ đồng/phiên, giảm 38% so với tháng trước. Bình quân 11 tháng 8.100 tỉ đồng/phiên, giảm 29% so với năm 2021.
Đối với TPDN phát hành riêng lẻ, tính từ đầu năm đến ngày 11-11, khối lượng phát hành là 329.296 tỉ đồng, giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Sẽ sửa nghị định 65/2022 về TPDN
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo và quyết định thành lập tổ ổn định thị trường TPDN và thị trường chứng khoán.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đã gặp gỡ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu và các công ty tư vấn để bàn các giải pháp, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp và công ty tư vấn thực hiện nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong nghị định 65/2022 về phát hành trái phiếu riêng lẻ để phù hợp với tình hình thực tiễn và ổn định thị trường. Hiện bộ đang tích cực triển khai để sớm trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi.
Mặt khác, trong văn bản vừa gửi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp phải ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực để thực hiện đúng các cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu.
Nếu khó khăn trong việc cân đối nguồn chi trả, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp phải chủ động có kế hoạch làm việc với nhà đầu tư để có phương án thanh toán gốc, lãi trái phiếu phù hợp, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, không gây mất trật tự xã hội…
1,9 triệu tỉ đồng
Đó là quy mô giá trị giao dịch TPDN riêng lẻ trong năm 2021. Như vậy, bình quân giao dịch đạt 7.665 tỉ đồng/ngày, chủ yếu là giao dịch giữa các công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng và nhà đầu tư cá nhân.
(Nguồn: Bộ Tài chính)
Thủ tướng: phân loại doanh nghiệp, ngân hàng để nâng ngay hạn mức tín dụng
Làm việc tại tỉnh Bạc Liêu ngày 4-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng tiến hành rà soát, phân loại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, lành mạnh, an toàn, bền vững, nghiên cứu và thực hiện ngay việc nâng hạn mức tín dụng phù hợp, hiệu quả để vừa kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, tập trung vào ba động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.
* Cùng ngày, khi tới khảo sát các dự án điện gió ven biển tại huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu), làm việc với tỉnh, các nhà đầu tư về phát triển năng lượng tái tạo, Thủ tướng cho biết những năm qua Việt Nam có cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời nhưng giá không hợp lý, dẫn tới tình trạng đua nhau làm điện gió, điện mặt trời…
Các nhà đầu tư điện tái tạo đang có lãi cao, trong khi Nhà nước, người dân Việt Nam phải chịu giá điện cao, do đó Thủ tướng yêu cầu phải xem xét lại về giá điện, đàm phán lại về các dự án điện gió đã triển khai, tìm giải pháp phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, Nhà nước, người dân để hợp tác bền vững, hiệu quả.
Chinhphu.vn
Cần giải pháp giúp duy trì dòng tiền
Cần thiết phải có giải pháp giúp duy trì dòng tiền và tăng trưởng để hạn chế tối đa rủi ro đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp – Ảnh: Q.Đ.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã chuyển tới các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước một số giải pháp phát triển an toàn, bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được TS Nguyễn Tuấn Anh gửi tới Thủ tướng.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, TS Nguyễn Tuấn Anh đã chỉ ra ba nhóm rủi ro lớn từ khối nợ hơn 1,33 triệu tỉ đồng TPDN hiện nay.
Đó là rủi ro phát sinh từ phần TPDN phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo bị định giá quá cao. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp phát hành TPDN sử dụng tài sản đảm bảo là cổ phiếu hoặc bất động sản với mức giá khó tiên định.
Và nhóm rủi ro phát sinh từ chính sách thắt chặt tiền tệ và suy giảm kinh tế trong nước và quốc tế dẫn tới tổ chức phát hành thiếu dòng tiền, không tạo được dòng tiền để đáp ứng nghĩa vụ trả nợ.
Về thời điểm phát sinh rủi ro TPDN, TS Tuấn Anh tính toán lượng TPDN phát hành riêng lẻ đáo hạn trong giai đoạn 2023 – 2025 rất lớn, năm 2023 khoảng 290.000 tỉ đồng, năm 2024 khoảng 367.000 tỉ đồng… Vì thế, ba năm tới cần phải có giải pháp giúp duy trì dòng tiền và tăng trưởng để hạn chế tối đa rủi ro đáo hạn TPDN.
* TS Nguyễn Hữu Huân (trưởng bộ môn tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM):
Thời gian qua, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã để lỗ hổng rất lớn tồn tại trên thị trường trái phiếu.
Điển hình như quy định phát hành TPDN riêng lẻ chưa đủ chặt chẽ, khiến nhiều công ty chứng khoán và các đơn vị liên quan thay vì bán trái phiếu này cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, lại lách quy định và đem bán xé lẻ cho nhà đầu tư cá nhân – những người không có hiểu biết về tài chính, đôi khi còn không biết mình đang mua trái phiếu.
Để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cần rà soát lại các quy định, chỗ nào lủng cần lấp lại hết. Ngay cả công ty chứng khoán và ngân hàng nào sai phạm trong phát hành trái phiếu cũng cần xử lý nghiêm.
Có không ít nhà đầu tư có nhu cầu mua trái phiếu nhưng chưa dám xuống tiền vì sợ rủi ro doanh nghiệp bất động sản có thể sắp bị xử phạt. Do đó công tác thanh tra cần làm nhanh chóng, dứt khoát, công bố công khai.
Mỹ, Trung Quốc tung giải pháp mạnh hỗ trợ doanh nghiệp
Đại dịch COVID-19 đã đẩy doanh nghiệp tại nhiều quốc gia vào cảnh khó khăn, mà việc không còn khả năng thanh toán trái phiếu là một vấn đề nghiêm trọng.
Khi thị trường thế chấp có dấu hiệu sụp đổ vào năm 2020, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã công bố một số hành động chưa từng có: cam kết mua càng nhiều khoản nợ được chính phủ hậu thuẫn càng tốt để thúc đẩy thị trường nhà ở và trái phiếu kho bạc.
FED cũng tuyên bố sẽ mua trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm cả khoản nợ cấp độ đầu tư rủi ro nhất – lần đầu tiên trong lịch sử FED thực hiện một động thái như vậy.
Chưa dừng lại ở đó, đến tháng 6-2020 FED quyết định sẽ mua các trái phiếu doanh nghiệp Mỹ từ thị trường mở, miễn là những công ty đó đáp ứng các tiêu chuẩn yêu cầu. Ngân sách cho kế hoạch cứu trợ này trị giá lên đến 750 tỉ USD.
Nỗ lực mua trái phiếu của FED đã giúp bơm tiền vào thị trường nhưng cách làm này cũng kéo theo hệ quả là thời kỳ lạm phát về sau.
Trên thị trường chứng khoán, ngành bất động sản Trung Quốc đã tăng vọt sau khi Bắc Kinh công bố các biện pháp hỗ trợ “toàn diện nhất” nhằm tăng thanh khoản trong lĩnh vực này.
Nguồn tin của Bloomberg cho hay một trong những giải pháp của kế hoạch giải cứu là các khoản vay ngân hàng chưa thanh toán của nhà phát triển bất động sản và các khoản vay tín chấp đến hạn trong vòng sáu tháng tới có thể được gia hạn thêm một năm.
Ngoài ra, việc trả nợ trái phiếu của các công ty bất động sản cũng có thể được gia hạn hoặc hoán đổi thông qua đàm phán giữa tổ chức phát hành và trái chủ.
NGUYÊN HẠNH
Kinh nghiệm hỗ trợ thị trường từ Hàn Quốc
Cuối tháng 10 vừa qua, Hàn Quốc đã thành lập quỹ bảo lãnh TPDN, theo đó chỉ bảo lãnh cho những doanh nghiệp có khả năng phục hồi – những doanh nghiệp có tài sản đảm bảo tại quỹ.
Lập quỹ bảo lãnh TPDN kiểu Việt Nam
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, ở Việt Nam lúc này việc thành lập một quỹ như Hàn Quốc đã làm là không kịp, vấn đề của thị trường trái phiếu rất cấp bách rồi, cho nên cách tốt nhất là Chính phủ nên lựa chọn hai ngân hàng thương mại nhà nước đứng ra bảo lãnh cho trái phiếu của những doanh nghiệp quản trị tốt, có tài sản đảm bảo vững chắc.
Trong quá trình này, ngân hàng sẽ thu phí bảo lãnh với các doanh nghiệp. Việc chọn hai ngân hàng đứng ra bảo lãnh trái phiếu của các doanh nghiệp có lợi thế sẽ sử dụng ngay được tiền của nhà đầu tư trên thị trường.
Khi ngân hàng đứng ra bảo lãnh cho TPDN thì nhà đầu tư sẽ quay trở lại thị trường, hoạt động mua bán trái phiếu dần bình thường trở lại, như vậy Chính phủ không phải bỏ tiền ra “giải cứu” thị trường.
Khi nhà đầu tư trái phiếu quay trở lại thị trường thì doanh nghiệp có được dòng tiền để tái cơ cấu nợ, đảo nợ, như vậy thị trường TPDN sẽ phục hồi trở lại. Những doanh nghiệp có nhiều tài sản, nhiều bất động sản đảm bảo sẽ phục hồi, sau đó các doanh nghiệp khác sẽ phục hồi theo.
Chứ không ai đứng ra bảo lãnh thì ngay cả khi doanh nghiệp có tài sản cũng không thể bán được để có tiền trả nợ. Và doanh nghiệp có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ TPDN, còn thị trường bất động sản có nguy cơ “đóng băng” nghiêm trọng hơn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng thương mại.
Chúng ta không có nhiều tiền thì tốt nhất nên lựa chọn hai ngân hàng quốc doanh đứng ra bảo lãnh cho thị trường TPDN. Các ngân hàng quốc doanh họ có sẵn nghiệp vụ bảo lãnh rồi sẽ đỡ tốn kém chi phí khi thực hiện bảo lãnh trái phiếu.
Hoãn một số quy định và việc hình sự hóa
Thứ hai, về lâu dài việc thực hiện các quy định của nghị định 65 sẽ giúp thị trường TPDN phát triển lành mạnh.
Nhưng tạm thời trong năm 2022, để giải quyết khó khăn trước mắt – tình trạng mất thanh khoản của thị trường TPDN thì nên cho hoãn thực hiện điều 8 của nghị định 65 quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Thứ ba, không nên nghĩ tới chuyện hình sự hóa, lúc này cần hỗ trợ các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại lấy lại lòng tin nhà đầu tư trên thị trường TPDN để xử lý các vấn đề thị trường.
Khi thị trường phát triển ổn định trở lại thì mới tính đến việc xử lý hình sự các sai phạm trên thị trường và chỉ những doanh nghiệp, ngân hàng không tuân thủ, hợp tác trong quá trình xử lý bất cập thị trường thì mới xử lý hình sự, còn các doanh nghiệp tuân thủ tốt cần hỗ trợ họ phát triển.
Thứ tư, cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát các ngân hàng, công ty chứng khoán phát hành trái phiếu.
Làm sao để phát hành trái phiếu minh bạch, thông tin đến nhà đầu tư cũng phải minh bạch, không để các khâu trung gian lợi dụng như thời gian qua, nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán khi phân phối TPDN đã “ỡm ờ” giữa bảo lãnh phát hành TPDN với bảo lãnh thanh toán TPDN.
Thậm chí có những nhân viên ngân hàng đã lừa dối để khách hàng gửi tiền tiết kiệm chuyển sang mua TPDN.
Để “phá băng” thị trường TPDN hiện nay, TS Lê Xuân Nghĩa – nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia – cho rằng kinh nghiệm xử lý của Hàn Quốc thời gian qua rất đáng quan tâm.
B.NGỌC – L.THANH ghi