EU trong thế lưỡng nan với Bắc Kinh

EU trong thế lưỡng nan với Bắc Kinh

Chuyến đi Trung Quốc của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel phản ánh tình thế khó xử hiện tại của EU trong quan hệ với Trung Quốc.

 

 

Bắc Kinh tiếp đón ông Michel và nghe hết mọi trình bày nhưng rồi không đáp ứng gì cả. Đại diện cho EU chỉ thu về những quan điểm lâu nay của Bắc Kinh cùng cảnh báo đừng can thiệp vào “chuyện nội bộ của Trung Quốc”.

EU trong thế lưỡng nan với Bắc Kinh - ảnh 1
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh ngày 1.12  REUTERS

Thực chất cái khó xử hiện tại của EU trong quan hệ với Bắc Kinh là chủ trương đối phó trong khi vẫn không thể không cần Trung Quốc, vừa muốn “thoát Trung” vừa vẫn phải hợp tác với Trung Quốc. Ở Trung Quốc, ông Michel thôi thúc Bắc Kinh mở cửa thị trường cho giới kinh tế và doanh nghiệp của EU, trong khi EU chủ trương hạn chế tối đa việc Trung Quốc thâu tóm các doanh nghiệp ở khối này, đặc biệt các doanh nghiệp công nghệ cao và mạng lưới cơ sở hạ tầng có ý nghĩa chiến lược. Ông Michel còn thuyết phục Trung Quốc ngả về phương Tây để cùng đối phó Nga, hoặc ít nhất thì cũng vận động Bắc Kinh không hậu thuẫn Moscow xung quanh chiến sự ở Ukraine, trong khi EU tiếp tục gay gắt với Trung Quốc về dân chủ, nhân quyền.

Tuy không chủ trương đối đầu EU nhưng Trung Quốc không chủ định làm hài lòng EU để thúc đẩy quan hệ hợp tác với nhau. Liên quan chiến sự Ukraine, Trung Quốc càng mập mờ giữa ủng hộ và không hậu thuẫn Nga để có vị thế cao trong quan hệ với phương Tây.

Chừng nào EU còn gò ép Trung Quốc về dân chủ và nhân quyền cũng như còn loại trừ hoặc hạn chế doanh nghiệp Trung Quốc đối với thị trường EU, thì làm sao EU có thể được Bắc Kinh nhượng bộ ở thị trường Trung Quốc. Cho nên EU không thể buông bỏ Trung Quốc mà níu kéo lại không dễ thành công.

 

PHẠM LỮ

TNO