Gia tăng lo ngại về TikTok
Gia tăng lo ngại về TikTok
Giới chức Mỹ và giới chuyên môn cảnh báo về tác động ngày càng đáng lo ngại của mạng xã hội TikTok, từ ảnh hưởng đối với người dùng cho đến các vấn đề an ninh.
Đài ABC ngày 3.12 đưa tin Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cảnh báo lo ngại ngày càng gia tăng về TikTok, khi ứng dụng này tích hợp nhiều thuật toán có dấu hiệu thao túng nội dung và tiến hành chiến dịch gây ảnh hưởng.
Chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump hồi năm 2020 dọa cấm TikTok ở Mỹ và muốn chủ sở hữu là Công ty ByteDance (Trung Quốc) bán ứng dụng này cho một công ty Mỹ. Phát ngôn viên TikTok Brooke Oberwetter cho hay công ty vẫn đang đàm phán với chính phủ Mỹ và tin rằng sẽ đáp ứng “mọi lo ngại hợp lý về an ninh quốc gia của Mỹ”.
Ứng dụng TikTok đối diện lo ngại ngày càng gia tăng |
Thuật toán đọc tâm trí
TikTok bắt đầu thống trị các nền tảng ở Mỹ vào năm 2017, sau khi ByteDance thâu tóm ứng dụng Musical.ly của Mỹ. TikTok có hàng trăm triệu lượt tải về hằng năm và nằm trong nhóm 10 ứng dụng có tổng lượt tải về trên 3,5 tỉ. Thành công của TikTok được cho là nằm ở thuật toán đề xuất nội dung giúp người dùng luôn được tiếp cận thông tin mà họ quan tâm và ngày càng bị cuốn sâu hơn vào đó, theo trang Wired. TikTok còn được cho là có khả năng giúp bạn phát hiện giới tính thật hay thậm chí giải tỏa những sang chấn thời thơ ấu. Trang Mashable dẫn lời chuyên gia Jess Joho cho biết trong khi Facebook cho người dùng cập nhật thông tin cá nhân, TikTok đơn giản chỉ “chú ý”, nhưng kết quả thật kỳ diệu.
Theo tờ The New York Times, thuật toán trên được đúc kết từ tài liệu “TikTok Algo 101” của nhóm kỹ sư TikTok tại Bắc Kinh. Phát ngôn viên Hilary McQuaide của ByteDance xác nhận và cho biết tài liệu giải thích với nhân viên về cách thức hoạt động của thuật toán, với khả năng thấu hiểu cảm xúc con người. Theo tờ The Wall Street Journal, khi người dùng lập tài khoản mới, thuật toán sẽ giúp TikTok hiển thị hàng loạt đoạn phim phổ biến nhằm kiểm tra phản ứng của họ. Chỉ trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, thuật toán có thể đoán được tâm lý cùng những mối quan tâm của người dùng.
Bé Nylah Anderson (10 tuổi) thiệt mạng tại Mỹ vào tháng 12.2021 vì bắt chước thử thách trên TikTok REUTERS |
Tác hại khó lường
Với sự phổ biến đi kèm những nội dung gây tranh cãi, TikTok ngày càng khiến nhiều người lo ngại về những tác hại. Hồi tháng 7, Trung tâm Luật pháp cho các nạn nhân mạng xã hội Mỹ nộp đơn kiện TikTok lên tòa án tại Los Angeles (California) vì tiếp tay cho trào lưu Blackout Challenge (thử thách ngạt thở). Thử thách này buộc người tham gia thực hiện một số hành động tự gây ngạt để rơi vào trạng thái ngất xỉu và quay phim lại.
Theo Bloomberg đưa tin ngày 30.11, ít nhất 20 trẻ em đã thiệt mạng trong 18 tháng qua do ngạt thở khi thực hiện thử thách trên. Ngoài ra, nhiều người còn bị bỏng khi bắt chước thử thách bỏ lọt đồng xu vào khe hở giữa phích cắm sạc và ổ điện để tạo tia lửa điện, hay bị thương, thiệt mạng vì bắt chước các thử thách khác trên nền tảng mạng xã hội này.
Nhiều gia đình của các nạn nhân đã kiện TikTok. Tuy nhiên, các vụ kiện đi vào ngõ cụt vì tòa án cho rằng Công ty ByteDance có quyền miễn trừ theo điều 230 trong đạo luật Chuẩn mực truyền thông, với nội dung đảm bảo các công ty công nghệ không phải chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung được xuất bản trên nền tảng của họ.
“Thuốc phiện và cải bó xôi”
Trên Đài CBS mới đây, cựu nhân viên Google Tristan Harris cho rằng 2 phiên bản TikTok ở Mỹ và Trung Quốc (mang tên Douyin) khác nhau như “thuốc phiện và cải bó xôi”, dù đều thuộc ByteDance.
“Dường như họ nhận ra công nghệ ảnh hưởng sự phát triển của trẻ em nên có phiên bản “cải bó xôi” cho thị trường nội địa, trong khi đưa phiên bản “thuốc phiện” ra nước ngoài”, ông ví von. Chuyên gia này nêu ví dụ rằng với một đứa trẻ 14 tuổi, phiên bản ở Trung Quốc sẽ hiển thị những thí nghiệm khoa học có thể làm ở nhà, triển lãm ở viện bảo tàng, những đoạn phim về giáo dục và lòng yêu nước. Douyin cũng giới hạn thời gian truy cập của trẻ em là 40 phút mỗi ngày.
KHÁNH AN
TNO